Dự buổi lễ ký kết có ông Ousmane Dione - Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam; ông Takenari Kajiura - Bí thư thứ 2, Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam; bà Dragana Strinic - Trưởng đại diện Tổ chức Cứu trợ trẻ em tại Việt Nam; ông Nguyễn Đức Vinh - Vụ trưởng Vụ Sức khỏe bà mẹ và trẻ em, Bộ Y tế cùng các cán bộ của Ngân hàng Thế giới, Tổ chức Cứu trợ Trẻ em Việt Nam, các phóng viên Báo, Đài Trung ương và Hà Nội.
Dự án nhằm hướng tới nhóm trẻ em các dân tộc thiểu số dưới 5 tuổi, phụ nữ trong độ tuổi sinh nở của nhóm dân tộc thiểu số Hmông, Dao, Thái tại khu vực miền núi phía Bắc (Yên Bái và Sơn La). Những phụ nữ này được xác định là có tỉ lệ sinh con thấp còi nghiêm trọng nhất trên cả nước (chiếm tới 40-55%). Đó cũng là nguyên nhân khiến đối tượng trẻ dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng khá cao.
Hiện nay họ vẫn đang tiếp tục bị đói nghèo đeo bám; hạn chế khả năng tiếp cận với các dịch vụ cơ bản; đối mặt với các mức độ suy dinh dưỡng cao và những bất ổn về an ninh lương thực.
Được biết, Dự án sẽ được triển khai từ năm 2017 đến 2021, với tổng ngân sách là 2,82 triệu USD từ Quỹ Phát triển Xã hội Nhật Bản thông qua Ngân hàng Thế giới. Đây là Dự án đầu tiên mà Quỹ Phát triển Xã hội Nhật Bản thực hiện trong lĩnh vực Y tế, tiếp nối thành công của 2 dự án khác trong lĩnh vực Giáo dục.
Tổ chức Cứu trợ Trẻ em sẽ hợp tác với Vụ Sức khỏe bà mẹ và Trẻ em, Bộ Y tế ở cấp quốc gia và với Sở Y tế và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp tỉnh cùng phối hợp với Ủy ban Dân tộc, Bộ Kế hoạch và Đầu tư triển khai.
Trước mắt Dự án sẽ áp dụng cách tiếp cận lồng ghép trong việc giải quyết chế độ dinh dưỡng dưới chuẩn của trẻ em bằng cách kết hợp các hình thức can thiệp khác nhau như tổ chức các chiến dịch thay đổi hành vi, khuyến khích nuôi con bằng sữa mẹ, cải thiện thực hành nuôi dưỡng trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ với chế độ ăn uống đa dạng thông qua mô hình vườn rau hộ gia đình.
Phát biểu tại buổi lễ, ông Ousmane Dione - Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam - cho biết: Việc cải thiện tình trạng dinh dưỡng (bao gồm giảm tỉ lệ trẻ thấp còi và xóa bỏ tình trạng thiếu vi chất) có liên quan mật thiết tới thể chất, sự phát triển nhận thức và kết quả học tập.
Về lâu dài, điều này ảnh hưởng trực tiếp đến thị trường lao động và thu nhập của từng cá nhân.Vì vậy, việc cải thiện dinh dưỡng cho trẻ sẽ góp phần cải thiện năng suất lao động, tính cạnh tranh mang tầm quốc tế và sự phát triển kinh tế của đất nước.