Đón tàu Westerdam, Campuchia có đối mặt với nguy cơ bùng phát COVID-19

Đón tàu Westerdam, Campuchia có đối mặt với nguy cơ bùng phát COVID-19

Trấn an dư luận

Bộ Y tế Campuchia hôm qua 17/2 đã thẳng thừng bác bỏ những tin đồn trên mạng xã hội nói rằng, Thủ tướng Hunsen bị nhiễm COVID-19.

Theo tờ Khmer Times của Campuchia, tài khoản Facebook tên Neang Sokhun đăng dòng trạng thái viết rằng, một quan chức đảng CPP nói ông Hun Sen nhiễm virus Corona chủng mới sau khi ông chào hỏi bắt tay một phụ nữ người Mỹ 83 tuổi đến Campuchia trên tàu Westerdam và người phụ nữ này sau đó được chính quyền Malaysia khẳng định dương tính với COVID-19.

Người phát ngôn Bộ Y tế Campuchia Or Vandine khẳng định: “Đó là tin giả. Chúng tôi đã đề nghị cảnh sát có hành động pháp lý với những người này”.

Bên cạnh đó, ngành y tế Campuchia đã tiến hành xét nghiệm lại mẫu từ 223 khách còn lại trên tàu để đảm bảo rằng, họ không nhiễm virus Corona và có thể bay về nhà. Việc xét nghiệm diễn ra tại Viện Pasteur ở Phnom Penh. Hai chiếc máy bay trực thăng đã hạ cánh trên cầu cảng Sihanoukville sáng sớm 17/2, đưa theo các quan chức y tế Campuchia và đại diện đại sứ quán Mỹ để lấy mẫu thử của hành khách.

Tàu Westerdam khởi hành ở Hồng Kông ngày 1/2 trong chuyến du lịch 14 ngày. Nó ghé vào Cao Hùng, Đài Loan hôm 4/2 nhưng từ đó bắt đầu gặp rắc rối. Với bài học từ một con tàu du lịch khác, tàu 5 sao Diamond Princess đang bị cách ly tại cảng Yokohama của Nhật Bản, hàng loạt cảng trong lịch trình của tàu Westerdam bắt đầu từ chối con tàu.

Đài Bắc thuộc Trung Quốc nói không, các cảng ở Nhật Bản, Philippines, Thái lan và lãnh thổ Guam thuộc Mỹ cũng đều từ chối vì e ngại gieo rắc virus Corona. Sau khi Công ty Holland America khăng khăng rằng, không có ai trên tàu bị nhiễm, Thủ tướng Hun Sen quyết định cho tàu cập cảng hôm 13/2 vì lý do nhân đạo.

Con tàu ở 1.455 hành khách - chủ yếu là khách Mỹ và các nước phương Tây, 802 thuyền viên và đang dần cạn nhu yếu phẩm. Kể từ đó, lần lượt nhiều nhóm du khách đã xuống tàu và bay tới Phnom Penh, hoặc sang Kuala Lumpur rồi lên đường về nước. Còn nhóm hơn 200 khách cuối cùng vẫn ở lại trên tàu cho đến ngày 17/2 bởi chưa có máy bay thuê.

Tại Kuala Lumpur, cuối tuần trước, nhà chức trách nước này phát hiện vợ chồng nữ du khách cao tuổi có những triệu chứng nhiễm và đã đưa họ đi viện. Xét nghiệm khẳng định người phụ nữ dương tính với virus Corona, còn chồng bà lại âm tính nhưng vẫn được nằm viện đến đầu tuần này để điều trị các triệu chứng và theo dõi.

Công ty Holland America Line, nơi sở hữu tàu du lịch Westerdam khẳng định, không có khách nào khác của tàu, dù là còn trên tàu hay đã lên đường về nhà, có các triệu chứng ốm mệt do COVID-19. “Khách nào đã trở về nhà sẽ được cơ quan y tế địa phương họ liên hệ và cung cấp thêm thông tin.

Chúng tôi đang làm việc chặt chẽ với nhà chức trách Malaysia và Campuchia cùng các chuyên gia Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh Mỹ (CDC) và Tổ chức Y tế thế giới (WHO) về vấn đề này” - Tiến sĩ Grant Tarling, quan chức phụ trách y tế của Công ty Holland America Line nói với tờ Khmer Times của Campuchia hôm 17/2.

Rủi ro quy mô lớn

Cho dù công ty ra sức trấn an, nhưng với các quan chức y tế và dư luận thì đây vẫn là câu chuyện dài với nhiều quan ngại. Suốt mấy ngày qua, việc nữ du khách 83 tuổi dương tính với virus Corona đã khiến dư luận rộ lên những tranh cãi về quyết định của ông Hun Sen đón tàu vào cảng và trước đó là việc ông thăm Trung Quốc lúc dịch COVID-19 đang bùng phát.

Phát biểu đầu tháng Hai, ông Hun Sen cứng rắn: “Có người Campuchia nào, hay người nước ngoài nào ở Campuchia đã chết vì bệnh chưa? Căn bệnh thực sự xảy ra ở Campuchia lúc này là bệnh sợ hãi”.

Người ta cho rằng, ông đã “ghi điểm” với cả hai nước lớn là Mỹ và Trung Quốc bằng những quyết định táo bạo, thậm chí đầy liều lĩnh. Hôm 14/2, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã viết trên Twitter cảm ơn Campuchia vì cho tàu Westerdam với 600 du khách Mỹ trên đó cập cảng.

Còn Chủ tịch Tập Cận Bình, sau khi đón tiếp ông Hun Sen tại Bắc Kinh ngày 6/2, đã cảm ơn sự ủng hộ của ông với cuộc chiến chống dịch ở Trung Quốc. “Một người bạn giúp ta lúc hoạn nạn chính là người bạn tốt” - ông Tập nói, và khẳng định sự hỗ trợ của Campuchia có ý nghĩa cốt lõi với tương lai chung của cộng đồng Trung Quốc - Campuchia.

Nhưng liệu ông Hun Sen có gây rủi ro với chính người Campuchia hay không? Các nhóm hành khách xuống tàu ở Sihanoukville đã tiếp xúc với nhiều người Campuchia trên các chuyến xe bus chuyên dụng và ở sân bay.

Dù đến giờ chưa ai có triệu chứng bệnh, theo lời Công ty Holland America Line, nhưng thời gian ủ bệnh đang được cho là 14 ngày và thậm chí có thể lên tới 14 ngày. Đến ngày 17/2, khoảng 1.000 người còn lại trên tàu, gồm 233 hành khách và 747 thuyền viên đã bị ngăn không được ra khỏi tàu.

Các hành khách khác đã trở về ít nhất 3 châu lục và vì thế các chuyên gia vẫn đang cố xác định xem giờ họ đối mặt với vấn đề lớn đến mức nào, và làm sao để ngăn nó không tiếp tục phình ra.

Tờ New York Times dẫn lời Tiến sĩ William Schaffner, Chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Trung tâm Y khoa Đại học Vanderbilt (bang Tennessee, Mỹ), nói: “Chúng tôi dự đoán sẽ có những trục trặc, nhưng tôi phải nói rằng tôi không chờ đợi trục trặc ở mức độ này”. Ông Schaffner cho rằng, với hơn 1.000 khách từ tàu Westerdam đã về nhà, giờ càng khó hơn bao giờ hết để kiềm chế dịch bùng nổ ở các nơi khác ngoài Trung Quốc.

Theo giới chuyên gia, cách tiếp cận tốt nhất để kiềm chế sự lây lan virus từ tàu Westerdam là theo dấu tất cả các hành khách và cách ly họ trong 2 tuần, song việc này không hề dễ. Tiến sĩ Peter Rabinowitz, đồng Giám đốc Trung tâm Chuẩn bị ứng phó đại dịch và an ninh y tế toàn cầu, Đại học Washington, cũng cho rằng việc kiểm soát tình hình khi du khách đã đi khắp toàn cầu là rất khó khăn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Đây là lần thứ hai NHNN hủy đấu thầu vàng miếng.

Tiếp tục huỷ phiên đấu thầu vàng

GD&TĐ - Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) vừa gửi đi thông báo hủy bỏ cuộc đấu thầu vàng miếng ngày 25/4 đến các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp.