Bộ GD&ĐT đã phê duyệt chủ trương đầu tư cho dự án bồi thường, giải phóng mặt bằng của khu vực phường Hòa Quý (quận Ngũ Hành Sơn) với tổng mức đầu tư 750 tỷ đồng. Điều tiên quyết là cần phải có khu tái định cư để di dời những hộ dân trong phạm vi 40ha sẽ giải phóng mặt bằng.
Gỡ “nút thắt” giải phóng mặt bằng
Dự án Làng đại học Đà Nẵng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt từ năm 1997. Theo quy hoạch, trong 300ha đất dành cho làng ĐH Đà Nẵng, có 110 ha thuộc thành phố Đà Nẵng (P. Hòa Quý, Q. Ngũ Hành Sơn) và 190 ha thuộc tỉnh Quảng Nam (xã Điện Ngọc, TX Điện Bàn). Từ năm 1997 đến 2017, tổng vốn đầu tư của Bộ cho dự án xây dựng ĐH Đà Nẵng khoảng 300 tỷ đồng, đạt 0,5% so với tổng mức đầu tư dự kiến 7.000 tỷ đồng (năm 1997) và được triển khai trong 3 giai đoạn. Hiện Dự án Làng ĐH Đà Nẵng mới chỉ có 3 cơ sở giáo dục được xây dựng và đi vào hoạt động, gồm trường CĐ Việt – Hàn, Khoa Y Dược (ĐH Đà Nẵng) và trường CĐ Công nghệ thông tin. Tổng diện tích giải phóng mặt bằng của dự án cho đến nay là 38,95ha.
PGS.TS Nguyễn Ngọc Vũ – Giám đốc ĐH Đà Nẵng cho biết: “Theo chủ trương của Thủ tướng Chính phủ, sẽ xây dựng ĐH Đà Nẵng thành một trong ba trung tâm đào tạo nghiên cứu khoa học hàng đầu cả nước với diện tích 300ha đáp ứng quy mô 60.000 SV và 3.500 cán bộ nhân viên. Thời gian qua ĐH Đà Nẵng đã tích cực chủ động phối hợp với các đơn vị, địa phương liên quan triển khai một số công việc cụ thể như: Đề án phát triển tổng thể ĐH Đà Nẵng đến năm 2025 tầm nhìn 2035; Đồ án quy hoạch 1/2000 khu đô thị ĐH Đà Nẵng; Lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án giai đoạn 2021-2025…. Tuy nhiên, dự án vẫn còn nhiều vướng mắc, khó khăn cần phải tháo gỡ, nhất là về vốn và giải phóng mặt bằng”.
ĐH Đà Nẵng đề xuất với TP Đà Nẵng 2 phương án tái định cư. Phương án 1 là TP xây dựng khu tái định cư mới để bố trí cho các hộ dân thuộc đối tượng di dời trong phạm vi giải phóng mặt bằng của dự án Làng ĐH Đà Nẵng từ nguồn kinh phí của địa phương. TP sẽ thu lại kinh phí đã đầu tư khu tái định cư này từ việc bán đất cho các đối tượng tái định cư thuộc khu vực giải phóng mặt bằng của dự án.
Phương án 2 là thành phố sử dụng các khu tái định cư đã có sẵn của các dự án khác để bố trí cho các hộ dân thuộc đối tượng di dời trong phạm vi dự án Làng ĐH Đà Nẵng từ nguồn kinh phí của thành phố và đây được xem là đầu tư cho sự phát triển của thành phố.
Quan trọng nhất là thủ tục và tiến độ
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ khẳng định: “Nếu không giải phóng mặt bằng thì bài toán về vốn cho dự án Làng ĐH Đà Nẵng sẽ rất khó để giải quyết. Bộ KH-ĐT đã phân bổ kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Nhà nước năm 2020, trong đó dự án Làng Đại học Đà Nẵng được bố trí vốn 500 tỉ đồng (400 tỉ đồng để ưu tiên giải phóng mặt bằng trên địa bàn thành phố Đà Nẵng và 100 tỉ đồng còn lại để xây dựng các công trình cấp thiết)”.
Bộ GD&ĐT đề nghị UBND TP tạo điều kiện tối đa đẩy nhanh tiến độ để gỡ “nút thắt” này để Bộ GD&ĐT bố trí nguồn vốn 500 tỷ đồng thực hiện năm 2020. “Nếu vẫn chưa đủ điều kiện để phân khai chi tiết kế hoạch vốn năm 2020, Bộ GD&ĐT sẽ đề xuất điều chuyển vốn cho các dự án khác có khối lượng thực hiện, có nhu cầu cấp bách về vốn. Như vậy thì nguồn vay ODA 100 triệu USD cho dự án Làng ĐH Đà Nẵng cũng sẽ gặp khó khăn, ảnh hưởng rất lớn đến việc triển khai dự án cho các giai đoạn tiếp theo. Vì thế, nếu vấn đề tái định cư không “khơi thông” được thì sẽ rất khó.
Ông Huỳnh Đức Thơ – Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng kiến nghị Bộ GD&ĐT cần có công văn gửi TP Đà Nẵng đề nghị địa phương hỗ trợ dự án tái định cư, hỗ trợ tái định cư, đề xuất phương án địa phương cung ứng nguồn vốn sau đó hoàn lại cho địa phương. “Công văn này sẽ là căn cứ để địa phương hoàn tất những thủ tục có liên quan đến dự án giải phóng mặt bằng, bố trí tái định cư. Điểm thuận lợi là Bộ GD&ĐT đã tách dự án Làng ĐH Đà Nẵng thành 2 dự án gồm dự án giải phóng mặt bằng và dự án xây dựng cơ bản. Một khi đã phê duyệt chủ trương đầu tư dự án giải phóng mặt bằng thì chỉ cần phê duyệt dự án đầu tư nữa là sẽ có cơ sở để giải ngân nguồn vốn, đền bù giải tỏa rồi thu hồi đất” – ông Thơ khẳng định.
Đại diện Sở TN&MT TP Đà Nẵng cho biết, nếu dùng quỹ đất tái định cư có sẵn của TP Đà Nẵng nằm rải rác ở 61 dự án tái định cư như đề xuất của ĐH Đà Nẵng là rất khó. TP đang tính đến phương án cần thiết phải có khu tái định cư mới, dự kiến khoảng 10ha, trong đó chủ yếu là đất nông nghiệp để làm khu tái định cư thì sẽ dễ giải tỏa hơn.
Để đẩy nhanh tiến độ thực hiện, trong 400 tỷ để bố trí giải phóng mặt bằng, ông Huỳnh Đức Thơ gợi ý nếu dân đồng ý bồi thường thương mại thì sẽ giải quyết ngay. “Bộ GD&ĐT có thể ứng tiền giải phóng mặt bằng để TP Đà Nẵng giải ngân cho dân thì sẽ đẩy nhanh tiến độ thực hiện trong năm 2020. Đà Nẵng cũng sẽ thành lập riêng Hội đồng giải phóng mặt bằng của dự án Làng ĐH Đà Nẵng, lựa chọn phương án tái định cư linh hoạt, phù hợp với nguyện vọng của dân để thúc đẩy công việc được nhanh chóng” - ông Huỳnh Đức Thơ nói.