Hội thảo có sự tham dự của đại diện các cục, vụ chức năng của Bộ GD&ĐT; đại học, trường đại học, cao đẳng trên cả nước. Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc chủ trì Hội thảo.
Phát biểu chỉ đạo Hội thảo, Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc chỉ rõ: Nghị quyết đại hội Đảng lần thứ XIII và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030 nêu lên định hướng phát triển giáo dục là: Đẩy nhanh thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện và nâng cao chất lượng GD&ĐT, trọng tâm là hiện đại hoá và thay đổi phương thức GD&ĐT, nhất là giáo dục đại học; phát triển nguồn nhân lực, GD-ĐT đáp ứng yêu cầu nhân lực chất lượng cao của công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
Giáo dục đại học đã đạt được kết quả bước đầu. Để đạt mục tiêu chất lượng nguồn nhân lực cao đáp ứng yêu cầu phát triển, chiến lược giáo dục cần xây dựng nội dung sao cho có đóng góp chính sách, đề xuất mang tính đột phá trong giai đoạn tới. Các trường từ thực tiễn hoạt động những năm qua, kinh nghiệm quốc tế, đề xuất ý tưởng mang tính đột phá.
Chiến lược khung, tuy nhiên cần có đề xuất định hướng, xác định mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp để cụ thể hóa các chủ trương, định hướng phát triển GD&ĐT của Đảng, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021- 2030 của đất nước.
GS.TS Lê Anh Vinh – Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, trình bày tổng thế mục tiêu phát triển GD đến năm 2030. Theo đó mục tiêu tổng quát là phát triển toàn diện con người Việt Nam, phát huy tối đa tiềm năng, khả năng sáng tạo của mỗi cá nhân, làm nền tảng cho mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, đất nước phồn vinh và hạnh phúc. Xây dựng hệ thống Giáo dục mở, phục vụ học tập suốt đời, công bằng và bình đẳng, theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, dân chủ hóa, xã hội hóa và hội nhập quốc tế.
Mục tiêu cụ tể về từng lĩnh vực GD mầm nonđạt chất lượng chăm sóc, giáo dục được nâng cao, đảm bảo cho trẻ em có được nền tảng ban đầu của những phẩm chất và kỹ năng sống cơ bản; củng cố và nâng cao chất lượng phổ cập GD Mầm non cho trẻ em 5 tuổi; GD phổ thông, chất lượng giáo dục toàn diện được nâng cao, đặc biệt chú trọng giáo dục lý tưởng, truyền thống, đạo đức, lối sống, ngoại ngữ, tin học, năng lực và kỹ năng thực hành, vận dụng kiến thức vào thực tiễn.
Xây dựng hệ thống giáo dục đại học hiện đại, đại chúng, có tính chất mở và khả năng thích ứng và quốc tế hóa cao. Đến năm 2030 tỷ lệ sinh viên đại học/ 1 vạn dân đạt 230, tỷ lệ sinh viên đại học trong nhóm độ tuổi 18-24 đạt 33%, tỉ lệ sinh viên quốc tế theo học các chương trình GD Đại học Việt Nam đạt 1,7%; tỷ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ ít nhất là 37%. Phát triển hệ thống giáo dục thường xuyên mở, liên thông, đại chúng, nhân rộng các mô hình học tập suốt đời, làm cơ sở để xây dựng xã hội học tập.
Báo cáo của GS.TS Lê Anh Vinh cũng đưa ra các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện với các nội dung: Hoàn thiện thể chế; Đổi mới công tác quản lý giáo dục; Thực hiện công bằng trong tiếp cận giáo dục; Phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục đáp ứng nhu cầu học tập của người dân; Đổi mới chương trình, nội dung, phương pháp và nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện; Phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục; Bảo đảm nguồn lực tài chính và cơ sở vật chất cho phát triển giáo dục; Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ và tăng cường chuyển đổi số trong giáo dục; Thúc đẩy nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo, ứng dụng chuyển giao gắn liền với đào tạo; Tăng cường hội nhập quốc tế.
Tham luận tại Hội thảo, với tinh thần trách nhiệm cao, đại diện Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Thái Nguyên, Đại học Huế, Đại học Đà Nẵng; Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh, Trường ĐH Kinh tế TP Hồ Chí Minh, Trường ĐH Nam Cần Thơ, Trường Đại học Y Hà Nội… phân tích các nội dung trong dự thảo, từ thực tế giáo dục đưa ra những đối chiếu, kiến nghị một số thay đổi, bổ sung những nội dung từ giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông đến giáo dục đại học. Các ý kiến đặc biệt nhấn mạnh việc thể chế hóa giáo dục, phát huy nội lực, giải phóng tiềm năng phát triển giáo dục, tạo những đột phá mang tầm chiến lược.