Đại diện BHXH Việt Nam cũng cho biết thêm, thời gian tới sẽ thanh tra các doanh nghiệp nợ đọng BHXH từ 3 tháng trở lên và nếu doanh nghiệp cố tình chây ỳ, nợ kéo dài sẽ đề nghị xử lý hình sự…
5 tháng đầu năm thu 121.100 tỷ đồng
Theo báo cáo của BHXH Việt Nam, tính riêng tháng 5 năm 2018, toàn ngành đã thu đạt 24.352 tỷ đồng. Như vậy, lũy kế 5 tháng đầu năm 2018 toàn ngành BHXH đã thu đạt 121.100 tỷ đồng, bằng 36,7% kế hoạch của cả năm 2018. Trong đó, thu BHXH là 83.615 tỷ đồng, thu BHYT là 31.852 tỷ đồng, thu bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) là 5.631 tỷ đồng.
Cũng 5 tháng đầu năm, ngành BHXH đã giải quyết 10.125 hồ sơ hưởng lương hưu và trợ cấp BHXH hàng tháng; giải quyết 3.954.791 người hưởng chế độ thai sản, ốm đau, phục hồi sức khỏe; giải quyết hưởng chế độ trợ cấp 1 lần 296.916 người.
Ngoài ra, BHXH Việt Nam cũng đã phối hợp với Bộ LĐ-TB&XH hỗ trợ kinh phí học nghề cho 2.797 người, đồng thời cũng đã giải quyết chế độ trợ cấp thất nghiệp cho 72.164 người. Như vậy, tính chung 5 tháng qua, BHXH Việt Nam đã hỗ trợ kinh phí học nghề cho 11.528 người, giải quyết chế độ trợ cấp thất nghiệp 205.894 người...
Liên quan đến vấn đề giải quyết nợ đọng của ngành bảo hiểm thời gian qua, đại diện BHXH Việt Nam cho biết, tuy toàn ngành đã quyết liệt triển khai nhiều biện pháp trong công tác thu hồi, nhưng tình trạng nợ đọng vẫn còn.
Tính chung 5 tháng đầu năm 2018, tổng số tiền các doanh nghiệp nợ lên tới hơn 10.000 tỷ đồng, chiếm gần 5% số phải thu (so với cùng kỳ năm 2017, số nợ đọng bảo hiểm chiếm 6%). Để giải quyết tình trạng nợ đọng trên, thời gian qua BHXH đã quyết liệt thanh tra các doanh nghiệp nợ từ 3 tháng trở lên. Sau khi thanh tra các doanh nghiệp đã khắc phục tương đối tốt số nợ và một số khác đã có lộ trình để trả nợ rõ ràng.
Xử lý hình sự doanh nghiệp cố tình chây ỳ
Nói về tình trạng nhiều doanh nghiệp cố tình chây ỳ nợ đọng bảo hiểm, đại diện BHXH Việt Nam cho rằng, công cụ hữu hiệu nhất để giải quyết vấn đề này chính là kiện các doanh nghiệp lên tòa án và yêu cầu cơ quan này xử lý hình sự.
Tuy nhiên, đại diện BHXH cũng cho rằng, hình thức này không thể sử dụng liên tục. Bởi nếu cứ nợ là xử lý hình sự, chủ doanh nghiệp bị bắt cũng đồng nghĩa với việc doanh nghiệp đó sẽ phải đóng cửa, khi đó người lao động sẽ bị mất việc làm và chắc chắn BHXH cũng không thể thu hồi được số tiền nợ đọng.
Do đó, chủ trương của BHXH Việt Nam là chỉ tiến hành thanh, kiểm tra thường xuyên, nếu doanh nghiệp cố tình chây ỳ, đặc biệt là những doanh nghiệp làm ăn có lãi nhưng vẫn cố tình nợ thì sẽ kiện lên tòa án để khởi tố hình sự.
Về phương hướng trong thời gian tới, đại diện BHXH Việt Nam cho biết, Ban chấp hành Trung ương khóa XII vừa ban hành Nghị quyết số 28 - NQ/TW về cải cách chính sách BHXH. Trong đó, tất cả các nội dung cải cách cách được nêu trong Nghị quyết sẽ được ngành tập trung thực hiện trong thời gian và tất cả những cải cách đó đều hướng tới mục tiêu an sinh xã hội lâu dài và bền vững.
Ngoài ra, BHXH Việt Nam cũng sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ LĐ-TB&XH hoàn thiện báo cáo về tình hình thực hiện chính sách, chế độ BHXH, quản lý và sử dụng quỹ BHXH năm 2017 của Chính phủ trình Quốc hội. Đồng thời, phối hợp với các bộ, ngành hoàn thành việc thực hiện dự thảo các văn bản quy định, hướng dẫn thực hiện chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN nhằm mang lại lợi ích thiết thực và lâu dài cho số đông người lao động và người dân.