Môi trường và tiền… bên nào nặng hơn?
Khi thực hiện dự án Khu du lịch sinh thái Đại Lải (Flamingo Đại Lải Resort khu A), chủ đầu tư là Cty cổ phần Hồng Hạc Đại Lải vi phạm khi không thực hiện trồng rừng thay thế khi chuyển đổi mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác với diện tích 71.331 m2.
Theo quy định của pháp luật hiện hành, chủ đầu tư phải trồng rừng thay thế cho phần diện tích này.
Xác minh của GD&TĐ cho thấy, khi làm việc với Chi cục Kiểm lâm (Sở NN&PTNT Vĩnh Phúc) Cty cổ phần Hồng Hạc Đại Lải cho rằng không còn quỹ đất rừng để thực hiện trồng rừng thay thế trên diện tích 71.331 m2 đất lâm nghiệp.
Vì đó, doanh nghiệp này đề nghị thực hiện nghĩa vụ trồng rừng thay thế bằng hình thức nộp tiền vào Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Vĩnh Phúc, với đơn giá 30,251 triệu đồng/ha. Cuối cùng, Cty Cổ phần Hồng hạc Đại Lải thay vì phải trồng rừng thay thế cho hơn 71.000 m2 đất lâm nghiệp thì chỉ phải nộp hơn 387 triệu đồng vào Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Vĩnh Phúc.
Cty cổ phần M.Land là chủ đầu tư dự án khu nghỉ dưỡng M.Land cũng “trốn” trồng rừng thay thế bằng 16,456 triệu đồng cho nghĩa vụ phải trồng 3.026,8m2 rừng thay thế theo quy định khi chuyển đổi mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác.
Xác định của GD&TĐ cũng cho thấy chủ đầu tư dự án Khu dịch vụ du lịch Đảo Ngọc là Cty TNHH Đạt Tiến có vi phạm lớn khi có diện tích 1,56 ha nằm ngoài chỉ giới được giao.
Diện tích này Cty TNHH Đạt Tiến sử dụng trồng cây xanh, làm vườn cây, đường dạo, lan can, đóng cọc chống sạt lở. Hành vi này cũng chỉ bị xử phạt vi phạm hành chính mà không có các biện pháp kiên quyết khác.
Tiếp tục đề nghị nhà đầu tư dừng thi công dự án
Được biết, hiện nay UBND tỉnh Vĩnh Phúc tiếp tục có yêu cầu các nhà đầu tư dự án dừng các hoạt động thi công, đào đất san lấp tạo mặt bằng trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi hồ Đại Lải từ cao trình + 23.00m trở xuống.
Đối với hoạt động trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi, Sở NN&PTNT Vĩnh Phúc đã có văn bản số 1353 hướng dẫn chi tiết các thủ tục cấp phép và đã gửi các đơn vị gồm: Công ty TNHH MTV Thủy lợi Phúc Yên, Công ty TNHH Đại Lải Việt Nam; Công ty Cổ phần Hồng Hạc Đại Lải; Công ty TNHH Đạt Tiến, Công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng và Thương mại Nhật Hằng.
Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay, Sở NN& PTNT Vĩnh Phúc chưa nhận được hồ sơ đề nghị cấp phép hoạt động trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi hồ Đại Lải. Sở NN&PTNT Vĩnh Phúc cũng chưa nhận được hồ sơ cắm mốc chỉ giới bảo vệ công trình thủy lợi hồ Đại Lải của các doanh nghiệp này.
Về việc cắm mốc, Sở NN&PTNT Vĩnh Phúc đề nghị UBND tỉnh Vĩnh Phúc xem xét bố trí vốn để thực hiện việc cắm mốc theo quy định pháp luật về thủy lợi.
Được biết, Thanh tra tỉnh Vĩnh Phúc đã có văn bản (số 148) đề nghị UBND tỉnh Vĩnh Phúc chỉ đạo các sở ngành tiếp tục đôn đốc, thực hiện dứt điểm các nội dung mà chưa thực hiện xong.
Cụ thể là yêu cầu Sở TN&MT, Sở NN&PTNT và UBND thành phố Phúc Yên tổ chức kiểm điểm, xác định trách nhiệm của tập thể, đơn vị, cá nhân về những tồn tại, vi phạm liên quan đến các dự án đầu tư trên địa bàn xã Ngọc Thanh , TP. Phúc Yên.
Yêu cầu Công ty Cổ phần đầu tư Xây dựng và Thương mại Nhật Hằng chấp hành hoàn thiện nghĩa vụ tài chính về đất đai với Nhà nước theo quy định (dự án Khu biệt thự và vui chơi giải trí Đại Lải).
Được biết, liên quan đến việc kiểm điểm, xem xét trách nhiệm cá nhân tại Sở KH&ĐT, Sở Xây dựng, UBND xã Ngọc Thanh, Cty TNHH MTV thủy lợi Phúc Yên đã thực hiện xong.
Nhưng cá nhân cụ thể, tập thể tại các đơn vị trên phải chịu trách nhiệm như thế nào, kiểm điểm ra sao thì không được Thanh tra tỉnh Vĩnh Phúc nhắc tới.