Đồng bằng sông Cửu Long: Hạn, mặn đã đến đỉnh điểm

GD&TĐ - Dù chỉ mới vào trung tuần tháng 2 nhưng tình trạng hạn, mặn ở ĐBSCL đã đến đỉnh điểm và gây nhiều thiệt hại cho nông nghiệp. 

Dù chỉ mới vào trung tuần tháng 2 nhưng tình trạng hạn, mặn ở ĐBSCL đã đến đỉnh điểm, gây nhiều thiệt hại cho nông nghiệp.
Dù chỉ mới vào trung tuần tháng 2 nhưng tình trạng hạn, mặn ở ĐBSCL đã đến đỉnh điểm, gây nhiều thiệt hại cho nông nghiệp.

Theo các nhà khoa học cảnh báo, đợt hạn mặn lần này là thiên tai đặc biệt nghiêm trọng, gần 100 năm qua mới có một lần với những diễn biến rất phức tạp…

Hạn, mặn đến sớm

Đây là thông tin được đưa ra tại Hội nghị “Phòng chống hạn, xâm nhập mặn các tỉnh ĐBSCL” do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa tổ chức tại TP Cần Thơ. Con số thống kê cho thấy, mặc dù chỉ mới bước vào mùa khô nhưng tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn ở ĐBSCL đã đến đỉnh điểm, gây ảnh hưởng cực kỳ nghiêm trọng, làm cho nông dân trong vùng bị thiệt hại hơn 1000 tỉ đồng.

Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, năm 2015, do ảnh hưởng của hiện tượng El-Nino, nên mùa mưa đến trễ nhưng lại kết thúc sớm. Tổng lượng mưa trên lưu vực sông Mekong thiếu hụt so với trung bình nhiều năm từ 20 - 50%. Do đó, mùa lũ 2015 thuộc lũ nhỏ, dẫn đến dòng chảy chuyển tiếp từ đầu mùa khô từ thượng lưu sông Mekong chảy về ĐBSCL đang xuống ở mức thấp nhất trong lịch sử.

Dự báo hạn hán và xâm nhập mặn sẽ còn hết sức nghiêm trọng, gây ảnh hưởng nặng nề đến sản xuất và sinh hoạt của người dân.

Hiện nay, ở các tỉnh ven biển ĐBSCL mặn đã xâm nhập nghiêm trọng từ hai hướng biển Đông và biển Tây. Mặn xâm nhập gần như toàn bộ các tỉnh Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau. Các tỉnh khác nước mặn cũng đã vào gần 1/2 diện tích các tỉnh Kiên Giang, một phần phía Đông tỉnh Tiền Giang và một phần tỉnh Long An. Riêng tỉnh Bến Tre đã công bố tình trạng thiên tai xâm nhập mặn.

Nói về thiệt hại do hạn hán và xâm nhập mặn gây ra, ông Nguyễn Tiến Hải, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, cho biết: Tình trạng xâm nhập mặn hiện đang diễn ra trên toàn bộ địa bàn tỉnh, gây ra những ảnh hưởng không nhỏ. Hiện trà lúa trên đất nuôi tôm đã có 18.000 ha bị thiệt hại; lúa đông xuân là 10.400 ha (trong đó có 1.200 ha bị thiệt hại trên 70%).

Tại tỉnh Hậu Giang, theo ông Trần Công Chánh - Bí thư Tỉnh ủy, xâm nhập mặn đã ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất nông nghiệp. Năm nay nước mặn từ biển Đông và biển Tây lấn sâu vào địa phận Hậu Giang.

Từ trước đến nay ở thị xã Ngã Bảy, huyện Phụng Hiệp nước ngọt quanh năm vậy mà trong những ngày giáp tết vừa qua mặn xâm nhập đo được từ 2 - 3 phần ngàn, gây thiệt hại hơn 50% diện tích vườn cây ăn trái và vùng trồng mía. Có nơi độ mặn lên cao nhất 5 - 8 phần ngàn...

Tại Kiên Giang, ông Mai Anh Nhịn - Phó Chủ tịch UBND tỉnh - cho rằng: Đây là đợt hạn mặn lớn nhất trong cuộc đời ông từng biết đến. Dù tỉnh đã chỉ đạo, triển khai quyết liệt nhiều giải pháp như đắp 82 đập ngăn mặn với kinh phí gần 20 tỉ đồng, nạo vét hệ thống kênh mương… nhưng đến nay đã có 34.000 ha lúa bị thiệt hại.

Theo thống kê của Bộ NN&PTNT, diện tích lúa đông xuân toàn vùng ĐBSCL là 1.550.000 ha. Trong đó diện tích gieo trồng của 8 tỉnh ven biển (Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Kiên Giang, Hậu Giang) là 971.000 ha, chiếm 62,12% diện tích lúa toàn vùng.

Dự báo sẽ có 339.234 ha lúa của vùng ven biển bị ảnh hưởng bởi hạn, mặn (chiếm 35,5% diện tích lúa vùng ven biển và 21,9% diện tích lúa toàn vùng ĐBSCL). Hiện đã có 104.000 ha bị ảnh hưởng nặng. Qua số liệu thiệt hại lúa đông xuân ở một số tỉnh ĐBSCL, đã có hơn 1.000 tỉ đồng của nông dân bị mất trắng!

Theo các nhà khoa học, tình hình biến đổi khí hậu sẽ còn nghiêm trọng, gay gắt, thường xuyên hơn
Theo các nhà khoa học, tình hình biến đổi khí hậu sẽ còn nghiêm trọng, gay gắt, thường xuyên hơn  

Cần giải pháp bền vững

Theo các nhà khoa học và các đại biểu tại hội nghị, trong tương lai, các tình huống thiên tai, biến đổi khí hậu dự báo sẽ còn nghiêm trọng, gay gắt, thường xuyên hơn; do đó cần tìm giải pháp đối phó lâu dài. Trước mắt, cần tập trung nguồn lực bảo vệ vụ lúa đông xuân 2015 - 2016, bảo vệ vườn cây ăn trái, vùng nuôi thủy sản, đặc biệt đảm bảo cung cấp đủ nước sinh hoạt cho người dân.

Ông Trần Công Chánh - Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang - đề xuất: Trước hết phải đảm bảo nước sinh hoạt cho người dân và hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do hạn mặn gây ra. Hiện nay tỉnh đã đẩy mạnh tuyên truyền, cảnh báo và thông tin đến người dân về tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn, theo dõi thường xuyên, vận động người dân tích trữ nước tưới tiêu và tiết kiệm nước trong sinh hoạt.

Về lâu dài, cần có giải pháp phi công trình do địa phương chủ động, còn giải pháp công trình rất cần được sự hỗ trợ tích cực từ Trung ương...

Đối với tỉnh Cà Mau, ông Nguyễn Tiến Hải, Chủ tịch UBND tỉnh, cho hay: Tỉnh cũng kiến nghị giải pháp, vừa qua, tỉnh đã lập dự án nạo vét các kênh rừng U Minh Hạ và hồ chứa nước ngọt theo quy hoạch. Nhưng khi báo cáo về các bộ, ngành Trung ương thì kinh phí hỗ trợ lại rất thấp và rất chậm. “Chúng ta có thể cảm thông chuyện thiếu kinh phí, nhưng công trình nào khi làm thì phải làm cho tốt công trình đó, đừng để triển khai nửa vời kém hiệu quả…”.

Theo kiến nghị của Bộ NN&PTNT, để giảm thiểu tác động hạn hán và xâm nhập mặn nói riêng và biến đổi khí hậu nói chung, cần phải có sự chung tay vào cuộc của các ngành, các cấp, chứ không thể xem đây là việc riêng của ngành nông nghiệp.

Bộ khuyến cáo việc thu hoạch lúa đông xuân rồi tiếp tục gieo sạ lúa hè thu như hiện nay là không an toàn, vì sẽ trùng với thời điểm hạn mặn diễn ra gay gắt.

Bên cạnh đó cần nâng cao và cụ thể hóa các dự báo hạn hán, xâm nhập mặn đến từng huyện, từng xã, triển khai các kế hoạch cụ thể phù hợp với từng địa phương; phải thường xuyên theo dõi, thông báo để người dân nắm rõ về diễn biến của hạn mặn để có những giải pháp phù hợp cho sản xuất và đời sống. Đặc biệt phải có các giải pháp mang tính tầm nhìn tương lai, đảm bảo sự phát triển bền vững cho vùng ĐBSCL...

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ