Dòng họ hiếu học nơi “Thập tầng đại sơn”

GD&TĐ - Ở xã Sín Thầu, huyện Mường Nhé (Điện Biên), mảnh đất cực Tây của Tổ quốc với núi non hùng vĩ đã bao lần trở mình, thay áo mới.

Ông Pờ Dần Xinh cùng trao đổi với bộ đội biên phòng về việc giữ gìn, bảo vệ an ninh biên giới.
Ông Pờ Dần Xinh cùng trao đổi với bộ đội biên phòng về việc giữ gìn, bảo vệ an ninh biên giới.

Trên mảnh đất xa xôi ấy, những người con trong dòng họ Pờ đang nối tiếp nhau vun đắp nên một dòng họ hiếu học của dân tộc Hà Nhì.

Học để thay đổi cuộc sống

Vượt qua gần 250km từ TP Điện Biên Phủ theo Quốc lộ 12 và Tỉnh lộ 131 quanh co, uốn lượn, với vô số khúc cua tay áo cùng những đèo dốc nguy hiểm, chúng tôi đã đặt chân tới xã Sín Thầu. Trước năm 2004, Sín Thầu thuộc huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu cũ. Đây được coi như nơi “sơn cùng thủy tận” của miền Tây Bắc khi cách Thủ đô Hà Nội tới chừng 800km.

Nơi đây cũng là điểm cực Tây, nơi Mặt trời lặn sau cùng trên lãnh thổ Việt Nam. Đồng thời có cột mốc số 0 trên đỉnh Khoang La San (Thập tầng đại sơn) cao 1.864m, là nơi giáp ranh biên giới 3 nước: Việt Nam – Lào – Trung Quốc.

Từ những năm 1967, người Hà Nhì đã ngược dòng suối Mo Pí, tìm đến vùng đất ngã ba biên này để lập cư, định bản. Những bản làng đầu tiên như Tả Kố Khừ, Tá Miếu, Pờ Nhù Khồ được lập lên, rồi đến các bản Tả Kố Ky, Tá Sú Lình, Lỳ Mà Tá… Trước kia, vùng đất này được biết đến như một nơi hoang biệt, xa xôi diệu vợi nhất toàn quốc.

Đói nghèo, lạc hậu trường kỳ đeo đẳng người dân. Nhưng giờ đây, khung cảnh hiện ra trước mắt chúng tôi là những con đường bê tông dải đến tận bản. Những ngôi nhà mái tôn, mái ngói đỏ tươi cho thấy, Sín Thầu đang dần “thay da đổi thịt”.

Và ở nơi mà “một con gà gáy ba nước cùng nghe” ấy, có dòng họ Pờ của dân tộc Hà Nhì được kể đến về sự hiếu học. Cha mẹ dù ăn đói, mặc rách cũng cố vun vén để đưa con đến trường. Sự hiếu học đã lan tỏa cho nhiều người dân trong vùng.

Nói đến sự học, đầu tiên phải kể đến cụ Pờ Pó Chừ. Cụ là một trong năm người đầu tiên được kết nạp Đảng ở vùng đất này. Trước kia, cụ không biết chữ. Khi bộ đội về bản, cụ đã tiên phong tham gia cách mạng. Cụ Chừ thấu hiểu sự thiệt thòi nếu thiếu cái chữ. Thế là cụ xin đi học.

Từ đó, cụ nhận thức rằng, chỉ có học, có cái chữ trong đầu, dạ sáng ra, cuộc sống mới tốt hơn, mới giúp được người khác. Có lẽ vì thế mà cụ quyết tâm để các con cũng được ăn học, dù ở vào thời đó, đi học là điều rất “không thiết thực” đối với bà con, bởi cái ăn còn chưa đủ…

Sau cụ Pờ Pó Chừ là cán bộ xã, con trai cả của cụ là Pờ Xí Tài cũng tiếp nối công việc của cha mình. Suốt mấy chục năm, ông Tài làm Trưởng Công an xã, đã giúp đưa bà con thoát ra nhiều hủ tục lạc hậu.

Từ năm 1978 - 2006, ông Tài giữ chức vụ Bí thư Đảng ủy xã Sín Thầu. Ông không chỉ là một cán bộ năng nổ, một chiến sĩ kiên trung, đam mê học tập, mà còn là người có công gây dựng nên cuộc sống mới ở Sín Thầu. Mấy người con của ông Tài nay đều trưởng thành. Người con cả Pờ Chí Lìn là sĩ quan quân đội, con thứ là Pờ Pờ San là công an, Pờ Trinh Phạ là cán bộ xã Sín Thầu…

“Xé” 200km đường rừng… học chữ

Pờ Diệu Ninh (ngoài cùng bên phải) hạnh phúc bên gia đình.
Pờ Diệu Ninh (ngoài cùng bên phải) hạnh phúc bên gia đình.

Nhắc đến những người con của họ Pờ, không thể không nói đến ông Pờ Diệp Sàng, từng giữ các chức vụ quan trọng trong hệ thống chính trị. Ông Sàng là một trong những người có công trong lãnh, chỉ đạo phát triển kinh tế - xã hội ở huyện Mường Nhé sau những năm đầu chia tách. Ông cũng có tư duy đổi mới như cha mình, tôn trọng cái chữ và đầu tư bằng mọi giá cho con đi học.

“Trước đây, cuộc sống có nhiều khó khăn, tôi được bố và các anh tạo điều kiện cho đi học bổ túc. 16 tuổi tôi mới được đi học lớp 1. Ra huyện, ra tỉnh khi ấy chỉ là đường mòn. Để có được cái chữ, anh em tôi phải đánh đổi bằng cả tuần đi bộ, dắt díu nhau băng rừng, lội suối.

Cùng học lúc đó có 14 người nhưng họ về hết, có mỗi mình tôi ở lại. Về sau, khi học Trường Thiếu niên huyện Mường Tè, nhiều người cùng trang lứa cũng không theo nổi”, ông Sàng tâm sự.

“Sau khi tốt nghiệp Trường Đoàn Trung ương tại Bắc Thái, tôi làm ở Tỉnh đoàn, Huyện đoàn Mường Tè (sau này là Mường Nhé). Sau đó, tôi được bầu giữ các chức Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Mường Nhé và Phó Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy Điện Biên”, ông Sàng nói thêm.

Con trai thứ 6 của cụ ông Pờ Pó Chừ là Pờ Dần Xinh, lại giữ một kỷ lục đặc biệt. Ông là người đầu tiên được đi học và học hết trung học phổ thông của vùng đất “thâm sơn cùng cốc” này.

Năm 1973, nhận thấy tầm quan trọng của cái chữ, cụ Pờ Pó Chừ và anh cả Pờ Xí Tài đã kiên quyết bắt Pờ Dần Xinh (khi đó 13 tuổi) phải đi học. Pờ Dần Xinh được bố và anh trai dẫn đi. Ba người họ cứ thế “xé” rừng mà đi, vượt hơn 200km, qua thượng nguồn sông Đà để tới huyện lỵ Mường Tè đi học lớp 1.

Ra đến huyện lỵ Mường Tè, cậu bé Pờ Dần Xinh vào trường nội trú ở lại học quá nửa năm mới được về nhà một lần. Khó khăn, kham khổ chưa qua thì mới được nửa học kỳ, trường lại chuyển về Trường Dân tộc Nội trú tỉnh ở huyện Điện Biên (nay là thành phố Điện Biên Phủ). Ông Xinh lại đi bộ quãng đường ngót nghét 200km với 5 ngày đường nữa.

Lứa học sinh ra tỉnh học cùng ông khi đó có 37 người, nhưng nghỉ hè về họ bỏ học hết. Sót lại mỗi mình Pờ Dần Xinh ở lại học. Những người đi học như ông còn bị dân bản chê cười là “lười lao động, cần gì cái chữ mà vẫn cứ sống đó thôi…”.

Năm 1976, Pờ Dần Xinh lại chuyển về huyện Tuần Giáo học tiếp đến năm 1983 thì xong lớp 12. Ông chính thức trở thành người đầu tiên ở vùng đất “ngã ba biên giới” có trình độ học vấn cao   như vậy.

Anh lớn đi học, em bé cũng đi học theo. Cũng nhờ đó, những “trái ngọt” mà cụ Pờ Pó Chừ nhận được là những người con sau khi học xong đều về làm cán bộ trong xã, trong huyện, góp phần xây dựng quê hương phát triển.

Cuối năm 1983, ông Pờ Dần Xinh về làm Bí thư Đoàn Thanh niên kiêm Trưởng ban Lao động - Thương binh và Xã hội của xã Sín Thầu. Đến năm 1989, ông được bổ nhiệm làm Phó Chủ tịch UBND kiêm Trưởng Công an xã. Trong quãng thời gian này, ông đã được vinh dự đứng trong hàng ngũ của Đảng sau khi lập một chiến công đặc biệt.

Năm 1994, ông Xinh được bầu làm Chủ tịch UBND xã. Năm 2006 được bầu làm Bí thư Đảng ủy. Năm 2009 được bầu làm Bí thư kiêm Chủ tịch UBND xã Sín Thầu. Ở các vị trí công tác, ông đều thực hiện và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Bởi thế, nhìn lại thành tích trong quá trình làm việc, ông có đến hàng trăm giấy khen, bằng khen các loại. Trong số đó, có cả Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ.

Như một mạch nguồn chảy mãi, từ đời ông, cha đến đời con, đời cháu, người họ Pờ bảo nhau vượt lên khó khăn, thử thách, học lấy con chữ để rèn luyện thành tài.

Đời cha nối tiếp đời con…

Đại gia đình họ Pờ được biết đến với tinh thần hiếu học.
 Đại gia đình họ Pờ được biết đến với tinh thần hiếu học.

Trải qua bao đời trên mảnh đất nơi ngã ba biên giới, những người con trong dòng họ Pờ ở xã Sín Thầu đang nối tiếp nhau vun đắp nên một dòng họ hiếu học. Sáng dạ và luôn vươn lên trong cuộc sống, đó là đặc điểm khiến dòng họ Pờ vươn lên thoát nghèo và trở thành một dòng họ khá giả. Trong họ có nhiều người đỗ đạt, có thành tích cao nhất xã Sín Thầu.

Cụ Pờ Pó Chừ sinh được 11 người con, 7 trai và 4 gái. Đến nay, con cháu của dòng họ Pờ có hơn 200 thành viên. Trong số đó, có 2 thạc sĩ, gần 40 người có trình độ đại học và nhiều người có trình độ cao đẳng, trung cấp.

Anh Pờ Bạch Long, Trưởng phòng Xuất nhập cảnh, Công an tỉnh Điện Biên là con của ông Pờ Gia Tự. Từ thuở cắp sách đến trường, cho đến khi trở thành trinh sát an ninh, anh không tính được mình đã đi bộ bao nhiêu cây số. Cuộc đời anh gắn với những chuyến đi bộ vượt núi, băng rừng để đến trường và những chuyến công tác xuống bản.

Anh Long là một trong những niềm tự hào của người dân Sín Thầu. Anh là người Hà Nhì đầu tiên ở tỉnh Lai Châu (nay bao gồm 2 tỉnh Điện Biên và Lai Châu) tốt nghiệp Học viện An ninh. Cuối những năm 1980 của thế kỷ trước, khi bắt đầu học lớp 6, Pờ Bạch Long đã phải ra thị trấn huyện Mường Tè để học. Anh phải đi thế vì ở xã khi ấy mới chỉ dạy đến hết tiểu học.

Từ bản Tả Kho Khừ, xã Sín Thầu ra đến thị trấn chừng 100 cây số phải đi bộ mất gần một tuần qua những khu rừng già, dòng suối Voi, suối Ma, Phứ Ma đầy rẫy nguy hiểm. Pờ Bạch Long học rất giỏi. Anh thi đỗ và ra trường với tấm bằng xuất sắc của Học viện An ninh…

Con trai cả của ông Pờ Dần Xinh là anh Pờ Hùng Sang. Anh Sang là người Hà Nhì đầu tiên tốt nghiệp Học viện Báo chí và Tuyên truyền, nay là Huyện ủy viên, Bí thư Huyện đoàn Mường Nhé.

Người con gái cả của ông Pờ Diệp Sàng, Pờ Diệu Ninh cũng là một trong những tấm gương “tuổi trẻ tài cao” tiêu biểu trong dòng họ. Chị giữ chức Phó Chủ tịch UBND huyện Mường Nhé ở tuổi 33.

Chị Ninh tâm sự: “Từ nhỏ đến năm 1996, tôi học tại trường huyện, những vết chai sần sau gót chân, bắp chân tứa máu là kết quả của mỗi lần đi bộ đến trường. Chưa tròn 14 tuổi, tôi tiếp tục đi học trường nội trú tỉnh, một năm chỉ được về thăm nhà 2 lần. Với ước mơ là cô giáo, tôi thi và đỗ vào Trường Cao đẳng Sư phạm Điện Biên”.

Năm 2005, sau khi ra trường, Pờ Diệu Ninh làm giáo viên Trường PTDT Nội trú huyện Mường Nhé. Sau đó, theo sự phân công của Đảng, chị Ninh được điều động, luân chuyển và làm ở các vị trí: Phó Bí thư Huyện đoàn, Phó ban Tuyên giáo Huyện ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy, Phó Chủ tịch UBND huyện. Hiện tại, chị đang giữ chức Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy kiêm Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng Chính trị huyện.

Thầy Nguyễn Như Chiến, Phó Hiệu trưởng Trường PTDTBT Tiểu học và THCS Sín Thầu, chia sẻ: Nhà trường đã dạy và tiếp bước cho rất nhiều học sinh họ Pờ đến với tri thức và những vị trí cao trong xã hội.

Năm nay, trường chỉ có 7 học sinh họ Pờ theo học ở cấp THCS. Đa số các em có nhiều cố gắng trong học tập, nhiều học sinh đã nỗ lực và đạt kết quả cao. Các em có ý thức rèn luyện đạo đức, thực hiện đầy đủ nội quy, quy chế của trường lớp và hoàn thành nhiệm vụ học tập.

Truyền thống hiếu học của dòng họ Pờ đã có ảnh hưởng rất lớn đến nhận thức của bà con người Hà Nhì nơi “ngã ba biên giới”. Nhìn vào cuộc sống ngày càng đổi thay của những người họ Pờ nhờ sự học, người Hà Nhì lại bảo nhau cho con đến trường. Dù cái đói, cái nghèo còn, nhưng hàng trăm em nhỏ vẫn vượt qua bao khó khăn, nhọc nhằn để đến với con chữ.

Sín Thầu bây giờ đã có trường học từ mầm non đến trung học cơ sở, 100% trẻ trong độ tuổi đều được đến trường, đến lớp. Đi học, có kiến thức, người dân Sín Thầu lại bảo nhau khai hoang ruộng bậc thang, làm lúa nước. Họ cùng nhau xóa bỏ tập quán canh tác lạc hậu, áp dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất để từng bước thoát khỏi đói nghèo, xây dựng quê hương Sín Thầu từng ngày đổi mới.

Người Hà Nhì ở Việt Nam cư trú chủ yếu ở 3 nơi là huyện Mường Tè của tỉnh Lai Châu, huyện Mường Nhé của tỉnh Điện Biên và huyện Bát Xát của tỉnh Lào Cai. Dòng họ Pờ ở Sín Thầu đã hun đúc, phát huy truyền thống suốt mấy chục năm qua, thật sự là một dòng họ cách mạng, góp phần xây dựng, tập hợp các tộc người khác ở vùng biên giới đoàn kết đi theo Đảng, xây dựng và bảo vệ vùng biên giới ngày một thêm bình yên, no ấm.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Siết chặt nồi hầm ở Kurakhove

Siết chặt nồi hầm ở Kurakhove

GD&TĐ - Các nhóm quân Nga từ phía đông, phía nam và phía bắc đang thắt chặt vòng vây quanh nhóm quân của Lực lượng Vũ trang Ukraine ở thành phố Kurakhove.