Bộ Y tế vừa có công văn yêu cầu các đơn vị khẩn trương triển khai hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp theo đúng các văn bản chỉ đạo của Chính phủ về mua sắm thuốc, hóa chất, vật tư, trang thiết bị, phương tiện phục vụ phòng chống dịch và các giải pháp cấp bách phòng, chống dịch bệnh Covid-19.
Theo đó, Sở Y tế, các đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ Y tế chủ động hoặc tham mưu cấp có thẩm quyền lập kế hoạch và triển khai mua sắm thuốc, hóa chất, sinh phẩm, kit xét nghiệm, trang thiết bị, phương tiện… bảo đảm đáp ứng kịp thời yêu cầu của công tác phòng, chống dịch, tuyệt đối không để thiếu. Thực hiện sử dụng khoa học, đúng mục đích, an toàn, hiệu quả, tiết kiệm, tránh lãng phí, thất thoát.
Đặc biệt, Bộ Y tế đề nghị các địa phương, đơn vị ngăn chặn, phát hiện, chấn chỉnh, xử lý nghiêm các hành vi tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm trong mua sắm trang thiết bị, thuốc, hoá chất, sinh phẩm hoặc lợi dụng các hoạt động phòng, chống dịch để trục lợi.
Tăng cường kiểm tra, giám sát nhằm phát hiện và xử lý kịp thời các trường hợp tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; phát huy vai trò của tổ chức Đảng trong đấu tranh phòng chống mọi biểu hiện suy thoái chính trị, tư tưởng; tăng cường công khai minh bạch trong mua sắm, đấu thầu...
Đây là “động thái” cần thiết, bởi bên cạnh yêu cầu bảo đảm, việc sử dụng hiệu quả các nguồn lực để phòng chống dịch là đặc biệt quan trọng vì thực tế, đã xảy ra tình trạng lợi dụng việc mua sắm trang thiết bị để trục lợi cụ thể như tại CDC Hà Nội.
Việc này cho dù chỉ là “con sâu làm rầu nồi canh” nhưng trong bối cảnh các nguồn lực dành cho phòng chống dịch còn hạn chế và ngày càng khó khăn hơn thì đây việc không thể chấp nhận và đã phải xử lý hình sự.
Cần nhấn mạnh thêm rằng, ngay từ đầu năm 2020, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (nay là Chủ tịch Nước) đã yêu cầu Bộ Y tế, UBND các tỉnh, thành phố khẩn trương rà soát, chấn chỉnh, thẩm định lại và thanh tra việc thực hiện các gói thầu mua sắm trang thiết bị y tế, nhất là các gói thầu mua sắm hệ thống máy xét nghiệm Covid-19.
Theo đó, nếu có dấu hiệu vi phạm pháp luật thì chuyển hồ sơ, tài liệu cho cơ quan điều tra để làm rõ, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Còn trong văn bản trả lời kiến nghị của cử tri TP Hải Phòng, tỉnh Bến Tre và Thái Bình liên quan đến việc thanh tra, kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm trong liên doanh, liên kết đầu tư thiết bị y tế vào các cơ sở khám chữa bệnh, sử dụng kinh phí phòng chống dịch Covid-19 hồi đầu năm, Thanh tra Chính phủ cho biết, kết quả bước đầu tất cả các bộ, địa phương đều có thiếu sót, vi phạm trong quá trình tổ chức thực hiện các quy định về mua sắm, đấu thầu từ bước lập kế hoạch, đấu thầu, ký kết và thực hiện hợp đồng...
Bởi vậy, để tránh xảy ra tình trạng tương tự như ở CDC Hà Nội hoặc những sai phạm khác có thể xảy ra, cần thiết phải có các quy định cụ thể, kèm theo hình thức xử lý nghiêm khắc hơn. Điều quan trọng nữa là cần có sự giám sát chặt chẽ của các cơ quan chức năng trong quá trình chỉ định thầu, mua sắm trang thiết bị.
Đặc biệt, phải lựa chọn, phân công, bố trí cán bộ thực sự có trách nhiệm, vì nước, vì dân. Chỉ khi nào có con người tốt mọi việc mới tốt. Con người xấu sẽ khó tránh khỏi tiêu cực, cho dù các quy định có chặt chẽ đến mấy đi chăng nữa.