Tình trạng cây xăng treo biển "hết xăng", "nghỉ bán"... chưa căng thẳng đến mức ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống kinh tế-xã hội ở các địa phương, nhưng cũng ít nhiều gây biến động thị trường và khiến tâm lý người dân lo lắng.
Yêu cầu đặt ra là phải làm rõ nguyên nhân, đổi mới công tác quản lý nhà nước để không còn lẩn quẩn lặp lại tình trạng khan hiếm, đứt gãy nguồn cung mặt hàng tiêu dùng thiết yếu này.
Để kịp thời phát hiện, ngăn chặn các hành vi vi phạm trong hoạt động kinh doanh xăng dầu và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, những ngày gần đây, Cục Quản lý thị trường Đồng Nai đã khẩn trương chỉ đạo các đội nghiệp vụ tăng cường kiểm tra hoạt động các cây xăng trên địa bàn tỉnh.
Qua vào cuộc, bước đầu kiểm tra 16 trạm xăng dầu, cơ quan chức năng đã ghi nhận 10 trạm xăng dầu đồng loạt đóng cửa không hoạt động, 6 trạm hoạt động nhưng treo biển hết xăng. Đáng chú ý, tại thời điểm kiểm tra, tất cả 16 trạm xăng dầu trên chưa cung cấp được thông báo xác nhận ngưng bán hàng hoặc thông báo thời gian bán hàng được Sở Công Thương xác nhận. Điều này là hoàn toàn trái với quy định.
Quy trình một cây xăng muốn dừng bán hàng sẽ phải thông báo về Sở Công Thương, sau khi được chấp thuận mới được dừng bán hàng. Nếu các cửa hàng dừng bán không có lý do chính đáng hoặc dừng bán với mục đích "găm hàng" chờ tăng giá sẽ bị xử lý nghiêm.
Trong số này, 5 trạm đóng cửa không có chìa khóa kho lưu trữ nên đoàn kiểm tra không thể tiến hành đo số lượng hàng hóa tồn thực tế trong bồn. Ở các trạm còn lại, kết quả đo cho thấy việc hết xăng tại bồn để bán là đúng.
Đoàn kiểm tra đã lập biên bản, ghi nhận hiện trạng thực tế để mời chủ doanh nghiệp tiếp tục làm việc, nhằm xác minh, làm rõ những nguyên nhân khách quan, chủ quan dẫn đến việc đóng cửa các cây xăng, để đề xuất hình thức xử lý phù hợp. Theo đó, sẽ áp dụng chế tài xử lý nghiêm khắc theo quy định của pháp luật về hoạt động kinh doanh xăng dầu đối với các trường hợp sai phạm, nhất là có dấu hiệu cố tình găm hàng đầu cơ nhằm trục lợi.
Theo quan sát của phóng viên Báo Giáo dục và Thời đại tại Đồng Nai, tình trạng treo biển thông báo hết hàng hoặc tạm đóng cửa chỉ xảy ra cục bộ ở những cây xăng, đại lý nhỏ, lẻ, còn cửa hàng xăng dầu của các doanh nghiệp lớn vẫn hoạt động bình thường.
Qua phản ánh dư luận trên báo chí, đại diện một số đại lý xăng dầu viện dẫn lý do khan hiếm nguồn cung từ phía đơn vị đầu mối nên việc không có xăng để bán cho người dân, chấp nhận đóng cửa tạm thời là ngoài ý muốn.
Nguyên nhân khác được trình bày là không có người bán vì nhân viên nghỉ Tết về quê; lượng xăng dầu còn ít, chỉ bán cầm chừng..vv…
Tuy nhiên, cũng tồn tại luồng ý kiến cho rằng, không loại trừ khả năng các đầu mối xăng dầu găm hàng để chờ tăng giá trong đợt điều chỉnh giá sắp tới của Nhà nước vào ngày 11/2/2022 mới mở bán, nhằm bù lỗ cho phần giá trong nước và thế giới đang "vênh" nhau khá xa. Do đó, ngành chức năng cần đẩy mạnh kiểm tra đột xuất, nếu phát hiện sai phạm tương tự thì kiên quyết phạt kịch khung theo nghị định 95/2021/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu.
Nhìn rộng ra khu vực phía Nam như Thành phố Hồ Chí Minh, An Giang, Cần Thơ, Sóc Trăng, Đăk Nông... một số đơn vị kinh doanh xăng dầu cho rằng việc phải "gồng lỗ" liên tục những ngày qua cũng khiến họ ái ngại khi bán xăng. Trong khi đó, các đại lý than phiền mức chiết khấu hoa hồng xuống rất thấp khiến họ khó xoay sở cầm cự.
Một lãnh đạo của Bộ Công Thương không phủ nhận nghi vấn có việc một số doanh nghiệp hạn chế bán ra thời điểm này để chờ tăng giá. Tuy nhiên, đại diện một doanh nghiệp đầu mối lớn ở phía Nam khẳng định không găm hàng, bản thân họ cũng rơi vào thế khó khi nguồn cung thiếu hụt.
Đáng nói, đây không phải là lần đầu tiên công luận tốn giấy mực xoay quanh câu chuyện thời sự bộc lộ sự bất cập trong công tác quản lý, phân phối xăng dầu. Hiện tượng cây xăng treo biển "hết xăng" đã từng diễn ra ồ ạt hồi tháng 3/2019 và tháng 5/2020 sau khi nhiều doanh nghiệp xăng dầu phản ánh việc "thiếu xăng để bán" do không đủ nguồn cung và nay lại tái diễn ngay dịp cao điểm đầu năm mới.
Trước đó, để đảm bảo hoạt động kinh doanh xăng dầu diễn ra đúng quy định, tránh hành vi găm hàng chờ tăng giá, giáp Tết Nguyên đán Nhâm Dần, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã có công điện về việc tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm trong kinh doanh xăng dầu.
Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam Bùi Ngọc Bảo cho rằng, đến thời điểm này không thiếu nguồn cung xăng dầu, tuy nhiên mức độ không đồng đều, về tổng thể cân đối đủ.
Trong khi quá trình làm rõ nguyên nhân phát sinh diễn ra chậm và chưa ngã ngũ, để ứng phó với diễn biến bất lợi trên thị trường, tại cuộc họp khẩn ngày 8/2, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành yêu cầu Bộ Công Thương "tuyệt đối không để thiếu xăng, dầu trong mọi hoàn cảnh". Đồng thời, yêu cầu Bộ Công Thương phải thực hiện tốt hơn nữa nhiệm vụ quản lý, giám sát chặt chẽ xăng dầu; có kế hoạch chi tiết, chính xác hơn nguồn cung trong nước và nhập khẩu.