Dồn lịch V-League: Chưa phải cách hay giúp HLV Park

Giải vô địch quốc gia mùa này dự kiến sẽ kết thúc sớm hơn 20 ngày để thầy trò Park Hang-seo có thêm thời gian chuẩn bị cho SEA Games 2019.

Các cầu thủ Việt Nam mừng bàn thắng vào lưới Thái Lan ở vòng loại U23 châu Á vừa qua
Các cầu thủ Việt Nam mừng bàn thắng vào lưới Thái Lan ở vòng loại U23 châu Á vừa qua

Chủ tịch Liên đoàn bóng đá Việt Nam, đồng thời là Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao, Du lịch, Lê Khánh Hải tuyên bố sẽ đáp ứng tối đa yêu cầu của HLV Park Hang-seo vì mục tiêu giành HC vàng SEA Games diễn ra cuối năm ở Philippines. Theo đó, các giải đấu nội địa sẽ được điều chỉnh thời gian thi đấu để U22 Việt Nam có tối thiểu năm tuần tập trung - như mong muốn của nhà cầm quân Hàn Quốc. Nhưng, đó không phải là điều cốt lõi mà ông Park thực sự mong muốn. 

Tại vòng loại U23 châu Á, ông và các học trò chỉ cần hai tuần tập trung để làm nên chiến thắng oanh liệt 4-0 trước Thái Lan, giành vị trí nhất bảng K và tấm vé vào thẳng vòng chung kết. Trong chiến tích đó có công lớn của những trụ cột như Quang Hải, Đình Trọng, Đức Chinh... Một số nhân tố mới như Hoàng Đức, Tấn Sinh đã gây ấn tượng, nhưng mọi chuyện có lẽ sẽ khác nếu không có dàn tuyển thủ quốc gia được "biệt phái" xuống đá ở U23. 

Tuy nhiên, cuối năm nay, do dồn dập các chiến dịch vòng loại World Cup 2022, SEA Games, vòng chung kết U23 châu Á nên những trường hợp "biệt phái" như thế chỉ xảy ra khi vào thi đấu chính thức, chứ không thể yêu cầu họ phải có mặt suốt cả giai đoạn chuẩn bị. Để bảo đảm thành công ở ba mục tiêu cùng lúc, ông Park vì vậy phải có trong tay hai đội hình riêng biệt. Đó là lý do ông cần đến năm tuần lễ cho SEA Games, với mục đích nghe rất... hài hước: dạy lại cho các cầu thủ tất tần tật, từ chiến thuật đến thể lực và cảm giác bóng trên sân. Ông phải tốn công như thế bởi thực trạng các cầu thủ trẻ Việt Nam không được thi đấu nhiều ở cấp CLB.

Theo thống kê của VnExpress, chỉ khoảng 60 cầu thủ sinh năm 1997 trở đi được 14 CLB đăng ký thi đấu ở Wake Up 24/7 V-League 2019. Đây là lứa cầu thủ sẽ đá SEA Games và U23 châu Á đầu năm 2020. Như vậy, tỷ lệ cầu thủ trẻ chiếm chưa đến 15% trong tối đa 420 cầu thủ được đăng ký. Trong số đó, chưa đến 10% được trao cơ hội thi đấu, do hiện nay đa số các đội đều dùng ba ngoại binh trên sân. Đấy chỉ là con số trung bình. Thực tế, có đến 5 CLB tại V-League chỉ sở hữu tối đa 3 cầu thủ U22, trong đó gồm cả những "lò" nổi tiếng như HAGL hay SLNA. Đây là lý do vì sao rất ít cầu thủ của hai đội bóng này được gọi lên đội U23 Việt Nam. Những CLB có nhiều cầu thủ trẻ nhất là Viettel với 13 người, kế tiếp là Hà Nội (11), Đà Nẵng (9)...

Nguyên nhân là không có quy định cụ thể nào về sử dụng cầu thủ trẻ thi đấu ở V-League. Theo điều lệ, 16 tuổi là đã được phép đăng ký, nhưng không bắt buộc các đội phải sử dụng. Cũng theo quy chế chuyên nghiệp, một CLB đá V-League phải có đủ ba tuyến trẻ (U17, U19, U21) nhưng ở các giải vô địch dành cho các lứa tuổi này thì nhiều lắm cũng chỉ có 11 CLB đăng ký thi đấu vòng loại. Mức phạt cho những đội không tham gia cùng lắm là... cảnh cáo, hoặc đóng phạt vài chục triệu đồng. Như vậy, đến việc tham gia thi đấu còn không xong thì làm sao các CLB có người để đá V-League, dù sử dụng các cầu thủ trẻ về lý thuyết là ít tốn kém hơn.

Tạo ra các quy chế, giúp các cầu thủ trẻ được thi đấu nhiều hơn mới là cách hữu ích để hỗ trợ cho các đội tuyển quốc gia. Ảnh: VPF.

Tạo ra các quy chế, giúp các cầu thủ trẻ được thi đấu nhiều hơn mới là cách hữu ích để hỗ trợ cho các đội tuyển quốc gia

Như vậy, muốn giúp thầy Park không có nghĩa là ép các CLB phải thi đấu dồn dập để rút ngắn thời gian, nhường sân cho đội tuyển quốc gia. Điều này chỉ tạo ra tác động tiêu cực đến V-League, một giải đấu đang cần nâng cao chất lượng, tăng thời gian thi đấu để thu hút khán giả. VFF cần cải tổ bóng đá chuyên nghiệp mạnh mẽ hơn, chứ đừng vì "ném chuột sợ vỡ bình" hoặc lợi ích cục bộ nào đó, mà không siết chặt các quy định về tuyến U hay sử dụng cầu thủ trẻ. Những đội bóng không có tiềm lực tài chính, không nuôi nổi các tuyến U thì nên rút lui. Hiện nay, không thiếu doanh nghiệp đổ tiền vào bóng đá trẻ thì tại sao lại có chuyện những đội chuyên nghiệp không biết đầu tư cho tương lai của mình? Hay là họ làm bóng đá vì mục đích khác?

Giả sử, các cầu thủ trẻ được thi đấu nhiều hơn, tỷ lệ vào sân chiếm từ 20% đến 30%, thì ông Park cũng chẳng việc gì phải yêu cầu thêm thời gian để chuẩn bị. Ông và các đồng sự sẽ hàng tuần thong thả đi xem bóng đá, chấm các cầu thủ phù hợp thay vì phải gọi mấy chục người lên đội tuyển để kiểm tra lại trình độ, dẫn đến tình trạng "kêu lên trả về" phiền phức như giải U23 châu Á vừa qua.

Theo Vnexpress

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Mâu thuẫn nhỏ, hậu quả lớn

GD&TĐ - Không biết từ bao giờ, con người trở nên hung hăng, luôn giải quyết mâu thuẫn bằng những hành vi phi nhân tính.

Hyun Bin thừa nhận nghiện vợ con

Hyun Bin thừa nhận nghiện vợ con

GD&TĐ - Hyun Bin đã chia sẻ suy nghĩ của mình về cuộc sống hôn nhân và đưa ra cái nhìn sâu sắc hơn về những thay đổi mà anh trải qua kể từ khi kết hôn.