Dùng tới hơn 200 bộ cổ phục
Tại buổi tọa đàm "Cổ phục Việt: Từ đời sống đến điện ảnh" và các vấn đề về cứ liệu lịch sử quanh dự án phim “Phượng Khấu” vừa được tổ chức tại Hà Nội, đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh tiết lộ dự án phim sẽ có khoảng 97 nhân vật nên cần hơn 200 bộ cổ phục.
Trong đó, mỗi nhân vật sẽ có 2 loại: Triều phục và thường phục được mặc theo mùa, theo sở thích. Riêng với các nhân vật nữ, mỗi người sẽ có từ 12 - 14 bộ. Tuy nhiên, với lượng cổ phục nhiều như vậy và cũng vì giá thành chi phí cho mỗi bộ không nhỏ nên chỉ có 35% số bộ cổ phục có các họa tiết được thêu còn lại là in.
Theo đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh, hơn 200 bộ cổ phục này do Công ty Cổ phần Ỷ Vân Hiên thực hiện. Ê-kíp sáng tạo đặt kỳ vọng, trang phục của “Phượng Khấu” sẽ mãn nhãn người xem khi không chỉ có form đẹp, đường may, đường thêu khéo léo, tinh tế mà còn phải nhìn ra đấy là trang phục Việt Nam chứ không na ná Tàu.
“Trong “Phượng Khấu”, tôi đảm nhận vai hoàng hậu Lệ Thiên Anh, vợ của vua Tự Đức. Là một trong số những diễn viên trẻ tham gia dự án phim lịch sử và được đóng chung với anh Thành Lộc, chị Hồng Vân, tôi cảm thấy vô cùng áp lực. Vì vậy, tôi đã không chỉ chuẩn bị về mặt tâm lý diễn xuất mà còn phải chuẩn bị về một số kiến thức về lịch sử, học cách đi đứng, cách ăn nói… để làm sao thể hiện được gần nhất với nhân vật mình đảm nhiệm”, diễn viên Diễm My 9X chia sẻ.
“Với một bộ phim dã sử, trang phục các nhân vật là yếu tố rất quan trọng. Đặc biệt, câu chuyện trang phục các triều đại phong kiến ở Việt Nam luôn gây ra những tranh luận chưa bao giờ có hồi kết.
Thế nên, chúng tôi có thể tiết kiệm chi cho các bộ phận khác nhưng rất chịu chi cho trang phục, làm sao đạt được độ chính xác và thẩm mỹ cao nhất” - đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh nói.
Đồng tình với mong muốn này, anh Nguyễn Đức Lộc - Giám đốc Công ty Cổ phần Ỷ Vân Hiên chia sẻ, thời gian qua Ỷ Vân Hiên đã rất nỗ lực nghiên cứu cũng như tìm kiếm, tham khảo các cứ liệu lịch sử cho việc thiết kế các bộ cổ phục cho dự án phim “Phượng Khấu”.
Nguồn cứ liệu lịch sử đó bao gồm: Các bộ sách sử chính thống (Đại Việt sử ký toàn thư), hiện vật ở các bảo tàng, các bộ sưu tập uy tín thậm chí còn tham khảo từ những ghi chép, hình ảnh của người nước ngoài…
“Chúng tôi luôn ý thức làm sao các thiết kế phải giữ được đường nét, dáng vẻ của thời xưa và đặt việc tôn trọng hiện vật lên hàng đầu. Với chúng tôi, để sai ở cổ phục là có tội, có lỗi với công chúng” - anh Lộc cho hay.
Đau đầu tìm bối cảnh
“Phượng Khấu” là dự án phim đầu tiên khai thác đề tài “cung đấu” ở Việt Nam. Bộ phim kể về chốn hậu cung đời hoàng đế Thiệu Trị (1840 - 1847) và xoay quanh cuộc đời của Nghi Thiên Chương hoàng hậu hay còn được gọi là Từ Dụ hoàng thái hậu.
Có thể thấy, với đề tài “cung đấu” quen với điện ảnh “hàng xóm” như Trung Quốc và Hàn Quốc nhưng lần đầu với màn ảnh Việt, “Phượng Khấu” đang khiến khán giả tò mò đặt câu hỏi không biết có sự tương tự nào không?
Trao đổi về thắc mắc này, đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh cho biết, trong “Phượng Khấu”, cách “cung đấu” của các bà hoàng, bà phi Việt Nam được khai thác khác với những bộ phim “cung đấu” của Trung Quốc, Hàn Quốc.
Đó không phải là sự ganh ghét, bất chấp tất cả (tính mạng mình, thậm chí cả tính mạng của người thân hay những đứa con…) để tranh giành sự ân sủng từ một ông hoàng. “Phượng Khấu” đi vào giải quyết các mối quan hệ gia đình đa thê người Việt thời bấy giờ.
“Hoàng đế Thiệu Trị luôn khát vọng trở thành một ông vua tốt và luôn ý thức trở thành một người chồng tốt. Thế nên, trong “Phượng Khấu” sẽ không có cảnh những bà hoàng, bà phi độc ác ngấm ngầm sát hại lẫn nhau mà sự tranh đấu ở đây là từ những khát vọng của tình yêu: Quá tôn sùng và yêu hoàng đế hoặc quá yêu con của mình” - đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh nói.
Bên cạnh đó, cũng theo đạo diễn này, “Phượng Khấu” dài 6 tập và là bộ phim giải trí. Tuy nhiên, không vì yếu tố giải trí mà phim xa rời lịch sử, hư cấu quá đà.
Trái lại, “Phượng Khấu” sẽ cố gắng bám sát các cứ liệu lịch sử chính thống khi kể chuyện về hoàng đế Thiệu Trị, hoàng đế Tự Đức, hoàng hậu Nghi Thiên Chương, Nhân Tuyên thái hoàng thái hậu, hoàng hậu Lệ Thiên Anh…
Đồng thời, “Phượng Khấu” sẽ có một số nhân vật mới được hư cấu để phục vụ cho một số chi tiết lịch sử còn nằm trong những giả thuyết, phỏng đoán. Thế nhưng, sự hư cấu này sẽ không thái quá, vu vạ bôi xấu tiền nhân mà luôn lấy “ngọn đèn”: Tính chân thực, logic… dẫn dắt.
Dự án phim “Phượng Khấu” đang chuẩn bị bước vào giai đoạn bấm máy. Nhà sản xuất đã chuẩn bị cả dàn máy thế hệ mới, hội tụ một dàn diễn viên tên tuổi như: Nghệ sĩ Hồng Đào, NSƯT Thành Lộc, NSND Hồng Vân, NSƯT Lê Thiện, NSƯT Minh Trang, Jun Phạm, Diễm My, Thanh Tú…; đã mời nhạc sĩ Đức Trí đảm trách vai trò Giám đốc âm nhạc.
Nhất là dự toán kinh phí cho mỗi tập phim rất… khủng: 2 tỷ đồng/tập. Tuy nhiên, đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh bảo, điều đau đầu nhất đối với “Phượng khấu” hiện nay là phim trường.
Trước đó, đoàn làm phim đã đến Huế khảo sát. Thế nhưng, Đại nội Huế giờ đây có chỗ mới chỗ cũ. Thêm nữa, trước một di sản văn hóa cần được bảo tồn nghiêm ngặt như Đại nội Huế, đoàn làm phim đã không thể tạo dựng trường quay tại đây được.
Vì vậy, “Phượng Khấu” sẽ được quay tại trường quay rộng 1.200m2 được đặt ở quận Gò Vấp, TPHCM. Tất nhiên, đoàn làm phim sẽ không thể dựng toàn bộ Đại nội Huế cùng một lúc mà chỉ có thể dựng từng phòng của các nhân vật rồi thực hiện quay cuốn chiếu. Khi đó, các diễn viên sẽ phải tập trung chạy theo bối cảnh.