Thực trạng xử lý bao bì thuốc bảo vệ thực vật ở Điện Biên: Chưa có biện pháp hữu hiệu

GD&TĐ - 5 năm trở lại đây, bà con nông dân tỉnh Điện Biên sử dụng khoảng hơn 940 tấn thuốc bảo vệ thực vật. Nghĩa là sẽ có hàng chục tấn vỏ bao bì, chai, lọ “tuồn” ra môi trường. 

Vỏ chai, lọ, vỏ gói thuốc bảo vệ thực vật ném bừa bãi trên đồng ruộng.
Vỏ chai, lọ, vỏ gói thuốc bảo vệ thực vật ném bừa bãi trên đồng ruộng.

Khi các địa phương chưa tìm được biện pháp xử lý triệt để, những vỏ chai, lọ kia vẫn trôi nổi khắp các cánh đồng. Điều này sẽ gây ảnh hưởng xấu tới môi trường khu vực nông thôn.

Thiếu bể thu gom...

Xã Thanh Hưng, huyện Điện Biên có hơn 280 ha lúa hai vụ và khoảng 80 ha đất chuyên canh trồng rau các loại. Chính vì vậy, người dân phải sử dụng khá nhiều thuốc bảo vệ thực vật phun cho cây trồng. Trong khi đó, cả xã chỉ có duy nhất một bể chứa vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật. Do diện tích sản xuất rộng lớn nên nhiều người dân sau khi sử dụng đã vứt bỏ vỏ bao bì thuốc thuốc bảo vệ thực vật một cách tùy tiện.

“Tôi thấy hiện nay, khu cánh đồng, nhiều người dân vẫn có thói quen tùy tiện ném vỏ chai thuốc sâu, vỏ túi hóa chất sau khi phun khắp nơi. Họ vứt ngay tại đồng ruộng, bờ mương. Chính vì thế, chúng tôi đang đề xuất xin thêm nguồn kinh phí từ huyện để xây dựng 15 bể chứa chất thải ngoài cánh đồng trên toàn xã để thuận lợi hơn cho bà trong trong thu gom và xử lý rác thải”, ông Vì Văn Biến, Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Hưng, huyện Điện Biên cho biết.

Qua khảo sát thực tế trên khắp cánh đồng ở vùng lòng chảo Mường Thanh, các xã Thanh An, Thanh Luông, Thanh Yên, Thanh Luông, Noong Luống, Noong Hẹt... tình trạng vỏ, bao bì hóa chất sử dụng trong sản xuất nông nghiệp ném tràn lan vẫn diễn ra phổ biến.

Chính quyền các địa phương trên thì cho rằng vấn đề then chốt là do nhận thức của đại đa số người dân còn hạn chế. Người dân chưa ý thức hết được mức độ tai hại với môi trường, cuộc sống do rác thải trong sản xuất nông nghiệp gây ra. Thêm vào đó là sự giám sát của chính quyền địa phương trong việc quản lý vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật chưa được quan tâm đúng mức.

Ông Phạm Quốc Khánh, người dân xã Thanh Luông, huyện Điện Biên cho biết, nhà ông có thói quen sau khi sử dụng đều mang vỏ bao bì, chai, lọ về để chôn lấp. Cũng có khi bỏ lẫn cùng rác thải sinh hoạt rồi đem đốt nên theo ông Khánh khi chưa được đầu tư hệ thống bể đốt, xử lý rác thải cho cộng đồng thì mỗi người cũng cần xây dựng thói quen xử lý riêng để không gây ảnh hưởng đến môi trường. Thậm chí, nếu cần, chính quyền nên có những quy định cụ thể để người dân có ý thức hơn với việc thu gom, xử lý rác thải độc hại trong sản xuất.

Cần giải pháp hữu hiệu

Ông Nguyễn Trọng Kính, Chi cục Trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật, Sở NN&PTNT tỉnh Điện Biên cho biết, từ năm 2014 đến nay, bà con nông dân trong tỉnh sử dụng hơn 940 tấn thuốc bảo vệ thực vật gồm: thuốc trừ bệnh, thuốc trừ sâu, thuốc trừ cỏ, thuốc trừ ốc và các loại thuốc khác.

Riêng trong năm 2018 và 6 tháng đầu năm 2019, bà con đã sử dụng hết khoảng 14.100 tấn phân bón. Theo ông Kính, trong hai năm trở lại đây, bà con sử dụng lượng thuốc trừ ốc tăng cao do chủ yếu sử dụng thuốc dạng hạt.

Qua phân tích, lượng vỏ chai chiếm khoảng 10% tổng trọng lượng và vỏ, gói chiếm khoảng 5% tổng trọng lượng hóa chất. Trong khi đó, thị trường Điện Biên có khoảng 30% loại thuốc bảo vệ thực vật sử dụng chai, lọ.

Như vậy, nghĩa là trong 5 năm qua, tỉnh Điện Biên đã có hơn 61 tấn vỏ chai, lọ, vỏ bao bì các loại thuốc bảo vệ thực vật “tuồn” ra môi trường. Chưa có con số thống kê cụ thể về khối lượng rác thải nói trên được thu gom và xử lý. Tuy nhiên, khi tình trạng người dân vẫn “xả” loại rác thải nguy hại nói trên ra môi trường đồng nghĩa với việc cuộc sống, sinh hoạt của người dân đang bị ảnh hưởng.

“Trước thực trạng sử dụng thuốc thuốc bảo vệ thực vật của bà con vẫn khá tràn lan, có nguy cơ tác động xấu đến môi trường, huyện Điện Biên đang có những định hướng nhất định để làm sao hạn chế những tác động này.

Bảo vệ được môi trường sản xuất nông nghiệp, trước mắt chúng tôi đang tập trung vào việc tuyên truyền, tập huấn để nâng cao nhận thức của nông dân trong sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo nguyên tắc 4 đúng, đó là: Đúng thuốc, đúng liều lượng, đúng thời điểm và đúng phương pháp.

Làm sao giúp bà con ý thức sau khi sử dụng cần thu gom vỏ, bao bì, chai, lọ thuốc thuốc bảo vệ thực vật để xử lý triệt để. Còn đối với các bể thu gom thì chúng tôi sẽ tập trung xây ở các khu vực mà người nông dân thường xuyên pha thuốc trên đồng ruộng để giúp việc thu gom được thuận tiện hơn”, ông Chu Văn Bách, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Điện Biên cho biết.

Mấy năm gần đây, tỉnh Điện Biên đã đầu tư xây dựng được hơn 50 bể chứa bao gói thuốc thuốc bảo vệ thực vật. Trong đó, thành phố Ðiện Biên Phủ có 12 bể; huyện Ðiện Biên 40 bể. Song số lượng bể chứa trên vẫn như “muối bỏ bể” bởi lượng rác thải từ sản xuất nông nghiệp cần phải thu gom và xử lý, đặc biệt là các vỏ chai lọ, bao bì chứa thuốc bảo vệ thực vật vẫn còn rất lớn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ