Trong đó, thu từ thuế thu nhập cá nhân đã gần hoàn thành mục tiêu của cả năm khi đạt hơn 106 nghìn tỷ đồng, bằng 90,1% dự toán.
Bên cạnh niềm vui cho ngân sách, lúc này, tính hợp lý của cách tính thuế lũy tiến theo 7 bậc quá và mức giảm trừ gia cảnh, lại được đặt ra.
Theo quy định hiện hành, thuế thu nhập cá nhân được tính theo biểu lũy tiến 7 bậc, mỗi bậc thu nhập có thuế suất tương ứng: Mức thu nhập từ 5 triệu đồng/tháng trở xuống chịu thuế suất 5%; mức 5 - 10 triệu đồng 10%; mức 10 - 18 triệu đồng 15%; mức 18 - 32 triệu đồng 20%; mức 32 - 52 triệu đồng 25%; mức 52 - 80 triệu đồng 30% và từ 80 triệu đồng/tháng trở lên 35%.
Theo các chuyên gia, biểu thuế thu nhập cá nhân lũy tiến với 7 bậc, khoảng cách giữa các bậc thuế quá dày cùng với thuế suất cao là gánh nặng không nhỏ với người nộp thuế. Bởi chỉ cần thu nhập nhích lên một chút đã rơi vào bậc thuế cao hơn rất nhiều.
Đối với mức giảm trừ gia cảnh, không cần đến chuyên gia tính toán chi tiết, chính người dân sẽ cảm nhận rõ nhất sự lạc hậu của các định mức này, nhất là trong bối cảnh giá cả hàng hóa tăng mạnh trong thời gian qua và dường như một mặt bằng giá mới đã được thiết lập.
Sau lần điều chỉnh gần nhất vào năm 2020, mức giảm trừ gia cảnh – giảm trừ cho bản thân người đóng thuế hiện là 11 triệu đồng/tháng, người phụ thuộc là 4,4 triệu đồng/tháng.
Nhiều ý kiến cho rằng, mức 11 triệu đồng/tháng hiện nay không đủ sống ở đô thị, nên không thể coi đó là mức thu nhập cao phải đóng thuế. Mức đóng thuế với người phụ thuộc là 4,4 triệu đồng/người/tháng, số tiền này không đủ để nuôi một đứa trẻ ở thành phố, càng không đủ để chăm sóc một người già không còn sức lao động, chi phí thuốc men, đi lại, bệnh viện đều tăng cao.
Đó là chưa kể đến số lượng các khoản chi được giảm trừ vào thu nhập chịu thuế quá ít. Người lao động chỉ có 4 khoản giảm trừ là giảm trừ gia cảnh, giảm trừ các khoản đóng góp từ thiện, nhân đạo, giảm trừ đóng bảo hiểm bắt buộc và đóng góp quỹ hưu trí.
Những chi phí khác như học phí, tiền thuê nhà, chi phí y tế… không được giảm trừ. Điều này gây ra rất nhiều gánh nặng cho người lao động. Hơn nữa, còn bất bình đẳng, bất hợp lý bởi người nước ngoài làm việc tại Việt Nam được khấu trừ tiền học phí cho con, tiền mua vé máy bay về phép…
Những bất cập về bậc tính thuế và mức giảm trừ gia cảnh cần được xem xét và kịp thời sửa đổi trong quá trình sửa đổi Luật Thuế thu nhập cá nhân mà Bộ Tài chính đang tiến hành.
Theo đó, cần giảm bậc chịu thuế xuống còn 3 - 5 bậc, giảm thuế suất của các bậc; đồng thời tăng mức giảm trừ gia cảnh để người dân bớt gánh nặng tài chính; mở rộng các khoản chi tiêu được giảm trừ khi tính thu nhập chịu thuế - ví dụ chi tiêu cho y tế, giáo dục, bảo hiểm tự nguyện… cho cả người đóng thuế và người phụ thuộc.
Làm như vậy chính là khoan thư sức dân, công bằng hơn trong cách tính thuế và tạo điều kiện cho người lao động nâng cao chất lượng cuộc sống của mình.