Động viên từng việc làm cụ thể
Thầy Đỗ Đức Anh, giáo viên Ngữ văn Trường THPT Bùi Thị Xuân (Quận 1, TPHCM) chia sẻ: Để thực hiện các dự án dạy học trong hoạt động Học văn từ cuộc sống, nếu chỉ có sự nỗ lực của giáo viên rất khó đạt hiệu quả cao. Vì thế khi triển khai dự án, lãnh đạo nhà trường đã tạo mọi điều kiện cho chúng tôi thực hiện 3 mùa liên tiếp.
Phụ huynh trường cũng vào cuộc, hỗ trợ về mặt tinh thần và một phần kinh phí cho dự án. Thầy Đức Anh cho biết: Để hoàn thành các sản phẩm, ví dụ như 12 thước phim về “Sài Gòn - những góc nhìn trẻ”, học sinh phải di chuyển đến một số địa điểm ở TP, mua trang thiết bị và được phụ huynh luôn sẵn sàng hỗ trợ. Với dự án “Có thư ngoài bậu cửa”, phụ huynh cũng sẵn sàng tham gia trong buổi ra mắt sách, giao lưu hay mua sách ủng hộ…
Không chỉ hỗ trợ trực tiếp các dự án đổi mới dạy học, tổ chức công đoàn và tổ chức xã hội khác cũng dành nhiều sự quan tâm đời sống giáo viên vùng sâu, vùng xa, giáo viên có hoàn cảnh khó khăn. Đồng hành cùng các nhà giáo trong đổi mới dạy học trong đợt dịch Covid-19 vừa qua, công đoàn ngành GD TPHCM đã tổ chức trao quà cho các thầy cô gặp khó khăn do giảm thu nhập.
Bên cạnh đó, Công đoàn còn tạo điều kiện để thầy cô được vay vốn từ tổ chức Tài chính Vi mô CEP và Quỹ phát triển nhà ở thành phố. Tính đến tháng 4, Công đoàn ngành Giáo dục TPHCM và công đoàn các cấp đã phối hợp cùng tổ chức Tài chính Vi mô CEP xét duyệt 509 hồ sơ vay vốn với tổng số tiền hơn 24 tỷ đồng. Tùy theo nhu cầu, công đoàn viên có thể vay 10 - 50 triệu đồng cho một hồ sơ.
Cùng với việc tặng quà, tạo điều kiện cho giáo viên vay vốn, công đoàn ngành GD thành phố và công đoàn cơ sở tại các đơn vị trường học trực thuộc còn phối hợp cùng Quỹ phát triển nhà ở thành phố xét duyệt 57 hồ sơ vay vốn ưu đãi tạo lập nhà ở cho người có thu nhập thấp với tổng số gần 51 tỷ đồng.
Ở Hậu Giang, Công đoàn ngành Giáo dục tỉnh đã trao học bổng “Tấm lòng vàng” cho con cán bộ, nhà giáo, người lao động hoàn cảnh khó khăn học giỏi; tặng quà cho cán bộ, nhà giáo và người lao động có hoàn cảnh khó khăn nhân dịp Tết Nguyên đán; xây dựng quỹ “Tương trợ” nhằm giải quyết cho cán bộ, nhà giáo, người lao động khó khăn, ốm đau, tang chế với số tiền hàng tỷ đồng…
Tiếp sức cho nhà giáo
Để nhà giáo hoàn cảnh khó khăn có nơi an cư, yên tâm dạy học, nhiều địa phương đã chung tay xây tặng Mái ấm công đoàn. Bằng sự sẻ chia và đồng lòng, Mái ấm công đoàn góp phần tạo dựng niềm tin, giúp đội ngũ yên tâm công tác, thi đua đổi mới dạy học.
Từ khi được nhận ngôi nhà mới, gia đình thầy Tạ Văn Học, giáo viên Trường THPT Phú Điền (huyện Tháp Mười, Đồng Tháp) luôn rộn ràng tiếng cười. Hoàn cảnh gia đình của thầy Học rất khó khăn, thu nhập chỉ nhờ vào đồng lương hàng tháng của hai vợ chồng. Do nhà xa, con nhỏ nên gia đình thầy Học xin ở lại nhà tập thể của trường để giảm bớt chi tiêu hàng tháng. Đã nhiều năm tiết kiệm mà thầy vẫn chưa thể xây dựng được nhà kiên cố. Nhờ sự hỗ trợ từ chương trình Mái ấm công đoàn cùng với nguồn tài chính huy động của gia đình, người thân, thầy Học đã hoàn thành được ngôi nhà mong ước.
“Gia đình tôi rất vui khi được thụ hưởng nguồn kinh phí từ chương trình Mái ấm công đoàn. Không riêng tôi mà còn nhiều giáo viên khác được chương trình Mái ấm công đoàn giúp đỡ, hỗ trợ nhằm vơi bớt đi những nhọc nhằn, lo toan trong cuộc sống. Chương trình thực sự trở thành người bạn đồng hành, góp phần tạo dựng niềm tin, hiện thực hóa ước mơ an cư, lạc nghiệp của người lao động có hoàn cảnh khó khăn”, thầy Học chia sẻ.
Là giáo viên được xây tặng nhà Mái ấm công đoàn, cô Nguyễn Anh Đào, Trường THPT Tháp Mười (huyện Tháp Mười, Đồng Tháp) nay đã an cư, lạc nghiệp. Kể về ngôi nhà của mình, cô không giấu được niềm vui: “Công tác hơn 20 năm trong ngành, được nhận Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp giáo dục nhưng gia đình vẫn chưa đủ tiền để xây nhà. Nhờ sự hỗ trợ của chương trình Mái ấm công đoàn, tôi được xây tặng nhà vào cuối năm 2017. Có chỗ ở mới tươm tất, điều kiện sinh hoạt tốt là tiền đề để tôi cố gắng phấn đấu, ra sức học tập, rèn luyện, góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao...”.
Tại Hậu Giang, mỗi “Mái ấm công đoàn” do Công đoàn ngành Giáo dục tỉnh tặng sẽ được hỗ trợ 30 triệu đồng. Theo bà Trịnh Thị Ngọc Lệ, Phó Chủ tịch Công đoàn ngành Giáo dục Hậu Giang, vì lợi ích đoàn viên, Công đoàn ngành Giáo dục tỉnh đã thực hiện tốt các nhiệm vụ chăm lo đời sống, đại diện bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đội ngũ. Hoạt động này góp phần nâng cao tinh thần tương thân tương ái, tương trợ lẫn nhau trong đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên của ngành, giúp các thầy cô giáo an tâm công tác, thi đua dạy tốt học tốt.