Trong đó lưu ý quá trình đánh giá phải góp phần thực hiện mục tiêu cuối cùng là trẻ khuyết tật được hòa nhập trong trường. Đây là một vấn đề xã hội, không phải chỉ là vấn đề y tế, giáo dục.
Đồng thời, giáo dục hòa nhập góp phần xác lập sự dịch chuyển từ phương thức tiếp cận theo hướng nhân đạo sang hướng nhân quyền. Vì vậy, các cấp quản lý giáo dục, mỗi cán bộ giáo viên cần có nhận thức đúng, quan điểm thống nhất trong việc thực hiện chương trình, tổ chức dạy học và các hoạt động, đặc biệt là kiểm tra đánh giá học sinh khuyết tật tham gia giáo dục hòa nhập.
Đánh giá học sinh khuyết tật theo nguyên tắc động viên, khuyến khích sự nỗ lực và sự tiến bộ của học sinh là chính.
Học sinh khuyết tật có khả năng đáp ứng các yêu cầu của chương trình giáo dục THCS, THPT được đánh giá, xếp loại theo các quy định như đối với học sinh bình thường nhưng có giảm nhẹ yêu cầu về kết quả học tập.
Học sinh khuyết tật không đủ khả năng đáp ứng các yêu cầu của chương trình giáo dục THCS, THPT được đánh giá dựa trên sự nỗ lực, tiến bộ của học sinh và không xếp loại đối tượng này.
Học sinh khuyết tật tham gia giáo dục hòa nhập, trong quá trình thực hiện, nhà trường căn cứ vào dạng khuyết tật và mức độ khuyết tật mà xét miễn giảm từng môn học hoặc từng nội dung của môn học như: học sinh khuyết tật nghe nói tùy theo mức độ có thể không học các môn ngoại ngữ, âm nhạc hoặc học sinh khuyết tật vận động không thực hiện các bài thể dục, phần thực hành môn giáo dục quốc phòng - an ninh...
Trong đánh giá học sinh khuyết tật tham gia giáo dục hòa nhập phải nhìn nhận sự tiến bộ của học sinh ở mọi khía cạnh, mối quan hệ từ tâm tư tình cảm đến kỹ năng sống, mức độ hòa nhập với bạn bè, chứ không phải chỉ là kết quả các bài kiểm tra từng môn học…