Dự án thua lỗ có thể cho phá sản

Dự án thua lỗ có thể cho phá sản

Ngày 3/4, tại Phiên họp thứ 9 của Ban Chỉ đạo xử lý các tồn tại, yếu kém của một số dự án và doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành Công Thương, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình - Trưởng ban Chỉ đạo nhấn mạnh: “Dự án nào không thể phục hồi thì kiên quyết giải thể, phá sản, không nói chung chung là đang tốt hơn nhưng thực tế vẫn đang lỗ, có khi còn lỗ nặng, càng xử lý, càng mất vốn”.

Theo báo cáo của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, sau 3 năm triển khai Quyết định 1468/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Đề án xử lý các tồn tại, yếu kém của một số dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành Công Thương, tình hình các dự án, doanh nghiệp yếu kém đã có những chuyển biến nhất định, bước đầu đạt được một số mục tiêu, yêu cầu theo chỉ đạo của Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ.

Trong số 6 dự án có hoạt động sản xuất kinh doanh nhưng thua lỗ trước đây, trong hai năm 2018 - 2019, có 2 nhà máy có lãi là DAP-1 Hải Phòng và Thép Việt Trung; 4 dự án từng bước khắc phục khó khăn, giảm lỗ là Đạm Hà Bắc, Đạm Ninh Bình, DAP-2 Lào Cai, Công nghiệp tàu thủy Dung Quất DQS. Trong 3 dự án đã bị dừng sản xuất kinh doanh, đến nay, dự án Xơ sợi polyester Đình Vũ PVTex đã vận hành trở lại, 2 dự án đủ điều kiện vận hành trở lại, nhưng chưa khởi động do điều kiện thị trường khó khăn là Nhiên liệu sinh học Quảng Ngãi và Bình Phước.

Toàn bộ 12 dự án, doanh nghiệp đều đã được tiến hành thanh tra các cấp, có 7/12 dự án đã được kiểm toán, điều tra và khởi tố 4 dự án, từ đó làm rõ trách nhiệm các tổ chức, cá nhân liên quan và xử lý nghiêm minh theo đúng quy định của pháp luật.

Trung tướng Lương Tam Quang, Thứ trưởng Bộ Công an cho biết, nhiều dự án đang dở dang và còn tranh chấp hợp đồng EPC, chưa quyết toán dự án hoàn thành, chưa xác định được hậu quả thiệt hại. Bộ Công an sẽ chỉ đạo các đơn vị ở các địa phương có dự án tổ chức nắm, phát hiện dấu hiệu sai phạm và điều tra xử lý theo quy định, nhất là với các vụ án kinh tế, chú trọng công tác thu hồi tài sản. Công tác này sẽ không ảnh hưởng đến sự phục hồi và cơ cấu lại các dự án. Ông đề nghị Thanh tra Chính phủ sớm kết luận thanh tra đối với Nhà máy đạm Hà Bắc.

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình nhấn mạnh thời hạn để hoàn thành việc xử lý 12 dự án, doanh nghiệp còn lại không nhiều. Về xử lý vướng mắc pháp lý quyết toán các hợp đồng EPC, quyết toán và xử lý tài sản các dự án, doanh nghiệp, Phó Thủ tướng yêu cầu Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp chỉ đạo, đôn đốc và giám sát các tập đoàn, tổng công ty thực hiện đúng ý kiến chỉ đạo tại Thông báo số 86/TB-VPCP của Văn phòng Chính phủ, cần xác định rõ trách nhiệm thuộc về tập đoàn, tổng công ty và doanh nghiệp chủ đầu tư dự án để tập trung xử lý dứt điểm các vướng mắc này trong năm 2020.

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình lưu ý, trong quá trình xử lý thoái vốn nhà nước tại các dự án nêu trên, các tập đoàn, tổng công ty đề nghị Công ty Trách nhiệm hữu hạn Mua bán nợ Việt Nam (DATC) nghiên cứu, tham gia quá trình tái cơ cấu các dự án, doanh nghiệp này theo đúng vai trò, chức năng của DATC. Bộ Tài chính chỉ đạo và tạo điều kiện để DATC tham gia tái cơ cấu các dự án, doanh nghiệp theo quy định của pháp luật, cố gắng giảm thiểu thiệt hại tối đa cho nhà nước.

“Vấn đề đặt ra đối với xử lý các dự án là Nhà nước không phải tiếp tục gánh nợ treo lơ lửng. Cần đánh giá kỹ, dự án nào phát triển được thì đưa ra khỏi danh sách 12 dự án yếu kém. Dự án nào cần liên doanh, bán đứt hoặc cho thuê tài sản thì tìm kiếm, kêu gọi các đối tác hợp tác, vận hành dự án. Dự án thua lỗ, nếu có thể thì cho giải thể, phá sản, không để kéo dài đeo đẳng”, Phó Thủ tướng nêu rõ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ