Động vật có thể nhận ra mình trong gương

GD&TĐ - Một số loài động vật như tinh tinh, voi có thể nhận ra hình ảnh phản chiếu của mình trong gương.

Một con khỉ tự ngắm mình trong gương.
Một con khỉ tự ngắm mình trong gương.

Đây có thể là dấu hiệu của sự ý thức về bản thân hoặc chỉ đơn giản là một dạng nhận thức cơ thể.

Khả năng tự nhận thức

Con người là loài duy nhất ngắm nhìn hình ảnh phản chiếu của mình trong gương mỗi ngày nhưng không phải loài duy nhất nhận ra chính mình trên các bề mặt phản chiếu. Các nhà khoa học đã thử nghiệm khả năng nhận diện gương ở nhiều loài, bắt đầu bằng nghiên cứu về tinh tinh (Pan troglodytes) công bố vào năm 1970.

Các loài động vật khác từ kiến, cá đuối manta đến vẹt xám châu Phi (Psittacus erithacus) đều được nghiên cứu kỹ để tìm dấu hiệu cho thấy chúng có thể tự nhận thức bản thân khi nhìn vào gương. Một số ít nhận ra chúng đang quan sát chính mình. Số khác hoàn toàn không nhận ra trong khi một số thể hiện những hành vi không rõ ràng.

Những kết quả trái chiều này khiến các nhà khoa học hiểu hơn về nhận thức của động vật. Ông Frans de Waal - nhà linh trưởng học tại Đại học Emory, Mỹ, cho biết: “Nhiều loài động vật không vượt qua được bài kiểm tra. Chúng cần tự kiểm tra một dấu vết trực quan trước gương mà không cần bất cứ sự huấn luyện hay phần thưởng nào. Hành động đó cần phải tự phát”.

Vậy những loài động vật nào đã vượt qua thử nghiệm?

Trong các thí nghiệm vào năm 1970, 4 con tinh tinh đã được gây mê và dùng thuốc nhuộm đỏ đánh dấu lên mặt. Khi thức dậy, tinh tinh săm soi những chỗ bị đánh dấu trong gương, chứng tỏ chúng hiểu rằng chúng đang nhìn chính mình. Bài kiểm tra này được coi là bằng chứng thuyết phục nhất về khả năng tự nhận thức qua gương.

Những loài vượn lớn khác cũng vượt qua được bài kiểm tra. Đười ươi nhận ra chính chúng, thậm chí xác định được các dấu vết trên cơ thể trong một nghiên cứu năm 1973. Một nghiên cứu năm 1994 cho thấy tinh tinh lùn kiểm tra những vùng cơ thể mà nếu không có gương, chúng sẽ không thể nhìn thấy. Tuy nhiên, thử nghiệm với khỉ đột không đem lại kết quả rõ ràng.

Loài khỉ thường coi hình ảnh phản chiếu của mình là một loài động vật khác. Nhưng cũng có những nghiên cứu chuyên sâu cho thấy một số loài khỉ có thể tự nhận dạng mình nếu chúng được huấn luyện nghiêm ngặt. Dù thế, những ý kiến trái chiều cho rằng hành vi phải học qua huấn luyện không thể coi là bằng chứng đáng tin cậy về khả năng tự nhận thức.

Đến gần đây, loài động vật có vú trên cạn duy nhất vượt qua bài kiểm tra một cách thuyết phục là một con voi châu Á (Elephas maximus) tại Vườn thú Bronx, Mỹ. Theo nghiên cứu, các nhà khoa học đưa 3 con voi cái châu Á trưởng thành đến trước một tấm gương lớn dựng trong chuồng voi. Ban đầu, các nhà khoa học lo lắng lũ voi sẽ đập phá chiếc gương nhưng điều đó không xảy ra.

Chúng tỏ ra khá tò mò về sự xuất hiện của chiếc gương. Hành vi đầu tiên cho thấy chúng có khả năng nhận ra hình ảnh phản chiếu của mình trong gương là cố gắng khám phá mặt bên kia của tấm gương. Chúng vung vòi ra phía sau bức tường nơi gắn gương hoặc quỳ xuống luồn vòi vào bên dưới tấm gương, thậm chí cố gắng trèo lên gương.

Khi bắt đầu hiểu về gương, 3 con voi bắt đầu lặp lại các hành động trước gương như vẫy vòi, chúi đầu về phía gương... Một trong 3 con voi, tên là Happy, đã vượt qua bài kiểm tra cuối cùng vì nó liên tục chạm vào chữ X được vẽ trên trán, nơi vốn dĩ nó không thể quan sát bằng mắt thường. Để thêm phần chắc chắn, các nhà khoa học sau đó đã vẽ chữ X bằng một loại sơn không màu. Nhìn qua gương, Happy không cố gắng chạm vào chữ X nữa.

dong vat co the nhan ra minh trong guong (2).jpg
Chỉ một số loài động vật nhận ra hình ảnh phản chiếu của mình.

Hành vi không rõ ràng

Cá heo cũng có thể nhận thức được hình ảnh phản chiếu của chính mình. Một nghiên cứu năm 1995 dùng video thay gương và một nghiên cứu năm 2001 sử dụng gương đều cho thấy cá heo dựa vào hình ảnh của chúng để kiểm tra các dấu vết trên cơ thể.

Tiếp đó, năm 2008, các nhà nghiên cứu thử nghiệm trên loài chim ác là Á - Âu (Pica pica) và tìm ra bằng chứng đầu tiên cho thấy một loài không phải động vật có vú có khả năng nhận ra bản thân trong gương. Năm 2002, chim cánh cụt Adélie hoang dã (Pygoscelis adeliae) cũng thể hiện các hành vi tự nhận thức trước gương.

Bà Diana Reiss - nhà khoa học nghiên cứu nhận thức cấp cao tại Hiệp hội Bảo tồn Động vật Hoang dã Mỹ, đánh giá: “Đây có vẻ là đặc điểm chung và tiến hoá độc lập ở những loài động vật có bộ não lớn với đời sống xa hội phức tạp, dù bộ não của chúng khác nhau”.

Các thử nghiệm trên động vật cấp thấp gây ra nhiều tranh cãi. Theo nghiên cứu năm 2015, kiến có khả năng nhận thức phần nào về bản thân vì chúng cố gắng loại bỏ lớp sơn xanh trên đầu khi nhìn vào hình ảnh phản chiếu của mình. Hai nghiên cứu cho thấy cá có thể nhận ra chính mình. Và nghiên cứu trên chuột năm 2024 cho thấy chúng cố gắng loại bỏ vết đánh dấu trên cơ thể.

Như vậy, những loài động vật được cho là nguyên thuỷ hơn lại vượt qua bài kiểm tra gương, trong khi một số loài động vật thông minh nhất, không bao gồm con người, như vẹt xám châu Phi, lại thất bại.

Điều này đặt ra câu hỏi về tính hữu ích của nghiên cứu. Giới khoa học không rõ liệu những thí nghiệm này có chứng minh được ý thức thực sự của động vật về bản thân giống như con người hay chỉ đơn giản là một dạng nhận thức cơ thể.

Theo Livescience

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.