Đón giao thừa trên đài kiểm soát không lưu Nội Bài

Đón giao thừa trên đài kiểm soát không lưu Nội Bài

Trung tâm kiểm soát tiếp cận sân bay Nội Bài nằm trên tháp không lưu cao 88 m gần sân bay. Đơn vị này có nhiệm vụ kiểm soát máy bay cất hạ cánh tại sân bay Nội Bài với bán kính 10 km, điều hành hoạt động bay trên vùng trời từ sân bay với bán kính 70 km.

Giống như cảnh sát giao thông, các kiểm soát viên không lưu làm nhiệm vụ dẫn đường cho máy bay và hướng dẫn phi công cất hạ cánh, giữ khoảng cách an toàn tại các sân bay. Hàng ngày, 80 kiểm soát viên tại đây làm việc theo 2 ca, mỗi ca  10-12 người từ 9h sáng đến 9h tối, ca đêm tiếp tục đến 9h sáng. Cứ sau 2 giờ làm việc họ được nghỉ 30 phút, sau làm việc 2 ngày thì họ được nghỉ ngơi 2 ngày.

Ngày Tết cũng như ngày thường, hai căn phòng trên tháp không lưu luôn có người làm việc, kiểm soát viên chăm chú trước màn hình, nói liên tục với phi công trên nhiều tần số radar. Các năm trước, chỉ có các hãng nước ngoài hoặc từ Việt Nam đi nước ngoài mới bay đêm tại sân bay Nội Bài, song gần đây, tần suất bay đêm tăng lên, nên kiểm soát viên không lưu cũng làm việc đêm nhiều hơn.

Chị Thái Thị Thu Trang (Trung tâm kiểm soát tiếp cận sân bay Nội Bài) gần 10 năm làm việc ngày Tết trên Đài không lưu. Cứ chiều 30 Tết, chị gửi con cho ông bà rồi lên xe đến trung tâm cách nhà hơn 20 km để bắt đầu ca làm việc 9h tối.

Các kiểm soát viên không lưu sử dụng là giờ quốc tế (GMT), lại phải tập trung vào công việc nên khi thấy pháo hoa bừng sáng trên bầu trời, họ mới biết giao thừa đã đến. Chị Trang kể, trên tháp không lưu là nơi lý tưởng ngắm pháo hoa rực rỡ mọi nơi. Đẹp nhất là màn pháo hóa bắn ở cầu Nhật Tân, xung quanh đài cũng có nhiều pháo bông do người dân khu vực Sóc Sơn bắn lên.

Thời khắc giao thừa, sân bay Nội Bài thường có 5 đến 6 máy bay sắp hạ cánh và hơn 10 máy bay khởi hành. Nhiều máy bay ở các nước Đông Bắc Á hay Trung Quốc cũng có Tết âm lịch nên khi vào không phận Việt Nam, phi công thường chủ động nói trước "Happy New Year" với kiểm soát viên không lưu, thậm chí có phi công nước ngoài nói lời chúc bằng tiếng Việt.

Trên sóng radar, kiểm soát viên không lưu cũng nói "Chúc mừng năm mới" hoặc "Happy New Year", rồi tập trung hô huấn lệnh hướng dẫn bay.

"Nhận được các câu chúc năm mới của phi công khiến tôi thấy ấm lòng và tôi tin rằng họ cũng cảm thấy như vậy", chị Trang nói và chia sẻ thêm, các kiểm soát viên không lưu được về nhà sau giờ làm việc. Còn với các phi công khởi hành đi châu Âu vào đêm giao thừa, họ sẽ phải xa nhà mấy ngày, nên kiểm soát viên muốn nói lời chúc năm mới dù là ngắn gọn nhất.

Kiểm soát viên Thái Thị Thu Trang. Ảnh: Anh Duy.

Kiểm soát viên Thái Thị Thu Trang. Ảnh:Anh Duy.

Chị Đỗ Thanh Thủy (kíp phó không lưu Trung tâm kiểm soát tiếp cận sân bay Nội Bài) cũng ấn tượng với những màn pháo hoa rực rỡ trên bầu trời từ đài không lưu. Những giây phút này khiến các kiểm soát viên không lưu hào hứng hơn giữa giờ làm việc căng thẳng.

Một số anh em không lưu còn chờ đợi chuyến bay đầu tiên mà họ điều hành trong năm mới, lưu tâm về số hiệu chuyến bay, hãng bay. Nếu số hiệu chuyến là số đẹp thì họ tin rằng sẽ gặp may mắn hơn trong năm mới.

Chị Thủy kể, so với dịp trước Tết thì tần suất máy bay thời điểm giao thừa ít hơn. Các kiểm soát viên có ít phút bắt tay nhau chúc mừng năm mới và đón các lãnh đạo đơn vị lên trên đài chúc Tết với anh em.

"Người nhà thắc mắc tại sao không đổi ngày trực để được ở với gia đình đêm giao thừa, song chúng tôi ưu tiên cho các anh chị em ở xa quê, hầu hết những người ở Hà Nội đều xung phong đảm nhiệm công việc được giao dịp Tết", chị Thủy nói. 

Kiểm soát viên Phạm Ngọc Thuận. Ảnh: Anh Duy.

Kiểm soát viên Phạm Ngọc Thuận. Ảnh:Anh Duy.

Anh Phạm Ngọc Thuận, kiểm soát viên không lưu kể, đã có gần 10 năm trực đêm giao thừa và nhìn chung các chuyến bay đêm không gặp sự cố kỹ thuật, chỉ một vài trục trặc nhỏ như máy bay lăn ra đường băng thì có đèn cảnh báo, tổ lái xin quay lại kiểm tra kỹ thuật, sau đó 30 phút lại khởi hành.

TheoVnexpress

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ