Dự báo 100% học sinh, sinh viên được đào tạo kỹ năng số trong năm 2024

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Năm 2024, 100% học sinh phổ thông và sinh viên được đào tạo kỹ năng số. Tỷ lệ học sinh phổ thông tiếp cận STEM/STEAM đạt 70%.

Sinh viên Trường ĐH Thương mại.
Sinh viên Trường ĐH Thương mại.

Đó là gợi mở của ông Phan Thế Công – Trưởng khoa Kinh tế, Trường ĐH Thương mại tại Lễ công bố Báo cáo Thường niên Kinh tế và Thương mại Việt Nam 2023 với chủ đề chuyên sâu về “Chuyển đổi số với phát triển bền vững” (Báo cáo) diễn ra ngày 2/4, tại Hà Nội. Buổi lễ do Trường ĐH Thương mại tổ chức.

Ông Phan Thế Công giới thiệu một số nội dung chính của Báo cáo Thường niên Kinh tế và Thương mại Việt Nam 2023.

Ông Phan Thế Công giới thiệu một số nội dung chính của Báo cáo Thường niên Kinh tế và Thương mại Việt Nam 2023.

Tại buổi lễ, ông Phan Thế Công dự báo 5 nội dung đối với chuyển đổi số ở Việt Nam trong năm 2024:

Thứ nhất, phát triển dữ liệu số: Xây dựng Cơ sở Dữ liệu Quốc gia về người dân, doanh nghiệp, và đất đai, đạt 100% đối với mỗi lĩnh vực.

Thứ hai, phát triển định danh số: Đạt tỷ lệ 70% dân số sở hữu danh tính số, với mỗi danh tính phát sinh trung bình 100 lượt sử dụng mỗi năm.

Thứ ba, phát triển thanh toán số: Tỷ lệ người dân có tài khoản thanh toán điện tử đạt 80%, với 50% thanh toán thương mại điện tử không sử dụng tiền mặt. Tỷ lệ thanh toán hóa đơn điện, nước không sử dụng tiền mặt đạt 75%.

Thứ tư, phát triển kỹ năng số: Đào tạo kỹ năng số cho 70% công nhân tuyển dụng mới và đào tạo lại. Tỷ lệ nông dân được đào tạo về kỹ năng số cơ bản đạt tối thiểu 50%. 100% học sinh phổ thông và sinh viên được đào tạo kỹ năng số.

Thứ năm, phát triển nhân lực số: Tỷ lệ học sinh phổ thông tiếp cận STEM/STEAM đạt 70%. Đưa vào hoạt động 5 đại học số thí điểm. Tổng số nhân lực công nghệ số Việt Nam đạt 1,5 triệu người.

Các chuyên gia, nhà khoa học tham dự buổi lễ.

Các chuyên gia, nhà khoa học tham dự buổi lễ.

Thảo luận tại buổi lễ, ông Phạm Xuân Hòe - Tổng thư ký Hiệp hội Cho thuê tài chính Việt Nam mong muốn, nhóm tác giả đánh giá sâu hơn về vấn đề tư duy làm chính sách.

“Ứng dụng chuyển đổi số khi làm chính sách phải tốt hơn, quản lý tốt hơn nhưng cần vì người dân, doanh nghiệp” - ông Phạm Xuân Hòe nhấn mạnh. Tuy nhiên, dường như lâu nay chúng ta vẫn đang đẩy khó về phía doanh nghiệp, người dân và thị trường. Vì thế, nhóm chuyên gia của Báo cáo cần nghiên thêm về vấn đề này; trong đó nhấn mạnh những khuyến nghị, cảnh báo khi làm chính sách.

Theo PGS.TS Nguyễn Hoàng – Hiệu trưởng nhà trường cho biết, đây là năm thứ 6 liên tiếp, Trường ĐH Thương mại cụ thể hóa trách nhiệm học thuật của mình bằng ấn phẩm Báo cáo nêu trên.

Năm 2023, Báo cáo có chủ đề “Chuyển đổi số với phát triển bền vững”, do GS.TS Đinh Văn Sơn – Tổng biên tập Tạp chí Khoa học Thương mại là chủ biên, cùng tập thể các nhà khoa học tham gia biên soạn công trình học thuật này.

Báo cáo thể hiện quan điểm khách quan và độc lập đối với các vấn đề kinh tế, thương mại trong nước và quốc tế. Báo cáo được nghiên cứu dựa trên những số liệu và minh chứng có chọn lọc từ các tổ chức cung cấp dữ liệu chính thống và tin cậy. Đây sẽ là tài liệu tham khảo hữu ích cho các nhà quản lý, hoạch định chính sách, nhà nghiên cứu và tất cả những ai quan tâm đến kinh tế.

Nhà khoa học trao đổi về Kinh tế và Thương mại tại sự kiện.

Nhà khoa học trao đổi về Kinh tế và Thương mại tại sự kiện.

Báo cáo thường niên Kinh tế và Thương mại Việt Nam năm 2023 là sản phẩm khoa học nằm trong Chương trình khoa học & công nghệ trọng điểm giai đoạn 2018-2025 của Trường ĐH Thương mại.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ