Dự án điểm dân cư Si Văn ở Điện Biên: Mỏi mòn đợi… nhân văn

GD&TĐ - Dự án san nền, giao thông, thoát nước điểm dân cư Si Văn (Dự án điểm dân cư Si Văn) do Ban Dân tộc tỉnh Điện Biên làm chủ đầu tư thực hiện từ tháng 7/2018. Lẽ ra đến tháng 8/2019, chủ đầu tư đã có mặt bằng để bàn giao cho dân dựng nhà, song đến nay vẫn đợi xem có được hạ cốt nền hay không. Hàng chục hộ dân chẳng thể làm gì ngoài chờ đợi trong bức xúc dưới những túp lều lụp xụp mà không biết khi nào sẽ xong...

Ông Lò Văn Liên trao đổi với bà Nạ Thị Đăm (dân tộc Cống) bên căn nhà tạm bợ. Ảnh: TG
Ông Lò Văn Liên trao đổi với bà Nạ Thị Đăm (dân tộc Cống) bên căn nhà tạm bợ. Ảnh: TG

“Năm lần, bảy lượt” chuyển nhà...

Ông Lò Văn Liên, Chủ tịch UBND xã Pa Thơm cùng một số cán bộ xã không ngần ngại “đội nắng” dẫn chúng tôi đến thực địa. Cả một vạt rừng đã được người ta san gạt sẵn để làm điểm dân cư, lổn nhổn như đống đất mà trẻ con xới tung lên rồi đắp lại theo ý muốn. Nó không giống như ruộng bậc thang vì không có các đường đồng mức.

Theo hướng tay chỉ về phía quả đồi đã san gạt, ông Liên vừa quét một vòng, vừa chỉ: “Đây là toàn bộ mặt bằng dự kiến sẽ cho dân chúng tôi ở. Các anh thấy thế này có chấp nhận được không?”. Một cán bộ đi cùng cũng khẳng định, bà con dân bản phản ánh nhiều nhưng chẳng ai nghe.

Rải rác khu đất mới san gạt chốc chốc lại thấy vài túp lều nhỏ do dân dựng tạm trong lúc đợi mặt bằng. Vài hộ không chịu đựng được, cứ liều mang vật liệu lên dựng tạm để ở. Những “túp lều” nhỏ được dựng lên thấp lè tè, mái tôn lợp cao chưa qua khỏi đầu người. Nắng như đổ lửa, không ai ở nhà được vì mồ hôi cứ vã ra như tắm.

Những hôm trời nắng, vợ chồng anh Quàng Văn Đoan, người dân tộc Cống bản Si Văn lại lên rừng tránh nắng. Sáng đi ra khỏi nhà, đến tối mới trở về. Nhà anh Đoan vừa chật, vừa thấp.

Nghe nhà thầu vào thông báo bà con dỡ nhà để san gạt mặt bằng cho bản rộng rãi hơn, đẹp đẽ hơn thì anh Đoan nhờ anh em họ hàng đến dỡ nhà, chuyển đồ sang chỗ khác. Như lời nhà thầu nói thì làm mặt bằng sẽ nhanh nên vợ chồng anh Đoan chọn khu đất trống dựng tạm nhà. Vậy mà đến bây giờ đã thêm ba lần nữa phải dựng nhà tạm mà mặt bằng vẫn chưa xong.

Cạnh nhà anh Đoan là nhà bà Nạ Thị Đăm, ở tạm trên cùng khu đất. Bà Đăm không biết tiếng phổ thông nên giao tiếp với chúng tôi phải thông qua Chủ tịch xã Lò Văn Liên. Nhà bà Đăm có sáu người ở trong ngôi nhà dựng tạm khoảng chục mét vuông. Công việc mỗi ngày của bà Đăm là lo cơm nước cho mấy đứa nhỏ và đi xuống bản dưới lấy nước ăn cho cả gia đình.

Vì ở trên đỉnh đồi không điện, không nước, không đường đi cho nên lấy nước trở thành việc chính với các gia đình. Nhà nào cũng phải lo cử người hàng ngày xuống bản dưới xách từng can nước. Những người cao tuổi như bà Đăm, bà Tấu cố lắm thì mỗi ngày “ngược non” mang được khoảng chục lít nước về nhà.

Mặt bằng điểm dân cư Si Văn, xã Pa Thơm có thể sẽ bị “hạ cốt” theo nguyện vọng của người dân. Ảnh: TG
 Mặt bằng điểm dân cư Si Văn, xã Pa Thơm có thể sẽ bị “hạ cốt” theo nguyện vọng của người dân. Ảnh: TG

Đợi chỉ đạo...

Ban Dân tộc tỉnh Điện Biên là đơn vị chủ đầu tư Dự án điểm dân cư Si Văn. Ông Giàng A Dình, Trưởng ban Dân tộc tỉnh Điện Biên cho biết: Dự án San nền, giao thông, thoát nước điểm dân cư Si Văn, xã Pa Thơm, có tổng mức đầu tư 5,765 tỷ đồng; Công ty Cổ phần Xây dựng Nam Giang (Cty Nam Giang) là đơn vị trúng thầu thi công dự án.

Đây là một trong 5 dự án đầu tư cho đồng bào dân tộc Cống ở Pa Thơm theo Đề án “Phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc Cống tỉnh Điện Biên, giai đoạn 2011- 2020”. Dự án nhằm tạo mặt bằng bố trí sắp xếp đất ở cho 30 hộ dân tộc Cống làm nhà theo mô hình chuẩn nông thôn mới để ổn định cuộc sống, tránh tình trạng di dân tự do, bảo tồn và phát triển người dân tộc Cống tại xã Pa Thơm.

Theo Hợp đồng số 81/2018/HĐ-TCXD ngày 20/7/2018 giữa Ban Dân tộc với Cty Nam Giang, thì trong thời hạn 15 tháng Cty Nam Giang phải hoàn thành toàn bộ các phần việc của dự án là: San nền tạo mặt bằng dân cư cùng với đường giao thông và hệ thống thoát nước nội bản.

Tháng 10/2018, nhà thầu khởi công dự án nhưng đến tháng 2/2019 đã dừng thi công, bỏ lại khu mặt bằng bị san gạt nham nhở như “chuột gặm”. Đến giữa tháng 5/2019, nhà thầu lại cho người vào thi công tiếp nhưng máy móc, công nhân quá ít nên đến nay khu mặt bằng bản vẫn chưa đâu vào đâu. Qua kiểm tra thực tế, chủ đầu tư nhận thấy “tiến độ thực hiện rất chậm, không đáp ứng được các điều khoản của hợp đồng đã ký kết”.

Trên cơ sở ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh Điện Biên và HĐND tỉnh Điện Biên qua các đợt kiểm tra thực tế, Ban Dân tộc tỉnh đã ký Văn bản số 314/BDT-VP gửi Cty Nam Giang và các đơn vị liên quan đề nghị đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án. Chủ đầu tư đã yêu cầu: “Đẩy nhanh tiến độ thực hiện và bàn giao hạng mục mặt bằng cho chủ đầu tư trước ngày 30/8/2019 và bàn giao toàn bộ công trình cho chủ đầu tư trước ngày 30/10/2019.

Không đạt mốc thời gian trên, chủ đầu tư sẽ căn cứ vào các điều khoản của hợp đồng và các quy định của pháp luật để chấm dứt hợp đồng với đơn vị thi công”. Văn bản rõ ràng giấy trắng mực đen là thế, nhưng đến nay mặt bằng vẫn chưa thấy đâu. Dự án có thể sẽ phải mất thêm thời gian để “xử lý kỹ thuật”(?).

Ông Dình cho biết, chủ đầu tư vẫn đang chờ ý kiến của Sở Xây dựng xem có nên hạ cốt nền hay không. Bởi, khi bà con không đồng tình với thiết kế ban đầu thì mãi đến gần đây ý kiến trên mới được tiếp thu.

Trong Công văn 3040/UBND-KT của UBND tỉnh Điện Biên về việc xử lý kỹ thuật hạng mục san nền của dự án, UBND tỉnh Điện Biên đã giao Sở Xây dựng chủ trì phối hợp với chủ đầu tư và các ngành thành viên đánh giá hiện trạng, thống nhất phương án xử lý để tham mưu giúp UBND tỉnh có ý kiến chỉ đạo. Điều này đồng nghĩa với việc các hộ dân tộc Cống lại tiếp tục chờ đợi đến lúc được hưởng lợi từ dự án hết sức nhân văn này!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

'Nỗi ám ảnh' của ông Trump

GD&TĐ - Một trong những quốc gia được nhắc nhiều và chịu ảnh hưởng ngay trong ngày nhậm chức của Tổng thống Mỹ Donald Trump là Mexico.