Dọn rác trên mạng

GD&TĐ - Bộ trưởng Thông tin Truyền Thông Nguyễn Mạnh Hùng đã dùng cụm từ “dọn rác trên không gian mạng” trong phiên trả lời chất vấn tại Quốc hội hôm 6/6. Với thực tế những vụ việc diễn ra gần đây, chắc chắn việc dọn “rác ảo” này cần làm sớm và nghiêm khắc.

Dọn rác trên mạng

Có lẽ chưa bao giờ “rác ảo” lại hoành hành trong đời sống xã hội nhiều như thời gian qua, bất chấp mọi chuẩn mực đạo đức, mọi hiểu biết lý trí và nhất là khi việc quản lý Nhà nước không nghiêm, không bắt kịp thực tế. Rác ảo nhưng hậu quả tới đời sống xã hội, nhận thức con người là thật. Đúng như Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu: “Đời thực chúng ta thở bằng không khí, không gian mạng thì chúng ta thở bằng tin tức, nội dung. Đời thực chúng ta có hàng nghìn tấn rác, nếu không dọn thì ảnh hưởng đến sức khoẻ. Trong không gian mạng cũng có rác, nếu chúng ta không dọn, nó sẽ ảnh hưởng đến não người”.

Thời gian qua, người ta chứng kiến những giang hồ đời thực trở thành siêu sao trên mạng, những phát ngôn tục tĩu, hành vi phản cảm và vi phạm pháp luật như cờ bạc, đánh người lại được giới trẻ tung hô, chia sẻ, lượng người theo dõi lên tới hàng triệu lượt! Rồi tin tức thất thiệt, xúc phạm đến danh dự, nhân phẩm của một con người cụ thể, việc làm ăn của một doanh nghiệp cụ thể, những thông tin gây hoang mạng xã hội, xáo trộn kinh tế, tài chính lại được người ta chia sẻ một cách hào hứng, không cần kiểm chứng sự thật thế nào! Tin đồn bắt cóc trẻ em, buôn bán nội tạng, hoa quả nhúng hóa chất, thịt lợn nhiễm sán... thậm chí cả những tin như “máy bay rơi ở sân bay Nội Bài” người ta cũng sẵn sàng tung ra và chia sẻ bất chấp sự thật.

Rác trên Internet ngày xưa chỉ là những hình ảnh bạo lực, khiêu dâm, những nội dung đi ngược với thuần phong mỹ tục hay luật pháp, thì bây giờ nó biến tướng dưới vô số định dạng linh hoạt, dễ chia sẻ. Những nội dung liên quan tới mọi khía cạnh đời sống kinh tế - xã hội, được tung ra và lan truyền có ý đồ xấu, nhằm tạo ra những lợi ích cụ thể cho những con người cụ thể. Còn đại đa số những người chia sẻ chỉ coi việc lan truyền đó để cho vui, thỏa mãn sự hiếu kỳ, và vì thế vô tình tiếp tay cho những kẻ có dụng ý xấu.

Phát biểu của Bộ trưởng Thông tin Truyền thông cho thấy nhà chức trách đã nhận thức rõ những thách thức từ rác ảo. Không ít những kẻ gieo rắc rác ảo đã bị xử phạt, bị cảnh báo.

Tuy nhà chức trách đã ra tay nhưng chưa toàn diện và nghiêm minh. Công nghệ cũng đã được ứng dụng khi Bộ Thông tin Truyền thông đã có trung tâm giám sát an toàn không gian mạng quốc gia để đánh giá, phân loại, phân tích thông tin xem đâu là “rác”. Nhưng chắc chắn rác trên mạng phải cần được dọn bằng cách kết hợp các biện pháp chế tài, bằng công nghệ, và bằng việc giáo dục ý thức, trách nhiệm cho các công dân mạng. Luật lệ đã có phải được thực thi đầy đủ.

Bộ Quy tắc ứng xử trên không gian mạng đang được Bộ Thông tin Truyền thông soạn thảo sẽ là một công cụ tốt, và cần được sự ủng hộ của người dân. Chắc chắn điều đó không ảnh hưởng đến tự do ngôn luận, mà cũng giống như Luật Giao thông, mọi người được tự do đi lại, không có va chạm và được an toàn, để rác ảo không gây tổn thương tới trí não, mà cả danh dự, tiền bạc, cuộc sống của mỗi người. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ