Dự án ‘Găng tay chuyển ngữ’ của học sinh Quảng Trị đoạt giải Nhất cuộc thi KHKT

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Dự án “Găng tay chuyển đổi ngôn ngữ ký hiệu thành ngôn ngữ tự nhiên dành cho người câm điếc” của học sinh Quảng Trị được trao giải Nhất cuộc thi KHKT.

Ban tổ chức trao giải Nhất cho em Trần Ngọc Long.
Ban tổ chức trao giải Nhất cho em Trần Ngọc Long.

Chiều 22/3, Sở GD&ĐT Quảng Trị cho biết, 2 dự án của các học sinh Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (tỉnh Quảng Trị) tham dự Cuộc thi Khoa học, kỹ thuật cấp quốc gia học sinh trung học năm học 2023-2024 đều đoạt giải.

Đặc biệt, Dự án “Găng tay chuyển đổi ngôn ngữ ký hiệu thành ngôn ngữ tự nhiên dành cho người câm điếc” thuộc lĩnh vực Rô bốt và máy thông minh của học sinh Trần Ngọc Long đoạt giải Nhất.

Sản phẩm dự án là một đôi găng tay điện tử hỗ giúp người câm điếc giao tiếp ngôn ngữ tự nhiên với người bình thường thông qua việc chuyển đổi ngôn ngữ ký hiệu với nhiều tính năng nổi bật.

Dự án “eLab- Hệ thống giáo dục thực tế ảo hỗ trợ đổi mới dạy học Chương trình Giáo dục phổ thông 2018” được trao giải Ba.

Dự án “eLab- Hệ thống giáo dục thực tế ảo hỗ trợ đổi mới dạy học Chương trình Giáo dục phổ thông 2018” được trao giải Ba.

Sản phẩm có tích hợp phần mềm điện thoại để phát âm thanh và hiển thị nội dung giao tiếp; xử lý hiện tượng trôi dạt bằng mô hình học sâu (Deep learning) để vẽ quỹ đạo chính xác trên module IMU; giao tiếp 2 chiều giữa người bình thường và người câm điếc bằng cả 2 ngôn ngữ tiếng Anh và tiếng Việt; chuyển đổi các từ rời rạc của ngôn ngữ ký hiệu thành một câu hoàn chỉnh theo ngôn ngữ tự nhiên phù hợp trong quá trình giao tiếp.

Cùng với sản phẩm trên, dự án “eLab- Hệ thống giáo dục thực tế ảo hỗ trợ đổi mới dạy học Chương trình Giáo dục phổ thông 2018” thuộc lĩnh vực Phần mềm hệ thống của nhóm học sinh Lê Đức Lưu và Nguyễn Ngọc Anh Tuấn đoạt giải Ba.

Sản phẩm là phần mềm thực tế ảo đã được xây dựng một quy trình và lập trình một bộ công cụ để tự động tạo ra một bài học hoàn chỉnh từ các nội dung khai thác, thiết kế theo Chương trình GDPT 2018.

Phần mềm có các chức năng nổi bật như Quan sát và tương tác được với đại lượng vô hình (vector lực, các loại chất,...); tương tác với vật thể ở các cấp độ tế bào, phân tử, nguyên tử; thực hiện thí nghiệm nguy hiểm (khó có thể thực hiện trong điều kiện thực tế) hoặc các vật thể không thể tái tạo được với điều kiện lớp học phổ thông; tích hợp gia sư ảo trí tuệ nhân tạo để thực hiện giảng bài và hỏi đáp với học sinh bằng giọng nói.

Cuộc thi KHKT năm nay, có 74 đơn vị tham gia, trong đó có 62/63 tỉnh, thành phố và 12 đơn vị thuộc các trường đại học, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam.

Tham gia thi có 149 dự án của 283 thí sinh dự thi cấp quốc gia được tuyển chọn từ các cuộc thi cấp tỉnh, cấp trường (đối với các trường trung học trực thuộc đại học, trường đại học); thuộc 21 lĩnh vực.

Theo quy chế, mỗi dự án được đánh giá qua hồ sơ dự án và đánh giá qua poster và trả lời phỏng vấn.

Trải qua các phần thi, Ban tổ chức đã trao giải cho 77/149 dự án: 10 giải Nhất, 17 giải Nhì, 23 giải Ba và 27 giải Tư.

Quảng Trị tham gia cuộc thi với 2 dự án đều đoạt giải, gồm 1 giải Ba và 1 giải Nhất.

Trong đó có 1 dự án đoạt giải Nhất được tham gia vòng thi chọn dự án tham dự Cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp quốc tế.

Với kết quả trên, em Trần Ngọc Long được nhận Bằng khen của Bộ GD&ĐT, đồng thời được tặng “Huy hiệu Tuổi trẻ sáng tạo” của Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh.

Ban tổ chức tặng Bằng khen cho giáo viên hướng dẫn.

Ban tổ chức tặng Bằng khen cho giáo viên hướng dẫn.

Thầy giáo Hồ Văn Lâm - Giáo viên hướng dẫn học sinh đạt giải Nhất tại Cuộc thi được Công đoàn Giáo dục Việt Nam trao tặng Bằng khen.

Đây là năm thứ 8 liên tiếp Quảng Trị đạt giải tại Cuộc thi KHKT cấp quốc gia.

Trước đó, năm 2017 có giải Nhất, 1 giải Tư (1 giải Ba cấp quốc tế); năm 2018 có 1 giải Nhì; năm 2019 có 1 giải Ba, 1 giải Tư; năm 2020 có 1 giải Nhất, 1 giải Tư; năm 2021 có 1 giải Ba, 1 giải Tư; năm 2022 có 1 giải Ba; năm 2023 có 1 giải Nhì, 1 giải Tư.

Cuộc thi Khoa học, kỹ thuật cấp quốc gia học sinh trung học năm học 2023-2024 do Bộ GD&ĐT phối hợp với UBND tỉnh Bắc Giang, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và Quỹ Hỗ trợ Sáng tạo Kỹ thuật Việt Nam (VIFOTEC) tổ chức tại Bắc Giang từ ngày 20-22/3.

Tin tiêu điểm

Hệ thống HIMARS của Ukraine sẽ được sử dụng để phóng ATACMS.

Canh bạc nguy hiểm với ATACMS

Thế giới
GD&TĐ - Theo chuyên gia quân sự kỳ cựu Nga, Andrey Koshkin, hệ thống phòng thủ nhiều tầng của Moscow luôn sẵn sàng đánh chặn mọi tên lửa, kể cả ATACMS tầm xa.

Đừng bỏ lỡ