Miễn giảm, cho vay học phí
Nhiều trường ngoài việc gia tăng chính sách học bổng khủng, giảm học phí trực tiếp cho sinh viên có điểm trúng tuyển đầu vào cao, thủ khoa ngành. Có trường xây dựng chính sách hỗ trợ học phí cho sinh viên: Cho vay tiền đóng học phí với lãi suất 0%, hỗ trợ việc làm bán thời gian cho sinh viên ngay trong quá trình học để trang trải cuộc sống.
Đơn cử, Trường ĐH Văn Hiến (TPHCM) ngoài chính sách học bổng khủng dành cho sinh viên có hoàn cảnh khó khăn lên tới hàng chục tỷ đồng, nhà trường còn hỗ trợ sinh viên chính sách vay học phí với lãi suất 0%.
TS Lê Sỹ Hải – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Văn Hiến cho biết: Với mong muốn đồng hành cùng SV, trường đã áp dụng nhiều chính sách nhằm chia sẻ một phần khó khăn với sinh viên (giảm học phí, hỗ trợ phương tiện học tập online, đóng học phí 2 lần trong một học kỳ, cam kết học phí không tăng trong suốt khóa học).
Đặc biệt, năm học này nhà trường hỗ trợ tiền cơm trưa, 6 tháng tiền nhà trọ, voucher mua laptop, tặng điện thoại thông minh, có xe đưa đón làm thủ tục nhập học, ưu đãi 40% học phí học kỳ I. Nhà trường cũng phối hợp với Quỹ Trái tim Hùng Hậu để hỗ trợ tài chính cho những SV khó khăn, giúp các em có thể vay tiền để đóng học phí với lãi suất 0%.
Không có chính sách cho vay học phí với lãi suất 0% như Trường ĐH Văn Hiến nhưng các trường: ĐH Nguyễn Tất Thành, ĐH Quốc tế Hồng Bàng, ĐH Lạc Hồng, ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM thực hiện giảm học phí trực tiếp cho sinh viên khi xác nhận nhập học. Cụ thể, Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng (TPHCM) ngoài khoản học bổng hơn 20 tỷ đồng gồm học bổng tài năng, học bổng Nguyễn Hoàng, nhà trường còn thực hiện hỗ trợ tân sinh viên nhập học 5 triệu đồng (tương đương giảm 20% học phí học kỳ I) cho tân sinh viên trong thời gian từ nay đến trước ngày 30/9.
Trường ĐH Lạc Hồng (Đồng Nai) giảm 20% học phí cho tân sinh viên nhập học trước ngày 19/9, giảm 15% học phí cho sinh viên nhập học từ 21/9 - 3/10; đợt 3 từ ngày 5 - 24/10 sẽ giảm 10% học phí.
TS Lâm Thành Hiển - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Lạc Hồng cho biết: Nhà trường xây dựng chính sách miễn giảm học phí trực tiếp như trên song song với học bổng hỗ trợ học sinh khó khăn thường niên của nhà trường nhằm động viên, hỗ trợ tân sinh viên sớm ổn định cuộc sống. Mặt khác, điều quan trọng nhà trường muốn hướng đến là san sẻ phần nào gánh nặng về tài chính cho phụ huynh, học sinh trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 vẫn tác động không nhỏ đến đời sống người dân.
Tìm việc làm cho sinh viên
Không chỉ xây dựng nguồn lực tài chính cho các quỹ học bổng, tài chính hỗ trợ cho sinh viên vay, nhiều trường ĐH - CĐ còn kết nối với doanh nghiệp đối tác, cựu sinh viên thành đạt để tạo ra kho việc làm bán thời gian, thực tập có lương cho tân sinh viên và cả sinh viên năm cuối.
TS Lê Lâm - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Đại Việt Sài Gòn trao đổi: Ngoài chính sách ký cam kết việc làm sau khi ra trường với từng tân sinh viên, còn có quỹ tài chính giúp sinh viên khó khăn vay tiền đóng học phí với lãi suất 0%, chính sách học bổng, miễn giảm học phí theo quy định của Bộ GD&ĐT, nhà trường còn đẩy mạnh việc thực hành thực tập của sinh viên tại các doanh nghiệp có nhận lương (50% mức lương nhân viên).
“Để đáp ứng nhu cầu việc làm thêm bán thời gian của sinh viên, hội sinh viên, trung tâm hỗ trợ sinh viên nhà trường đã và đang đẩy mạnh nguồn việc cho sinh viên có nhu cầu, nhằm giúp các em có thêm nguồn thu nhập để trang trải trong quá trình học tập” - TS Lê Lâm chia sẻ.
Nguyễn Đào Thanh Tâm - sinh viên năm cuối Khoa Kế toán - Tài chính (Trường ĐH Văn Hiến) vì hoàn cảnh gia đình khó khăn nên phải làm thêm để trang trải chi phí sinh hoạt và học phí. “Vào năm 2, các khoản chi phí ngày một chồng chất, tưởng chừng như cánh cửa theo đuổi ước mơ khép lại, nhưng lúc dường như bế tắc nhất, em nhận được chiếc phao chính là gói tín dụng cho sinh viên vay đóng học phí với lãi suất 0%. Đặc biệt, em có thể trả sau khi có đủ điều kiện tốt nghiệp” - Tâm nói.
Nhìn nhận việc đồng hành về tài chính với tân sinh viên trong bối cảnh dịch Covid-19 chưa lắng xuống có ý nghĩa rất lớn trong việc bảo đảm tỷ lệ sinh viên rơi rụng trong quá trình học thấp nhất, PGS.TS Trần Hoàng Hải - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Luật TPHCM cho rằng: Mỗi trường cần phải xây dựng được 3 trụ cột tài chính bền vững gồm: Học bổng hỗ trợ sinh viên nghèo vượt khó, quỹ tín dụng sinh viên và quỹ học bổng tài năng nhằm hỗ trợ sinh viên một cách trọn vẹn nhất.
“Không chỉ xây dựng quỹ học bổng lớn, Trường ĐH Luật TPHCM còn hỗ trợ trực tiếp cho người học bằng nhiều giải pháp: Hỗ chí phí học tập online, cước truy cập Internet, tiền mua giáo trình, học bổng tài năng, hỗ trợ tân sinh viên, thắp sáng ước mơ… Việc hỗ trợ có thể không triệt để 100% nhưng nhà trường tin tưởng sự đồng hành của mình sẽ giúp sinh viên yên tâm trong việc học tập” - PGS.TS Trần Hoàng Hải nói.