Drone giúp kéo giới trẻ trở lại với nông thôn

GD&TĐ - Thế hệ nông dân tiếp theo tại vùng nông thôn trung tâm của Nhật Bản đang bị già hóa có thể sẽ được phụ giúp và thay thế hoàn toàn bằng các máy bay tự hành (drone) hay còn gọi là drone “nông dân”. Trong nhiều tháng qua, các nhà phát triển và nông dân ở phía Đông Bắc Nhật Bản đã không ngừng thử nghiệm 1 loại drone mới có thể bay ngay trên các cánh đồng và thực thi các công việc nặng nhọc mà những người nông dân cao tuổi thường làm.

Những chiếc drone đầu tiên đã được thử nghiệm trên cánh đồng Nhật Bản
Những chiếc drone đầu tiên đã được thử nghiệm trên cánh đồng Nhật Bản

“Quả là công nghệ cao chưa từng thấy”, ông Isamu Sakakibara, 69 tuổi nhận xét về công nghệ mới. Ông hành nghề trồng lúa tại khu vực Tome, một trong những vùng cung cấp gạo cho Tokyo từ đầu thế kỷ 17.

Các nhà phát triển drone nông nghiệp mới cho biết, phát minh này sẽ cung cấp hỗ trợ công nghệ cao tới các cộng đồng nông thôn đang phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt lao động do lớp trẻ bỏ lên thành phố kiếm sống.

Ông Sakakibara, người đứng đầu JA Miyagi Tome - hợp tác xã nông nghiệp địa phương cho biết thêm: “Khi chúng tôi phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt nông dân trong thế hệ tiếp theo, chúng tôi có nghĩa vụ đưa ra những ý tưởng mới có thể nâng cao năng suất và tăng thu nhập của người nông dân qua việc giới thiệu các công nghệ tiên tiến nhất như drone”.

Các drone có thể phun thuốc trừ sâu và phân bón lên toàn ruộng chỉ trong vòng 15 phút - công việc mà nông dân thường phải tốn cả tiếng đồng hồ để thực hiện bằng tay đồng thời phải xách theo các bình chứa nặng nề khi làm việc.

Drone Nile-T18 được phát triển bởi Công ty start-up Nileworks Inc và gần đây đã được đưa vào thử nghiệm qua sự cộng tác với JA Miyagi Tome và Tập đoàn giao dịch Sumitomo Corp. Tại Tome, độ tuổi trung bình của các nông dân còn lại ở nơi đây rơi vào khoảng 67 - 68 tuổi và họ chỉ còn có thể làm việc thêm tầm 4 - 5 năm nữa, theo như Sakakibara cho biết: “Việc cơ thể của chúng tôi không còn có thể làm được nữa hay các máy kéo hỏng hóc chỉ còn là vấn đề về thời gian”.

Khác với máy bay trực thăng mini điều khiển từ xa bằng sóng radio có trị giá lên tới 15 triệu yên khi lắp đặt kèm thiết bị phun, drone nông nghiệp nhỏ và rẻ hơn nhiều với giá mỗi con được tính vào khoảng 4 triệu yên. Nileworks đang đàm phán với chính quyền để drone có thể hoạt động mà không cần giấy phép. Nó có thể được điều khiển bằng iPad và vận hành bằng 1 phần mềm bản đồ dễ sử dụng.

“Mục tiêu lớn nhất của chúng tôi là giảm chi phí canh tác lúa gạo xuống còn 1/4 so với hiện tại” - Chủ tịch Nileworks Hiroshi Yanagishita trao đổi với các phóng viên. Drone có thể nhanh chóng phân tích các cuống lúa và xác định lượng thuốc trừ sâu hay phân bón cần thiết, giúp cho người nông dân đánh giá liều lượng thuốc và ước tính kích thước cây trồng dễ dàng hơn.

Nileworks dự định sẽ bắt đầu cho bán sản phẩm vào tháng 5, với mục tiêu thường niên là 100 đơn vị trong năm đầu và lên tới 4.000 đơn vị trong 5 năm.

Anh Shota Chiba, nông dân 29 tuổi tại Tome cho biết, công nghệ có thể sẽ hiện đại hóa nông nghiệp và thu hút lớp trẻ trở lại. “Mọi người vẫn còn ấn tượng mạnh về nghề làm nông như 1 công việc lao động nặng nhọc và bẩn thỉu, nhưng điều này đang dần biến mất nhờ vào sự cơ giới hóa dần dần” - anh nói thêm - “Các công nghệ mới như drone có thể sẽ thay đổi hình ảnh về nghề nông và lôi kéo nhiều người trẻ quay lại nghề hơn”.

Theo Reuters, Japantoday

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT.

Truyện ngắn: Hồi ức khó quên

GD&TĐ - Tôi từng nghĩ rằng mình có thể hóa thành một chiếc ô, chỉ dựa vào sức lực và ý chí của bản thân để che chở cho cả gia đình trước những cơn giông bão của cuộc đời.

Minh họa/INT.

Nhạc kịch Việt tự tin 'cất cánh'

GD&TĐ - Nhạc kịch 'Giấc mơ Chí Phèo' của Nhà hát Ca Múa Nhạc Thăng Long đang được khởi động bán vé cho suất công diễn cuối tháng 12.