“AI - No Vape Life” của học sinh Vĩnh Phúc đã xuất sắc vượt qua hơn 700 ý tưởng để giành giải Nhất ở bảng học sinh phổ thông Cuộc thi Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp (SV - STARTUP) lần thứ VII năm 2025 do Bộ GD&ĐT tổ chức.
Khơi nguồn từ thực tiễn
“AI - No Vape Life” - dự án xây dựng kênh giáo dục cộng đồng nói không với thuốc lá điện tử”” do nhóm tác giả 5 học sinh đến từ Trường THCS Định Trung (TP Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc) thực hiện, gồm: Trần Minh Nguyệt (lớp 8A6); Lê Tiến Duy (9A3); Nguyễn Phú Minh (8A5); Nguyễn Nhật Minh (7A1); Phùng Trọng Đức (7A1). Giáo viên hướng dẫn - cô Đào Thị Hồng Cường.
Theo chia sẻ của cô Đào Thị Hồng Cường, trưởng nhóm thực hiện dự án là em Trần Minh Nguyệt - Liên đội trưởng Trường THCS Định Trung. Đầu năm học 2024 - 2025, cô trò đã cùng thực hiện đề tài “Thiết kế một số công cụ hỗ trợ tuyên truyền và nâng cao nhận thức cho học sinh THCS về thuốc lá điện tử”. Dự án được trao giải Nhì Khoa học kỹ thuật cấp thành phố.
“Sau dự án trên, nhận thức của học sinh trên địa bàn về tác hại của thuốc lá điện tử nâng lên. Tuy nhiên, Nguyệt vẫn trăn trở, suy nghĩ rằng giải pháp đưa ra chưa trạm đến trái tim học sinh và tìm xem có cách nào tốt, hiệu quả hơn để giúp các bạn thấy rõ tác hại của thuốc lá điện tử. Từ đó, Nguyệt tìm đến tôi để nhờ tư vấn, hỗ trợ và tìm bạn chung trí hướng thực hiện dự án”, cô Hồng Cường cho biết.
Không giấu niềm vui khi dự án giành giải Nhất, Trần Minh Nguyệt tự tin chia sẻ: Ý tưởng chính của “AI - No Vape Life” là nền tảng ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) và công nghệ thực tế tăng cường (AR) để giáo dục học sinh về tác hại của thuốc lá điện tử thông qua: Hệ thống trò chơi tương tác (gamification) mỗi tuần với điểm thưởng đổi quà thực tế. AI cá nhân hóa nội dung học tập dựa trên thói quen học sinh, giúp tăng hiệu quả nhận thức. Tính năng AR mô phỏng tổn thương nội tạng và ngoại hình người hút thuốc để học sinh “nhìn thấy chính mình trong tương lai”.
Bằng cách kết hợp học và chơi, dự án không chỉ truyền tải kiến thức về tác hại thuốc lá điện tử mà còn tạo động lực học tập, khuyến khích học sinh chủ động bảo vệ sức khỏe bản thân, lan tỏa thông điệp sống lành mạnh đến cộng đồng. Đặc biệt, ứng dụng không đưa ra lời răn mà chỉ ra hậu quả. Đồng thời, ứng dụng có bác sĩ ảo để có lời khuyên hữu ích với giới trẻ.
“Học sinh có thể đăng nhập vào ứng dụng (App), sau đó điều khiển thông tin. Nếu sử dụng thuốc lá điện tử trong thời gian dài thì cơ thể, khuôn mặt sẽ thay đổi như thế nào; bỏ thuốc lá điện tử và lối sống lành mạnh sắc mặt sẽ ra sao… Tất cả được mô phỏng chân thực, sinh động để học sinh nhìn thấy và từ đó thay đổi thói quen, không sử dụng thuốc lá điện tử”, Nguyệt cho biết thêm.

Chuẩn bị kỹ lưỡng, tầm nhìn dài hạn
Để có kết quả cao tại cuộc thi, “AI - No Vape Life” đã trải qua quá trình chuẩn bị công phu và bài bản. Ngay giai đoạn đầu, nhóm tác giả được hỗ trợ từ các chuyên gia công nghệ, giáo viên hướng dẫn, cán bộ Phòng GD&ĐT Vĩnh Yên và Sở GD&ĐT Vĩnh Phúc để hoàn thiện ý tưởng, xây dựng bản demo cũng như kế hoạch phát triển sản phẩm. Tính ứng dụng, khả thi và giá trị cộng đồng của dự án là ba tiêu chí xuyên suốt trong quá trình xây dựng và trình bày.
Bà Nguyễn Cẩm Mỹ - Hiệu trưởng Trường THCS Định Trung cho biết: “Phòng GD&ĐT thành phố đã hướng dẫn, kết nối nhà trường với các chuyên gia trong lĩnh vực giáo dục và trí tuệ nhân tạo. Đây là yếu tố then chốt tạo nên giá trị cốt lõi và thành công cho dự án”.
Mặt khác, có được kết quả hôm nay, học sinh trong nhóm đã cùng nhau nỗ lực. Mỗi thành viên đều đưa ra mục tiêu và hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình. Trưởng nhóm dự án Trần Minh Nguyệt thông tin thêm: Khi bắt tay thực hiện dự án, chúng em gặp một số khó khăn về kiến thức, kinh nghiệm và phải cân đối giữa thời gian học và dành cho dự án.
“Để sẵn sàng triển khai dự án, em đã đăng ký một khóa học online về trí tuệ nhân tạo. Bên cạnh đó, nhờ sự giúp đỡ của phòng GD&ĐT, nhà trường, chúng em có nhiều buổi gặp gỡ và nghe các bác sĩ của Bệnh viện Lạc Việt tư vấn về cấu tạo, tác hại của thuốc lá điện tử đối vưới con người, đặc biệt ở lứa tuổi học sinh. Nhóm cũng nhận được sự tư vấn của TS Nguyễn Thị Nhân Ái - Khoa Tâm lý học, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội… từ đó có thêm nhiều kiến thức bổ ích để triển khai dự án bài bản, khoa học”, Minh Nguyệt tâm sự.

Một điểm nổi bật trong hành trình dự thi là nhóm học sinh liên tục cập nhật xu hướng công nghệ, tiếp cận các mô hình giáo dục mới và điều chỉnh sản phẩm theo phản hồi thực tế từ người dùng thử. Việc tích hợp AI vào giáo dục sức khỏe cho học sinh, đặc biệt trong lĩnh vực còn nhạy cảm như thuốc lá điện tử, là bước đi đột phá, thể hiện tư duy sáng tạo, bản lĩnh khởi nghiệp của thế hệ học sinh Vĩnh Phúc.
Về phía Sở GD&ĐT Vĩnh Phúc, công tác định hướng, hỗ trợ học sinh khởi nghiệp luôn được quan tâm sát sao. Theo ông Trịnh Văn Mừng - Trưởng phòng Quản lý chất lượng (Sở GD&ĐT Vĩnh Phúc), để chuẩn bị cho cuộc thi năm nay, sở đã phát động phong trào, triển khai sâu rộng tới các trường THCS và THPT trên địa bàn toàn tỉnh, các trung tâm GDNN-GDTX. Các dự án tham gia được Hội đồng đánh giá cấp tỉnh chấm, đánh giá và lựa chọn cử dự thi cấp quốc gia.
Tại vòng thi cấp quốc gia, sở tổ chức phân tích, đánh giá từng hồ sơ dự án, định hướng cho học sinh về thể lệ cuộc thi, mời chuyên gia hỗ trợ trong quá trình hoàn thiện dự án. Ngoài ra, sở phân cấp đối với các phòng GD&ĐT, trường THCS, THPT, giáo viên hướng dẫn trong công tác bồi dưỡng, hỗ trợ học sinh hoàn thiện ý tưởng và dự án khởi nghiệp bảo đảm chất lượng và hiệu quả.
Sau khi giành giải cao, dự án “AI - No Vape Life” tiếp tục được hoàn thiện và thử nghiệm trong một số trường học trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc. Dự kiến, nền tảng này sẽ được tích hợp vào các hoạt động giáo dục kỹ năng sống, phòng chống tệ nạn học đường và nâng cao nhận thức sức khỏe cho học sinh trung học.
Em Nguyễn Nhật Minh - thành viên và phụ trách công tác COO (kết nối doanh nghiệp, đối tác) của nhóm vui mừng cho biết: Để phát triển dự án, nhóm đã liên hệ với 6 trường THCS và THPT trên địa bàn tỉnh và nhận được phản ứng tích cực. Cùng đó, nhóm gửi email đến một số tổ chức phi Chính phủ và doanh nghiệp. Đến nay có 5 đơn vị đồng ý tham gia hỗ trợ phát triển dự án.
“App đang trong giai đoạn dùng thử. Trong tương lai chúng em sẽ thành lập công ty để phát triển, khai thác giá trị của dự án. Khi đó, các doanh nghiệp tham gia hỗ trợ sẽ được chia cổ phần theo tỷ lệ nhất định”, Nhật Minh tự tin chia sẻ.
Theo đánh giá của lãnh đạo Sở GD&ĐT Vĩnh Phúc, “AI - No Vape Life” không chỉ truyền cảm hứng mà còn mang lại tác động thực tế đến cộng đồng học sinh, giáo viên và phụ huynh. Thành tích xuất sắc này không chỉ là niềm tự hào của học sinh mà còn là kết quả của quá trình bồi dưỡng chuyên sâu, định hướng đúng đắn của các cấp giáo dục. Vĩnh Phúc đang từng bước khẳng định vị thế là điểm sáng trong phong trào khởi nghiệp học đường toàn quốc.