Bộ GD&ĐT làm việc với lãnh đạo hai địa phương về thực hiện quy hoạch xây dựng làng ĐH Đà Nẵng

GD&TĐ - Sáng nay (9/8), tại Đà Nẵng, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Mạnh Hùng có buổi làm việc với lãnh đạo thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam về thực hiện quy hoạch xây dựng làng ĐH Đà Nẵng.

Lãnh đạo Bộ GD&ĐT, ĐH Đà Nẵng và chính quyền hai địa phương Quảng Nam, Đà Nẵng đều mong muốn duy trì quỹ đất quy hoạch dành cho làng ĐH Đà Nẵng như phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ.
Lãnh đạo Bộ GD&ĐT, ĐH Đà Nẵng và chính quyền hai địa phương Quảng Nam, Đà Nẵng đều mong muốn duy trì quỹ đất quy hoạch dành cho làng ĐH Đà Nẵng như phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ.

Cùng dự buổi làm việc còn có đại diện một số Cục, Vụ chức năng (Bộ GD&Đ), lãnh đạo ĐH Đà Nẵng và một số Sở ban ngành có liên quan.

“Treo” xuyên thế kỷ

Theo báo cáo của ĐH Đà Nẵng, quy hoạch Làng Đại học Đà Nẵng được phê duyệt tại quyết định (QĐ) số 1057 ngày 9-12-1997 của Thủ tướng Chính phủ với quy mô đào tạo đến năm 2010 là 30.000 sinh viên hệ chính quy.

Hai địa phương Quảng Nam - Đà Nẵng đã dành 300 ha, trong đó 190 ha thuộc huyện Điện Bàn (Quảng Nam) và 110 ha thuộc quận Ngũ Hành Sơn (TP Đà Nẵng) để xây dựng làng Đại học.

Trải qua 17 năm với nhiều QĐ phê duyệt, QĐ phê duyệt điều chỉnh dự án, QĐ gia hạn thời gian thực hiện…, và qua 2 giai đoạn triển khai, đến nay, Dự án mới thực hiện được 25,4/286,5 ha đất trong tổng quy hoạch (diện tích đất ở Đà Nẵng được điều chỉ còn 96,5 ha/110 ha so với QĐ ban đầu).

Quy hoạch chung ĐH Đà Nẵng

Đến thời điểm này, ngoài Trường CĐ Công nghệ Thông tin Việt - Hàn được UBND TP Đà Nẵng đưa vào xây dựng tại làng, phía ĐH Đà Nẵng mới chỉ xây dựng được trường CĐ Công nghệ Thông tin, Khoa Y - Dược và khu KTX dành cho SV.

PGS.TS Trần Văn Nam - Giám đốc ĐH Đà Nẵng cho biết: “Đối với diện tích đất 190ha thuộc tỉnh Quảng Nam, trong giai đoạn năm 2003 - 2005, do chưa được đầu tư từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước, ĐH Đà Nẵng đã sử dụng kinh phí tự bổ sung để tiến hành xây dựng một khu tái định cư với diện tích là 1,02ha trên đất Quảng Nam với kinh phí đầu tư là 1,66 tỉ đồng.

Tuy nhiên, chỉ có 2 hộ dân được bố trí ở dưới dạng định cư tại chô, còn lại hơn 100 hộ dân có nhà và đất trên đường bao đã được thực hiện xong việc kiểm kê, áp giá đền bù nhưng không có kinh phí để chi trả. Việc xây dựng khu tái định cư cũng không thể thực hiện được”.

PGS.TS Trần Văn Nam cũng thẳng thắn thừa nhận: “Đến nay, đã qua hơn 17 năm, công tác thực hiện quy hoạch và đầu tư xây dựng trên phần diện tích 190ha đất thuộc tỉnh Quảng Nam vẫn chưa được triển khai.

Điều này đã ảnh hưởng rất lớn đến công tác quản lý đất đai, gây khó khăn trong kế hoạch xây dựng của địa phương, cuộc sống của gần 2.000 hộ dân cư đang cư trú trong khu vực dự án không ổn định, nảy sinh tình trạng xây dựng nhà trái phép và nhiều vấn đề liên quan khác”.

Vấn đề này cũng đã được phản ảnh trong rất nhiều kỳ họp HĐND, tiếp xúc cử tri của các đại biểu Quốc hội. Theo đó, tình trạng kéo dài dự án làng ĐH Đà Nẵng đã kéo theo nhiều hệ lụy trong cuộc sống, sinh hoạt của hàng trăm hộ dân. 

Bị quy hoạch “treo”, người dân không thể mua bán, chuyển nhượng đất đai, nhà cửa; thiếu đất đai canh tác, cuộc sống cũng tạm bợ đã kéo dài hơn 15 năm qua và cũng chưa biết đến lúc nào thì phải bàn giao đất.

Tiếp tục xin điều chỉnh lại quy hoạch

PGS.TS Trần Văn Nam cho biết: Với quỹ đất còn lại của làng ĐH Đà Nẵng là 261,1ha thì cũng chỉ đủ để xây dựng Trường ĐH Bách khoa và Trường ĐH Kinh tế. Hơn nữa, việc di chuyển các cơ sở hiện có vào làng ĐH không chỉ là vấn đề diện tích đất mà đòi hỏi phải có nguồn vốn đấu tư rất lớn, do đó khó thực hiện.

ĐH Đà Nẵng kiến nghị cần thiết phải điều chỉnh lại quy hoạch cho phù hợp với diện tích đất còn lại và thực tế hiện nay cũng như định hướng phát triển trong tương lai của ĐH Đà Nẵng.

Với chiến lược phát triển của ĐH Đà Nẵng là từng bước xây dựng để trở thành một ĐH theo định hướng nghiên cứu và là “một trong ba trung tâm đại học của cả nước” theo tinh thần Nghị quyết 33 của Bộ Chính trị.

Theo đó, ĐH Đà Nẵng sẽ tiếp tục đầu tư phát triển và mở rộng, nếu điều kiện cho phép, các cơ sở hiện có để đáp ứng nhu cầu phục vụ đào tạo và nghiên cứu; điều chỉnh quy hoạch làng ĐH Đà Nẵng để xây dựng Trường ĐH Việt – Anh, Trường ĐH Y Dược, Bệnh viện ĐH Y – Dược, Trường ĐH Công nghệ Thông tin và Truyền thông, Viện Công nghệ cao, Trung tâm giáo dục quốc phòng, Khu KTX SV và một số khu phụ trợ khác.

Tuy nhiên, để có thể triển khai thực hiện dự án Làng ĐH Đà Nẵng thì nhu cầu nguồn vốn đầu tư là rất lớn, khoảng 300 triệu USD, do đó cần có cơ chế để huy động nhiều nguồn vốn khác nhau. Bên cạnh nguồn vốn đầu tư của nhà nước, có thể kêu gọi nguồn vốn đầu tư của các tổ chức và các trường ĐH nước ngoài, nguồn xã hội hóa…

Địa phương quyết tâm 

Tại buổi làm việc, sau những phân tích thực trạng cùng những tồn tại của dự án Làng ĐH Đà Nẵng thời gian qua, đại diện chính quyền hai địa phương có liên quan đến dự án là thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam đều cam kết sẽ hỗ trợ tích cực để dành quỹ đất duy trì dự án như đã phê duyệt.

Ông Huỳnh Đức Thơ - Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng cho biết: “Về phía Đà Nẵng, trong phạm vi gần 100ha, dù công tác giải tỏa, đền bù thời điểm này sẽ khó hơn mấy chục năm về trước nhưng chúng tôi cũng sẽ làm được”.

Ông Huỳnh Đức Thơ cho rằng, trước mắt cần tập trung vốn để giải tỏa hết một lần, sau đó thì có thể đầu tư dần dần cho các hạng mục.

“Với diện tích 300ha như quy hoạch đã phê duyệt thì mới ra một làng ĐH được, cứ có đất sạch rồi chúng ta có thể phân kỳ đầu tư cho hợp lý, tránh lặp lại như cũ và phải quản lý chặt chẽ. Nếu không chọn chỗ này làm làng ĐH thì tôi nghĩ khó để xây dựng một nơi nào khác ở miền Trung.

Làng ĐH Đà Nẵng muốn thành công thì phải có một quyết tâm chính trị rất cao, từ cả phía Bộ GD&ĐT, tỉnh Quảng Nam cũng như thành phố Đà Nẵng” - ông Thơ phân tích..

Đại diện chính quyền Quảng Nam, ông Đinh Văn Thu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh - cho biết: “Quảng Nam vẫn kiên trì mục tiêu xây dựng làng ĐH Đà Nẵng.

Trong quy hoạch khu đô thị Điện Nam – Điện Ngọc, chúng tôi vẫn xem đây là động lực để phát triển, vẫn có sự khớp nối trong quy hoạch và nỗ lực tìm nguồn vốn để đầu tư vào đây, bằng chứng là đã đầu tư một con đường 48m dù trong quy hoạch chỉ có 11m”.

Đồng quan điểm với ông Huỳnh Đức Thơ, ông Thu cho rằng: Nếu giữ nguyên quy hoạch quỹ đất như phê duyệt của Thủ tướng chính phủ thì “cần phải dồn lực cho công tác giải phóng mặt bằng. Có mặt bằng mới có thể kêu gọi đầu tư, đừng như cách làm trước đây vừa giải phóng mặt bằng vừa xây dựng cơ sở vật chất”.

Ông Thu cũng nhấn mạnh: “Dù giữ nguyên quỹ đất như hiện trạng hay có sự thay đổi thì cũng cần sớm có kết luận, để đảm sớm ổn định đời sống cho nhân dân trong vùng quy hoạch”.

Tại buổi làm việc, ông Trần Duy Tạo - Cục trưởng Cục Cơ sở vật chất và Thiết bị trường học, đồ chơi trẻ em (Bộ GD&ĐT) - cho biết: “Hiện nay ở Hà Nội, nhất là khu vực trung tâm, không có đất để xây dựng trường. Nếu Đà Nẵng không làm tốt bài toán quỹ đất dành cho giáo dục thì trong tương lai cũng sẽ như Hà Nội bây giờ. 

Chúng tôi nhất trí với quan điểm của Phó Chủ tịch của hai địa phương là không nên trả lại đất bởi chúng ta phải nhìn cho tương lai, phải nghĩ đến quy hoạch dài hơi.

Nhưng câu chuyện này ngoài tầm của Bộ GD&ĐT. Muốn đầu tư một khoản lớn vào đây, phải có sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ. Nếu Thủ tướng vẫn giữ lại quy hoạch thì quan điểm của Bộ GD&ĐT là sẽ tập trung giải phóng mặt bằng, có mặt bằng mới có thể tính đến những chuyện khác. Nhưng Bộ GD&ĐT không thể tự giải phóng mặt bằng được mà phải thông qua chính quyền các địa phương”.

Vui mừng trước sự ủng hộ cũng như quyết tâm của đại diện chính quyền thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam để duy trì dự án Làng ĐH Đà Nẵng, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Mạnh Hùng chia sẻ: “Thời gian qua, ĐH Đà Nẵng đã phát triển rất tốt, với trọng trách là một ĐH vùng, ĐH Đà Nẵng đã thực hiện tốt sứ mệnh của mình trong đào tạo nguồn nhân lực cũng như nghiên cứu khoa học. Nguyện vọng, chiến lược phát triển thành ĐH nghiên cứu của ĐH Đà Nẵng là hoàn toàn hợp lý và chính đáng.

Trong thực hiện tiến độ xây dựng Làng ĐH Đà Nẵng có nỗ lực rất lớn của Đại học Đà Nẵng, tuy nhiên vẫn gặp ách tắc, trở ngại. Việc giải phóng mặt bằng chậm ở Đà Nẵng cũng đã gây bức xúc trong dân và sức ép lên lãnh đạo địa phương sẽ rất lớn”.

Về phía Bộ GD&ĐT, Thứ trưởng Phạm Mạnh Hùng cho biết sẽ sớm có báo cáo những mặt được, chưa được của dự án: “Bộ GD&ĐT sẽ sớm có con số khái toán để báo cáo với Thủ tướng chính phủ.

Trong đó, sẽ có một số phương án để lựa chọn nhưng Bộ GD&ĐT vẫn mong muốn giữ nguyên quy hoạch quỹ đất như trước đây Thủ tướng đã phê duyệt. 

Đây không còn là vấn đề của Quảng Nam, Đà Nẵng nữa mà còn là sự phát triển chung của ngành giáo dục - đào tạo” – Thứ trưởng Phạm Mạnh Hùng nhấn mạnh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ