Đồng Nai bàn cách gỡ nút thắt về nguồn vốn vay cho doanh nghiệp

GD&TĐ - Ngày 24/10, UBND tỉnh Đồng Nai tổ chức Hội nghị kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh năm 2023.

Lãnh đạo UBND tỉnh và Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Đồng Nai trao đổi cùng doanh nghiệp.
Lãnh đạo UBND tỉnh và Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Đồng Nai trao đổi cùng doanh nghiệp.

Hội nghị nhằm tháo gỡ những vướng mắc trong việc tiếp cận nguồn vốn kinh doanh, sản xuất cho doanh nghiệp.

Thông tin từ Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Đồng Nai, tính đến 30/9/2023, tổng nguồn vốn huy động trên địa bàn đạt 299.065 tỉ đồng, tăng 3,94% so với đầu năm. Trong đó, huy động từ tiền gửi của khách hàng đạt 296 nghìn tỉ đồng, chiếm 99,82% nguồn vốn huy động của hệ thống ngân hàng tỉnh.

Về dư nợ tín dụng, đến 30/9/2023, tổng dư nợ cấp tín dụng toàn tỉnh đạt 353.584 tỉ đồng, tăng 6,1% so với đầu năm và tăng 7,39% so với cùng kỳ năm 2022, qua đó giúp Đồng Nai tiếp tục giữ vị thế là một trong những địa phương có tăng trưởng tín dụng ở nhóm đầu của cả nước.

Đại diện các ngân hàng trên địa bàn tỉnh Đồng Nai khẳng định đủ vốn để đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp nhưng phải đáp ứng theo các quy định hiện hành và phù hợp với từng đơn vị.

Ông Nguyễn Đức Toàn, Giám đốc BIDV Đồng Nai cho biết, ngoài vốn thông thường tại ngân hàng, các doanh nghiệp còn có thể có nhiều kênh huy động vốn khác cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, như: Tăng vốn chủ sở hữu, vốn góp cổ đông, vốn chiếm dụng thương mại, mở L/C nội địa, bao thanh toán, bảo lãnh, tham gia vào chuỗi phân phối, chuỗi cung ứng, huy động vốn trên thị trường chứng khoán, thông qua các quỹ đầu tư mạo hiểm, quỹ Star-up…

Tại hội nghị, bà Nguyễn Thị Kim Tuyến, Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Đồng Nai đề xuất nên hợp nhất và tối ưu hoá tài chính để thúc đẩy cơ chế hợp nhất và tối ưu tài chính trong hệ thống ngân hàng là một bước quan trọng để tạo ra nền kinh tế mạnh hơn.

Ngân hàng Nhà nước cũng nên có những gói vay tín chấp lãi suất thấp để doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp cận được nguồn vốn, có thể cho vay theo Đoàn, Hội... qua đó gia tăng cơ hội phát triển.

Một doanh nghiệp nêu kiến nghị cho việc khơi thông nguồn vốn vay khi ngân hàng đang thặng dư tín dụng.

Một doanh nghiệp nêu kiến nghị cho việc khơi thông nguồn vốn vay khi ngân hàng đang thặng dư tín dụng.

"Doanh nghiệp bị khủng hoảng kinh tế rất khó tăng trưởng tăng doanh thu. Nhưng khi doanh nghiệp muốn đáo hạn hoặc tăng hạn mức vay thêm, các Ngân hàng đều bắt buộc doanh nghiệp tăng doanh số so với năm 2022, việc này gây khó khăn và áp lực cho doanh nghiệp muốn hoạt động để tồn tại và phát triển.

Bất động sản hiện giờ đang xuống rất thấp, khi cá nhân hoặc doanh nghiệp muốn định giá lại qua ngân hàng khác để vay thêm hoặc đáo hạn hưởng lãi suất thấp hiện nay thì công ty thẩm định giá lại thẩm định giá thấp hơn ngân hàng đang cho vay nên vấn đề này cần được Ngân hàng Nhà nước xem xét lại", bà Tuyến nói.

Kết luận tại Hội nghị, bà Nguyễn Thị Hoàng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, tỉnh luôn sẵn sàng tạo điều kiện và đồng hành để các doanh nghiệp kinh doanh thuận lợi tại tỉnh.

UBND tỉnh luôn đồng cảm với những khó khăn của các doanh nghiệp, vì thành công của các doanh nghiệp là thành công của tỉnh, mất mát, thiệt thòi của các doanh nghiệp cũng là mất mát, thiệt thòi của tỉnh.

UBND tỉnh tiếp tục quan tâm chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Đồng Nai, chủ động triển khai các giải pháp, điều hành tín dụng trọng tâm theo định hướng của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, góp phần thúc đẩy phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh; bám sát mục tiêu tăng trưởng tín dụng an toàn, đặc biệt là hiệu quả trong kiểm soát nợ xấu; tiết giảm chi phí hoạt động để có điều kiện tiếp tục giảm lãi suất các khoản vay hiện hữu và các khoản vay mới, hỗ trợ và đồng hành cùng doanh nghiệp, người dân vượt qua khó khăn.

Đối với các khó khăn vướng mắc trong quá trình hoạt động, đề nghị các doanh nghiệp kịp thời phản ánh với lãnh đạo UBND tỉnh, lãnh đạo các sở, ngành để kịp thời phối hợp xử lý.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ