Đồng phục, nhưng cần phải tôn trọng cá tính học sinh

GD&TĐ - Đồng phục đưa học sinh vào khuôn khổ, thử thách học sinh rèn luyện trong môi trường tập thể, nhưng “đồng phục” một cách máy móc, thái quá vô tình ảnh hưởng đến cá tính, sở thích cá nhân của các em. 

Đồng phục học sinh được các nhà may quảng cáo trên mạng. Ảnh minh họa, theo Internet
Đồng phục học sinh được các nhà may quảng cáo trên mạng. Ảnh minh họa, theo Internet

Đồng phục học sinh thể hiện nét đẹp tuổi học trò, tác phong văn hóa, đồng thời nâng cao ý thức trách nhiệm của các em đối với tập thể nhà trường. Đồng phục còn thể hiện sự bình đẳng giữa các học sinh, góp phần xây dựng môi trường học tập thân thiện.

Đồng phục học sinh xưa nay chủ yếu là về áo quần, quần tây xanh đậm - áo sơ mi trắng. Đến cấp 3, với nữ sinh trung học là áo dài trắng, một hình ảnh quen thuộc, đã trở thành biểu tượng đẹp của thời cắp sách đến trường.

Hiện nay, những tưởng khi hòa nhịp sống hiện đại, đồng phục đơn giản, “nhẹ nhàng” hơn, nào ngờ đồng phục càng “biến tướng”, “loạn đồng phục”. Ai đời bắt buộc học sinh đồng phục cả dép giày, cặp sách, tập vở, bao bì... Tôi nhớ năm trước có vị hiệu trưởng nọ còn quy định học sinh nam toàn trường hớt chung một kiểu tóc.

Đồng phục có cái hay của nó nhưng nếu thái quá thì nhiều khi phản giáo dục. Ai cũng thấy nét đẹp “sắc màu” tập thể của đồng phục, nhưng ít ai thấy đồng phục làm mất đi nét cá tính, sở thích cá nhân của học sinh. Em thì thích màu xanh, em thì ưa màu đỏ, em lại chuộng màu hồng... Đó là “quyền lựa chọn” cần được tôn trọng của các em, và nó hoàn toàn không mâu thuẫn gì đến tập thể lớp, nhà trường. Phải chăng người lớn chúng ta muốn thỏa ánh mắt (mãn nhãn) nên áp đặt các em đồng phục “tất tần tật”, răm rắp như trong quân đội ?

Tại sao ở những nơi có điều kiện nhà trường không cho phép các em một số ngày không đồng phục? Trong các ngày đó các em có thể mặc theo sở thích cá nhân, phát huy cá tính của mình, miễn là gọn gàng, lịch sự. 

Đồng phục đưa học sinh vào khuôn khổ, thử thách học sinh rèn luyện trong môi trường tập thể, nhưng “đồng phục” một cách máy móc, thái quá vô tình ảnh hưởng đến cá tính, sở thích cá nhân của các em.

Thiết nghĩ, đồng phục áo quần là đủ rồi, đừng lạm dụng đồng phục mà áp đặt, biến “tuổi áo trắng” hồn nhiên vô tư thành “rô-bốt”, “gà công nghiệp”. Quy định cái gì cũng “đồng phục” sẽ làm mất đi cá tính, tính năng động của các em.

Nhắc đến “đồng phục”, nhà trường không chỉ lưu ý ở chuyện ăn mặc, mà cần ngăn ngừa hội chứng “tư duy đồng phục”, đó là sự rập khuôn, máy móc trong dạy học, giáo dục học sinh.

Hãy phát huy tính chủ động, tích cực, sáng tạo của học sinh và tôn trọng cá tính của các em, vì đó là nguyên tắc trong giáo dục. Tôi chợt nhớ có lần giáo sư Nguyễn Minh Thuyết chia sẻ rằng: Chúng ta không thể nào bắt ép Trần Đăng Khoa phải giỏi Toán như Ngô Bảo Châu và cũng không thể có chuyện Ngô Bảo Châu lại giỏi thơ như Trần Đăng Khoa. Và, cả nước không thể chỉ có những người giỏi toán, giỏi thơ. Cùng với họ, phải có những người giỏi trồng trọt, chăn nuôi, công nghệ, thương mại, quản trị”.                                                             

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Người dân bắt cá thòi lòi bằng xà di lưới.

Nghề độc, lạ vùng Đất Mũi

GD&TĐ - Nằm nơi vị trí địa đầu Tổ quốc, Cà Mau là địa phương có nhiều đặc sản nổi tiếng và nhiều nghề độc, lạ.