Để thực hiện thí nghiệm, các nhà khoa học phát minh một trò chơi gọi là “chuỗi nhà hàng”, ở đó các con chuột quyết định sẽ chờ đợi hay không chờ đợi các thực phẩm khác nhau sẽ xuất hiện ở 4 cửa trong suốt 60 phút.
“Điều này giống như việc xếp hàng tại các nhà hàng vậy. Nếu bạn xếp hàng ở nhà hàng Trung Hoa quá lâu, bạn có thể bỏ cuộc và đến chuỗi nhà hàng Ấn Độ”, giáo sư David Redish thuộc nhóm nghiên cứu cho biết.
Các “nhà hàng” phân phối nhiều loại thực phẩm với các hương vị khác nhau và khi một con chuột đến gần, một tiếng động sẽ vang lên báo hiệu thời gian nó phải chờ đợi để được ăn món yêu thích. Đôi khi những con chuột không kiên nhẫn chờ đợi và di chuyển về các cửa khác, nó sẽ đối mặt với lựa chọn tệ hơn và các nhà khoa học gọi đây là tình huống gây ra hối tiếc.
Trong trường hợp này, những con chuột thường dừng lại và nhìn về phía phần thức ăn chúng bỏ qua.
Hệ quả của sự hối tiếc còn thể hiện ở lựa chọn tiếp theo của chuột, chẳng hạn chúng quyết định chờ đợi lâu hơn ở khu vực tiếp theo và đổ xô đến ăn phần thức ăn ngon đó. Các nhà khoa học cho biết những hành vi như vậy là biểu hiện của sự hối tiếc.
Vùng vỏ não sáng lên khi con người cảm thấy hối tiếc
Khi thí nghiệm được thực hiện đối với những con chuột kiên nhẫn chờ đợi nhưng vẫn gặp phải kết quả xấu, những hành vi hối tiếc này không xảy ra.
Các nhà khoa học còn tìm thấy một vùng trên vỏ não được gọi là orbitofrontal - hoạt động khi con người cảm thấy hối tiếc - đã sáng lên khi những con chuột nhìn lại những phần thức ăn ngon đáng lẽ thuộc về chúng.
Giáo sư David Redish nói rằng việc phân biệt về sự hối tiếc và thất vọng ở động vật là rất quan trọng. Giáo sư nói: Hối tiếc là đã thừa nhận bạn làm điều sai lầm và nếu làm khác đi, bạn đã có kết quả tốt hơn. Còn thất vọng chỉ xuất hiện khi mọi việc không tốt như chúng ta mong đợi, là do lỗi khách quan.
Tiến sĩ Mark Walton, đến từ ĐH Oxford (Anh), đã đọc nghiên cứu và nhận xét rằng phát hiện này cho thấy mức độ cao về khả năng nhận thức ở chuột, đồng thời ông cũng khen ngợi thí nghiệm của nhóm nghiên cứu.
Thí nghiệm được trình bày trên tạp chí Nature Neuroscience và là nghiên cứu đầu tiên cho thấy động vật cũng có khả năng hối tiếc – một cung bậc cảm xúc xưa nay được cho chỉ có ở người.