Cùng với khuyến cáo phòng ngừa, các ngành chức năng cho rằng việc phổ cập bơi là cấp thiết - chìa khóa phòng, chống đuối nước cho học sinh.
Nhằm phòng ngừa đuối nước cho trẻ em, nhiều trường học trên địa bàn tỉnh Bắc Giang triển khai mở, khai giảng các lớp dạy bơi cho học sinh tiểu học.
Có mặt tại lớp dạy bơi miễn phí ở Trường Tiểu học Tân Hưng (huyện Lạng Giang, Bắc Giang), cô Nguyễn Thị Thu - Hiệu trưởng nhà trường cho biết, lớp được tổ chức với mong muốn tạo cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn được tiếp cận môn bơi với những hoạt động vui chơi bổ ích vào dịp hè.
Đồng thời, rèn luyện kĩ năng, trang bị cho các em học sinh những kiến thức cơ bản về bơi lội, hạn chế tình trạng đuối nước thường gặp đối với trẻ em.
“Trường Tiểu học Tân Hưng phấn đấu học sinh hoàn thành chương trình tiểu học cũng hoàn thành phổ cập bơi. Phấn đấu học sinh hoàn thành chương trình tiểu học là biết bơi...”, cô Thu thông tin.
Nói về phòng, chống đuối nước cho học sinh ở cơ sở, ông Vũ Thanh Hải - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Lục Nam (Bắc Giang) cho biết, ngành Giáo dục Lục Nam phấn đấu học sinh hoàn thành chương trình tiểu học cũng hoàn thành phổ cập bơi.
“Dưới sự hướng dẫn của Sở GD&ĐT về công tác phòng chống đuối nước, tại các điểm trường tiểu học trên địa bàn đều có bể bơi di động. Ngành Giáo dục Lục Nam phấn đấu 70% học sinh lớp 3 và lớp 4 là biết bơi và 100% học sinh hoàn thành chương trình tiểu học là biết bơi...”, ông Hải thông tin.
Trưởng phòng GD&ĐT huyện Lục Nam cũng cho biết, từ cuối tháng 4 đầu tháng 5/2022, tất cả 63 trường tiểu học, THCS trên địa bàn đã khởi động lại lớp bơi. Trong đó, các trường tiểu học tổ chức các lớp dạy bơi, còn trường THCS rèn học sinh để có thể tham gia các cuộc thi bơi cấp trường, huyện và tỉnh.
“Sở GD&ĐT Bắc Giang vừa cử đoàn học sinh Lục Nam với 8 em tham dự giải bơi toàn quốc tại Đà Nẵng tới đây…”, ông Hải phấn khởi chia sẻ.
Theo Sở GD&ĐT Bắc Giang, địa phương đặt mục tiêu đến năm 2030, 100% trẻ em, học sinh biết các quy định về an toàn giao thông, kỹ năng an toàn trong môi trường nước.
Ngoài ra, sử dụng áo phao, cặp phao, dụng cụ nổi cứu sinh cá nhân khi tham gia giao thông trên phương tiện thủy nội địa. Bên cạnh đó, 100% nhân viên y tế trường học biết các kỹ thuật sơ cứu, cấp cứu ban đầu cho trẻ em, học sinh bị tai nạn thương tích (TNTT) ở trường.
Đồng thời, 100% các cơ sở giáo dục triển khai hướng dẫn, tư vấn, giáo dục kỹ năng phòng, chống TNTT, bơi lặn an toàn và an toàn trong môi trường nước cho trẻ em, học sinh và 100% trường học đạt tiêu chuẩn “trường học an toàn”.