Đồng bào Mông ở miền Tây xứ Nghệ: Khi con trâu vẫn là… đầu cơ nghiệp

GD&TĐ - Nhờ tận dụng được lợi thế về khí hậu, địa hình và nguồn thức ăn dồi dào, mô hình chăn nuôi đại gia súc đang là hướng đi đúng, giúp đồng bào dân tộc Mông ở miền Tây Nghệ An xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống.

“Điểm sáng” xóa đói, giảm nghèo

Cách thành phố Vinh (Nghệ An) gần 300km về phía Tây Bắc, Kỳ Sơn là huyện miền núi biên giới khó khăn nhất của tỉnh Nghệ An. Mặc dù, điều kiện tự nhiên khắc nghiệt nhưng nhờ nắm bắt được lợi thế về khí hậu và đất đai rộng lớn, người dân địa phương đã đẩy mạnh chăn nuôi trâu, bò phát triển kinh tế.

Từ chăn nuôi nhỏ lẻ, người dân đã biết đầu tư chăn nuôi theo hướng gia trại. Gia đình nuôi ít thì từ 5 - 10 con trâu bò, nhà nhiều có thể lên tới 40 - 50 con. Thay vì thả rông gia súc vào rừng, người dân dần tiến tới khoanh nuôi trong trang trại, trồng các loại cỏ voi, cỏ sữa, ngô… để bổ sung nguồn thức ăn.

Trong những năm qua, UBND huyện Kỳ Sơn cũng đã có nhiều cơ chế chính sách, đẩy mạnh tuyên truyền vận động người dân chuyển đổi hình thức chăn nuôi trâu, bò từ chăn thả tự do sang bán chăn thả hoặc nuôi nhốt cho phù hợp với điều kiện sản xuất.

Tại xã Huồi Tụ, huyện Kỳ Sơn nơi có đến 95% dân số là đồng bào dân tộc Mông, nghề chăn nuôi đại gia súc đã có truyền thống từ lâu đời. Với việc diện tích các khu vực bãi chăn thả ngày một thu hẹp, người dân địa phương đã thay đổi phương thức chăn nuôi.

Đang cho đàn trâu bò ăn cỏ trên sườn đồi, ông Vừ Nhìa Lầu (SN 1936, trú bản Trung Tâm, xã Huồi Tụ) cho biết, trước đây người dân địa phương thường trồng cây thuốc phiện nhưng từ khi Nhà nước có lệnh cấm, bà con đã bắt đầu chuyển đổi sang nuôi trâu bò và trồng các loại cây khác.

Theo ông Lầu, đầu năm là thời điểm ông mua trâu bò con về chăm sóc và nuôi dưỡng, đến cuối năm hoặc lúc nào cần tiền thì có thể xuất bán một vài con. Tính trung bình mỗi năm, đàn trâu bò cho lãi từ 80 - 100 triệu đồng, đủ để gia đình ông Lầu trang trải cuộc sống và mua thuốc thang những khi ốm đau.

“Hiện nay, tôi đang nuôi 15 con bò và 2 con trâu. Khu vực quả đồi chăn thả này rộng hơn 2ha, tôi thuê đất rồi rào lại cho trâu bò ăn cỏ. Ban ngày, đàn bò được thả rông để chúng tự do đi ăn, tối đến tôi lại lùa vào chuồng và bổ sung thêm một số thức ăn như cỏ voi, ngô, cám… So với ngày xưa trồng cây thuốc phiện thì chăn nuôi trâu bò có lãi và ổn định hơn nhiều”, ông Lầu vui vẻ nói.

Nhờ chính quyền địa phương tích cực tuyên truyền và động viên người dân tiêm thuốc thú y, phòng chống các loại bệnh nên đàn trâu bò của gia đình ông Lầu và người dân trong xã rất ít khi mắc bệnh, tránh được rủi ro trong quá trình chăn nuôi. Cũng nhờ đó mà bà con người Mông ở xã Huồi Tụ không còn ai trồng cây thuốc phiện nữa mà chăm lo chăn nuôi, làm nông nghiệp.

Ông Hạ Bá Lỳ - Phó Chủ tịch UBND xã Huồi Tụ - cho biết, ở địa phương hầu như gia đình nào cũng tham gia chăn nuôi, nhờ đó toàn xã có tổng đàn hơn 3.500 con trâu bò. Bên cạnh việc chăn thả tự do trong rừng hay khoanh nuôi ở các trang trại, người dân còn chủ động nguồn thức ăn bằng cách dành một diện tích đất để trồng cỏ voi, cây ngô… bổ sung thức ăn cho gia súc vào những ngày mưa hay vào mùa đông.

“Hiện nay, điều kiện diện tích bãi chăn thả ở địa phương dù bị thu hẹp nhưng so với các địa phương khác thì vẫn còn khá lớn, trong khi người dân đã có kinh nghiệm trong việc chăn nuôi trâu bò nên chính quyền xã Huồi Tụ đã xác định chăn nuôi đại gia súc là ngành kinh tế chủ yếu của địa phương”, ông Hạ Bá Lỳ chia sẻ về tình hình chăn nuôi tại địa phương..

Ông Vừ Nhìa Lầu bên đàn trâu bò của gia đình mình.
Ông Vừ Nhìa Lầu bên đàn trâu bò của gia đình mình.

Nâng cao hiệu quả chăn nuôi

Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y Nghệ An, toàn tỉnh hiện có tổng đàn gia súc lớn, hệ thống các loại vật nuôi rất đa dạng. Đến đầu năm 2022, tổng đàn trâu, bò ước đạt 778.000 con, đàn lợn 1.000.000 con. Tổng sản lượng thịt hơi xuất chuồng ước đạt 270.000 tấn, sản lượng sữa bò tươi 250.000 tấn.

Mục tiêu đến năm 2030, tổng sản lượng thịt hơi xuất chuồng đạt 412.000 tấn; sản lượng sữa tươi đạt 350.000 tấn; tỷ trọng thịt gia súc, gia cầm được chế biến so với tổng sản lượng thịt đạt 30 - 35%; giá trị xuất khẩu sản phẩm đạt 35 triệu USD.

Anh Lô Văn Cáng (SN 1979, trú bản Cũ, xã Chiêu Lưu, huyện Kỳ Sơn) cho biết, gia đình anh hiện đang chăn nuôi 10 con bò và 11 con dê. Đầu năm gia đình anh mua con giống về nuôi, vỗ béo; đến cuối năm bán đi cũng cho thu nhập trung bình hơn 100 triệu đồng. Nhờ số tiền này mà gia đình anh Cáng có thể trang trải cuộc sống và có tiền cho con cái ăn học.

Theo người đàn ông này, trước đây, trâu bò chủ yếu được mang vào rừng thả rông, nguồn thức ăn chủ yếu từ tự nhiên nên về mùa đông trâu bò thường thiếu thức ăn hay mắc bệnh và chết rét. Tuy nhiên, những năm gần đây nhờ sự tuyên truyền của chính quyền địa phương mà người dân đã thay đổi phương thức sản xuất. Trâu bò được người dân nuôi bằng nhiều hình thức khác nhau.

“Gia đình nào có đất rộng thì chăn nuôi theo kiểu trang trại, bán chăn thả còn những gia đình không có đất chăn thả thì trồng cỏ voi, cỏ sữa để chủ động nguồn thức ăn phục vụ nuôi nhốt, nuôi vỗ béo. Chăn nuôi trâu bò đã trở thành nguồn thu nhập chính của bà con”, anh Cáng nói thêm.

Ông Thò Bá Rê - Phó Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn - cho biết, trong những năm vừa qua, đàn trâu bò của huyện liên tục gia tăng về số lượng. Đến nay, tổng đàn trâu, bò toàn huyện đạt hơn 50.000 con. Chăn nuôi đại gia súc đã trở thành “điểm sáng” trong công cuộc xóa đói giảm nghèo của địa phương

Hiện nay, bên cạnh việc chăn thả tự do, người dân còn có nhiều hình thức chăn nuôi khác như: Nuôi nhốt, chăn nuôi vỗ béo rồi xuất bán, nhờ đó hiệu quả kinh tế ngày càng cao.

UBND huyện Kỳ Sơn xác định, chăn nuôi đại gia súc là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của huyện nên đã có nhiều chính sách nhằm hỗ trợ người dân địa phương phát triển đàn gia súc cũng như tìm đầu ra. Để nâng cao giá trị sản phẩm, chính quyền địa phương đang xúc tiến làm các sản phẩm OCOP như thịt lợn giàng, bò giàng… Qua đó, góp phần tăng thu nhập cho người chăn nuôi.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ