Chậm tiến độ do ... đội vốn
Dự án Hồ Bản Mòng xã Hua La, TP Sơn La được Bộ NN&PTNT đầu tư theo Quyết định 1387/QĐ-BNN-XD ngày 14/5/2009 với tổng mức đầu tư ban đầu là 395 tỉ đồng. Dự án được chia làm 2 phần. BQLĐT&XD Thủy lợi 1 phụ tráchđầu tư xây dựng. UBND TP Sơn La làm chủ đầu tư về công tác giải phóng mặt bằng (GPMB), di dân, tái định cư (TĐC).
Ông Nguyễn Văn Hồng, Phó Giám đốc BQLĐT&XD Thủy lợi 1 cho rằng việc dự án “ì ạch” trong một khoảng thời gian dài rồi “đắp chiếu” cơ bản là do vượt tổng mức đầu tư ở phần kinh phí đền bù, GPMB. Đây là phần việc của Sơn La chứ không phải là của Ban. “Tạm dừng do vượt tổng mức đầu tư, không phải là do phần xây lắp mà do phần đền bù. Trước đây, trong dự án có gần 100 tỉ đồng, sau điều chỉnh lên đến gần 300 tỉ đồng”, ông Hồng phân trần.
Theo cách lý giải của ông Hồng thì căn nguyên của việc tăng vốn ở hạng mục bồi thường, hỗ trợ TĐC là do biến động của cơ chế đơn giá (?). “Theo cơ chế đơn giá đất cứ 5 năm điều chỉnh 1 lần. Sau 5 năm, khi làm thì rơi vào phần đơn giá của kỳ sau, mới đội chi phí lên. Phần xây lắp không thay đổi gì cả. Vướng mỗi đền bù, do kẹt tiền. Thế thôi chứ có gì đâu!”, ông Hồng nói.
Trụ sở UBND xã Hua La, TP Sơn La nơi hàng trăm hộ dân nghèo mang nỗi bức xúc lên kiến nghị |
Đơn giản chỉ “thế thôi” như cách nói của ông Hồng, đại diện của một đơn vị được Bộ NN&PTNT giao trách nhiệm làm chủ đầu tư phần quan trọng của dự án, nhưng với hơn 300 hộ dân nghèo ở xã Hua La, TP Sơn La (diện tái định cư) thì gần 10 năm qua quá cơ cực. Họ sống lay lắt trong khổ sở kèm theo những đêm dài mất ngủ, run sợ bởi nhà ở đã xuống cấp, có thể đổ sập, ảnh hưởng đến tính mạng của cả gia đình bất cứ lúc nào. Chắc chắn họ không thể “bình chân như vại” như thái độ của người đại diện cho đơn vị chủ đầu tư của dự án.
Ông Hồng cũng thừa nhận rằng, dự án Hồ bản Mòng “đắp chiếu” lâu ngày, tạo hình ảnh nhếch nhác khiến đời sống bà con lay lắt. Song dù gì thì BQLĐT&XD Thủy lợi 1, UBND tỉnh Sơn La và đặc biệt là hàng trăm hộ dân nghèo lại tiếp tục đợi chờ Chính phủ “bơm” vốn. “Bà con thì trước sau Nhà nước đền bù rồi cũng phải đi thôi. Chúng tôi đã trình Chính phủ, Chính phủ sắp trình lên Quốc hội. Đợi được duyệt là có tiền làm luôn để tỉnh hỗ trợ đền bù, di dân tái định cư”, ông Hồng cho biết.
Ai chịu trách nhiệm?
Đề cập trách nhiệm của những người liên quan khi để một dự án “rùa bò” suốt gần thập niên, đẩy hàng trăm hộ dân nghèo vào hoàn cảnh khó khăn, ông Hồng cho biết, ngoài lý do bởi chính sách về giá thay đổi thì còn có trách nhiệm của tỉnh Sơn La trong thực hiện GPMB.
Trao đổi với Báo GD&TĐ liên quan đến nội dung trên, đại diện Văn phòng UBND TP Sơn La cho biết, trong quá trình triển khai GPMT dự án trên gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. TP Sơn La đang nỗ lực phối hợp với các Sở, ngành và Bộ NN&PTNT để xin cơ chế đặc thù.
Khi các chủ đầu tư của dự án Hồ bản Mòng chờ cơ chế và nguồn vốn rót về từ Trung ương chậm ngày nào thì các hộ dân tộc thiểu số nghèo ở Hua La lại thêm ngày đó sống trong khốn khó.
|
Thấu hiểu với khó khăn của đồng bào mình, Chủ tịch UBND xã Hua La, Lò Văn Tươi gay gắt: “Bà con muốn ở lại thì không được mà muốn đi thì lại càng không. Nhà cửa hư hỏng, mối mọt. Nếu tháo dỡ đi thì sau này lấy gì mà chứng minh là mình có tài sản để bồi thường? Còn nếu đi địa điểm mới thì một số chỗ chỉ có nền nhà chưa có điện, nước gì cả. Bà con ở đây kiến nghị nhiều rồi nhưng có thấy động tĩnh gì đâu?”.
Nhiều người cho rằng, cần làm rõ trách nhiệm của Chủ tịch UBND TP Sơn La trong việc làm chủ đầu tư dự án di dân, tái định cư; Đồng thời, cần làm rõ trách nhiệm của lãnh đạo Bộ NN&PTNT khi để dự án nham nhở như “chuột gặm” rồi nằm “đắp chiếu” suốt ngần ấy năm trời mà vẫn chưa thể hoàn thành?
Trong trường hợp Quốc hội không thông qua và Chính phủ không đồng ý cho phép điều chỉnh tăng vốn cho dự án như Bộ NN&PTNT đang trình thì Bộ NN&PTNT có giải pháp gì không (?), hay lại tiếp tục đợi như cách nói của ông Nguyễn Văn Hồng, Phó Giám đốc BQLĐT&XD Thủy lợi 1 rằng: “Nhà nước đã bỏ tiền đầu tư rồi. Tiêu hết tiền thì phải dừng lại để báo cáo. Nhà nước phải duyệt tiếp chứ. Tóm lại là phải ngồi đợi thôi chứ biết làm sao!”.