Theo bài viết của nhà báo Hal Brands trên trang web của hãng tin Mỹ Bloomberg, một số đồng minh bất mãn của Hoa Kỳ, trong đó có cả các thành viên của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đang xem xét lại kế hoạch mua máy bay chiến đấu F-35A Lightning II do Hoa Kỳ sản xuất.
Tuy nhiên, nhà báo Hal Brands còn cho rằng, vấn đề không còn dừng lại ở vấn đề mua sắm máy bay, mà nó còn thể hiện sự mất lòng tin của đối minh đối với chính quyền của ông Donald Trump.
Theo ông, tình hình mất lòng tin giữa các đồng minh trong NATO hiện nay phản ánh sự mất cân bằng quyền lực và sự phụ thuộc sâu sắc trong hệ thống quốc tế hiện đại.
Đây cũng là kịch bản xem trước về sự tái cấu trúc lớn sẽ xảy ra nếu thế giới tự do phương Tây sụp đổ.
Trong thời gian qua, Bồ Đào Nha, Canada và các đồng minh NATO khác của Hoa Kỳ, những nước đặt câu hỏi về sự khôn ngoan khi mua F-35 Lightning II, được cho là lo ngại rằng máy bay phản lực này có thể có “công tắc tắt” cho phép một Tổng thống Hoa Kỳ thù địch có thể vô hiệu hóa chúng.
Mặc dù nhà sản xuất Lockheed Martin đã nhanh chóng phủ nhận tin đồn về chiếc tiêm kích tàng hình thế hệ 5 của Hoa Kỳ, nhưng điều này cũng là chỉ dấu cho thấy hiện có một “công tắc ẩn dụ” trong mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương, vì F-35 cần được bảo trì, đạn dược, phụ tùng và cập nhật phần mềm phải được Washington chấp thuận.
Nghĩa là, chúng ta đang nói đến sự ngờ vực thực sự và sự chia cắt hoàn toàn giữa những đối tác từng thân thiết và “không thể thiếu nhau”, điều này có nghĩa là nó đang thể hiện sự kết thúc của trật tự thế giới trước đây.
Rõ ràng là các đồng minh châu Âu và thậm chí là châu Á của Washington muốn có nhiều độc lập hơn, tức là giành lại sự tự chủ của họ, vốn đã được trao cho nước Mỹ thân thiện để đổi lấy sự bảo vệ.
Chỉ vẻn vẹn mười tuần sau khi ông Donald Trump nhậm chức tổng thống, ít đồng minh châu Âu nào có vẻ tin rằng sự phụ thuộc vào nước Mỹ vẫn là một lựa chọn tốt.
Mạng lưới thuế quan toàn cầu khổng lồ được Nhà Trắng công bố hôm 02/4 chỉ càng khẳng định thêm sự hoài nghi đó.
Thực tế khắc nghiệt sau khi ông Donald Trump lên nắm quyền đã cho thấy, trật tự thế giới của Mỹ ngụ ý sự phụ thuộc cực độ, gần như hoàn toàn, của các đồng minh vào một siêu cường, dường như đã không còn đáng tin cậy nữa.
Các cường quốc phương Tây phụ thuộc vào nền kinh tế toàn cầu, nhưng trong đó hầu hết các giao dịch đều được tính bằng dollars. Họ bán sản phẩm của mình trên thị trường rộng lớn của Hoa Kỳ, trong khi các tổ chức quốc tế quan trọng, từ NATO đến Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), về cơ bản đều do Washington lãnh đạo.
Nhà báo Hal Brands chỉ ra rằng, nước Mỹ đã hưởng lợi rất nhiều khi trở thành siêu cường ở trung tâm của thế giới, nhưng kế hoạch tái cấu trúc toàn cầu mà Trump đang thực hiện sẽ làm suy yếu sức mạnh của Mỹ, đẩy các đồng minh ra xa hơn và làm giảm ảnh hưởng của Hoa Kỳ trên toàn thế giới.