Động lực đặc biệt cho tăng trưởng kinh tế

GD&TĐ - Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, chỉ số IIP tháng 11/2024 ước tăng 2,3% so với tháng trước...

Minh họa/INT
Minh họa/INT

Tính chung 11 tháng, chỉ số sản xuất công nghiệp IIP ước tăng 8,4% so với cùng kỳ năm trước.

Vốn đầu tư từ nguồn ngân sách Nhà nước tháng 11/2024 ước đạt gần 75,9 nghìn tỷ đồng, tăng 5,6% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 11 tháng năm 2024, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước ước đạt 73,5% kế hoạch năm, tăng 2,4% so với cùng kỳ năm trước.

Vốn đầu tư nước ngoài tính đến ngày 30/11 đạt 31,38 tỷ USD, tăng 1% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, vốn FDI thực hiện 11 tháng ước đạt 21,68 tỷ USD tăng 7,1% so với cùng kỳ năm trước. Vốn đăng ký cấp mới có 3.035 dự án với số vốn đăng ký đạt 17,39 tỷ USD, tăng 1,6% so với cùng kỳ năm trước về số dự án và tăng 0,7% về số vốn đăng ký. Có 1.350 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư tăng thêm 9,93 tỷ USD, tăng 40,7% so với cùng kỳ năm trước.

Đối với lĩnh vực xuất nhập khẩu hàng hóa, trong tháng 11, tổng kim ngạch ước đạt 66,4 tỷ USD, tuy giảm 4,1% so với tháng trước nhưng so với cùng năm ngoái lại tăng 9%. Tính chung 11 tháng, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa sơ bộ đạt 715,55 tỷ USD, tăng 15,4% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó xuất khẩu tăng 14,4%; nhập khẩu tăng 16,4%; cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu 24,31 tỷ USD.

Điểm đáng chú ý nữa là tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 11 ước tăng 0,8% so với tháng trước và tăng 8,8% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 11 tháng, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 8,8% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ số giá tiêu dùng và lạm pháp trong tháng 11 và 11 tháng qua cơ bản ổn định.

Từ những số liệu trên có thể thấy, sự phục hồi, tăng trưởng mạnh mẽ của đầu tư, xuất khẩu và tiêu dùng; các động lực tăng trưởng mới như kinh tế số, chuyển đổi xanh đã tạo nền móng vững chắc để nước ta có thể đạt mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2025 - năm cuối cùng thực hiện Kế hoạch 5 năm 2021 - 2025 ở mức 8%, cao hơn chỉ tiêu Quốc hội giao.

Điều này là hoàn toàn khả thi bởi cùng với những nền tảng đã tạo dựng được trong năm 2024 và những năm trước, đã xuất hiện thêm nhiều nhân tố mới với các thay đổi mang tính căn cơ, đặc biệt là về thể chế thông qua việc Quốc hội đã thông qua nhiều luật tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV - sẽ góp phần quan trọng thúc đẩy tăng trưởng không cho riêng năm 2025, cho giai đoạn 5 năm 2021-2025 mà còn là bước chuẩn bị cho giai đoạn 2026 - 2030 và xa hơn là tới năm 2045.

Theo đó, tư duy đột phá của các luật này sẽ tháo gỡ được những điểm nghẽn, những vướng mắc của đầu tư, kinh doanh, qua đó giải phóng nguồn lực lâu nay bị ách tắc, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững hơn.

Một yếu tố nữa đó chính là việc triển khai kế hoạch định hướng, sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy. Đây là động lực đặc biệt quan trọng cho nền kinh tế bởi việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy không chỉ đơn thuần là giảm số lượng một cách cơ học mà là quá trình tái thiết toàn diện nhằm tạo đột phá trong hoạt động của các cơ quan hành chính Nhà nước, từ đó tạo điều kiện thuận lợi nhất cho đời sống người dân và hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Có thể khẳng định rằng, chất lượng thể chế của nước ta trong năm 2025 và những năm tiếp theo sẽ được nâng lên rất nhiều, qua đó sẽ có tác động tích cực đến hoạt động kinh tế - xã hội. Vấn đề còn lại là sự điều hành quyết liệt, là cần có các quyết định, chính sách đúng đắn, kịp thời thì trước mắt chắc chắn các mục tiêu tăng trưởng đã đề ra sẽ đạt được. Về lâu dài, nước ta sẽ tự tin bước vào kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình giàu mạnh, thịnh vượng của dân tộc.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ