Tổng mức đầu tư quy mô
Năm 2019, UBND TP Hà Nội có QĐ 2143/QĐ-UBND phê duyệt Quy hoạch chi tiết Bệnh viện Phụ sản Trung ương cơ sở 2. Theo đó, dự án bệnh viện này được xây dựng tại xã Ngọc Mỹ, huyện Quốc Oai, Hà Nội. Diện tích mặt bằng dự án là 60.080 m2. Tổng mức đầu tư dự án là 950 tỷ đồng từ nguồn ngân sách Nhà nước.
Dự kiến, cuối tháng 12/2022 Bệnh viện Phụ sản Trung ương cơ sở 2 sẽ được tiến hành khởi công. Khi hoàn thành, bệnh viện này sẽ có quy mô 300 giường bệnh nội trú, đáp ứng nhu cầu khoảng 1.000 lượt khám bệnh/ngày. Bệnh viện được đầu tư trang thiết bị kỹ thuật hiện đại, đảm bảo công tác khám chữa bệnh cho bà mẹ và trẻ sơ sinh.
Bệnh viện Phụ sản Trung ương cơ sở 2 bao gồm: Đất xây dựng công trình, cây xanh - sân vườn, bãi đỗ xe (gồm 3 ô đất có ký hiệu CT-1, CT-2, CT-3): Tổng diện tích đất khoảng 37.342m2).
Diện tích đất xây dựng công trình khoảng 9.153m2, bao gồm các công trình: Khối sảnh, khám, cấp cứu, hậu cần kỹ thuật, khu hành chính quản trị, khu kỹ thuật nghiệp vụ, khoa điều trị nội trú, khu kỹ thuật phụ trợ như trạm điện, trạm bơm, trung tâm khí y tế…
Đất hạ tầng kỹ thuật, cây xanh - sân vườn, bãi đỗ xe có tổng diện tích khoảng 3.925m2. Trong đó, diện tích đất cây xanh, sân vườn, đường dạo khoảng 2.394m2; diện tích đất bãi đỗ xe khoảng 1.385m2. Các công trình HTKT gồm: Trạm xử lý nước thải; nhà chứa rác và phân loại rác tập trung… Đất đường giao thông nội bộ có diện tích khoảng 12.187m2.
Dự án Bệnh viện Phụ sản Trung ương cơ sở 2 được kỳ vọng là trung tâm đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chuyên khoa sản cho cả nước, giảm quá tải cho Bệnh viện Phụ sản Trung ương cơ sở 1 tại khu vực phố cổ.
Bệnh viện Phụ sản Trung ương cơ sở 2 được kỳ vọng sẽ giải quyết nhu cầu khám chữa bệnh ngày càng tăng của người dân. Ảnh: Internet |
Vì sao dự án phải sửa đổi hồ sơ mời thầu?
Nhằm đảm bảo tiến độ xây dựng của dự án, Bệnh viện Phụ sản Trung ương đã tiến hành thủ tục gọi thầu với 8 gói khác nhau.
Trong đó, đáng kể nhất là gói thầu hỗn hợp XL-TB01/2022 về việc thi công xây dựng, cung cấp và lắp đặt thiết bị gắn với công trình, thiết bị văn phòng thuộc dự án.
Gói thầu hỗn hợp XL-TB01/2022 có giá trị trên 600 tỷ đồng được đấu thầu qua mạng theo phương thức 1 giai đoạn 2 túi hồ sơ, phát hành hồ sơ mời thầu (HSMT) từ ngày 11/11 đến ngày 2/12/2022.
Tuy nhiên, từ giai đoạn phát hành HSMT đã xuất hiện phản ánh của nhà thầu về việc HSMT có thể gây khó cho các bên tham gia đấu thầu. Đó là các tiêu chí đánh giá năng lực, kinh nghiệm của nhà thầu, về thông số kỹ thuật của các loại thiết bị như máy phát điện, hạng mục công nghệ thông tin và điện nhẹ…
Cụ thể: HSMT đưa ra yêu cầu đánh giá chung về uy tín nhà thầu thông qua kinh nghiệm thi công công trình dân dụng cấp I (tối đa 12 điểm), kinh nghiệm thi công công trình y tế (tối đa 14 điểm), công trình đạt giải thưởng hoặc huy chương về chất lượng công trình do Bộ Xây dựng cấp (tối đa 4 điểm). Nhà thầu phải đáp ứng điểm đánh giá uy tín là 24 điểm (điểm tối đa là 30 điểm).
HSMT mô tả chi tiết yêu cầu kỹ thuật của thiết bị, chỉ có thể đại diện cho một hãng duy nhất như: Máy phát điện của hãng Cummins; hạng mục công nghệ thông tin và điện nhẹ (phần mềm báo động Vista) của hãng Honeywell; hạng mục IPS thiết kế thông số của hãng Bender; hạng mục UPS có thông số kỹ thuật của hãng Riello; hạng mục phòng cháy chữa cháy được thiết kế theo yêu cầu kỹ thuật của hãng Hallmark (Mỹ); hạng mục tủ điện thiết kế theo yêu cầu kỹ thuật của hãng ABB…
Có ý kiến nhận định: HSMT yêu cầu nhà thầu phải đạt mức điểm tối thiểu tại mục đánh giá uy tín có thể làm hạn chế sự tham gia của nhà thầu. Bởi Thông tư 08/2022/TT-BKHĐT không yêu cầu nhà thầu phải đáp ứng mức điểm tối thiểu về uy tín.
Được biết, do có phản ánh của nhà thầu nên Bệnh viện Phụ sản Trung ương đã chấp nhận điều chỉnh HSMT theo hướng cởi mở hơn, thời gian đóng thầu cũng được gia hạn đến ngày 5/12.
Có ý kiến cho rằng, do phải gia hạn đóng thầu, cộng thêm thời gian chấm thầu và ra quyết định lựa chọn nhà thầu nên việc khởi công xây dựng thực tế ngay trong tháng 12/2022 có thể phải lùi lại.