Đơn độc bốn năm trên con tàu bị bỏ rơi

GD&TĐ - Trừ những người muốn trở thành ẩn sĩ, thích sống hoàn toàn trong sự cô độc, còn với hầu hết mọi người, bị bỏ mặc ở một nơi nào đó là một sự khủng khiếp thực sự.

Tàu MV Aman neo đậu ngoài cảng của Ai Cập
Tàu MV Aman neo đậu ngoài cảng của Ai Cập

Trường hợp Mohammed Aisha là một ví dụ. Chàng thủy thủ người Syria này phải ở lại trên con tàu bị bỏ rơi trong 4 năm trời. Hoàn toàn đơn độc.

Giám hộ con tàu bị bỏ rơi

Câu chuyện bắt đầu từ năm 2017, thời điểm Mohammed Aisha gia nhập thủy thủ đoàn con tàu chở hàng MV Aman với tư cách là thuyền phó. Tàu được một công ty Lebanon ký hợp đồng thuê, còn chủ sở hữu là một công ty khác ở Bahrain.

Trên đường đi qua kênh đào Suez, tàu bị nhà chức trách cảng Adabiya của Ai Cập chặn lại để kiểm tra. Họ phát hiện thiết bị an toàn và giấy chứng nhận phân loại của MV Aman đã quá hạn.

Thật ra, không có gì nghiêm trọng với các vấn đề này vì nó xảy ra thường xuyên với các phương tiện hàng hải. Chỉ cần chỉ huy tàu đến một cảng, nhận thiết bị an toàn mới và bổ sung các thủ tục giấy tờ thích hợp là mọi chuyện suôn sẻ.

Tuy nhiên, lúc này ông chủ người Bahrain của MV Aman tuyên bố phá sản, công ty Lebanon thuê tàu từ chối chi thêm tiền mua nhiên liệu. Thế là con tàu bị mắc kẹt ở vịnh Suez. Trong hoàn cảnh khó khăn, thuyền trưởng đã bỏ lên bờ và không bao giờ quay lại.

Aisha trở thành người chỉ huy cao nhất trên tàu nên một tòa án Ai Cập tuyên bố anh là người giám hộ hợp pháp của nó. Lúc đó, anh ta chỉ nhún vai và ký vào lệnh của tòa án, không hề biết quyết định đó có nội dung gì. Sự thật chỉ hé lộ vài tháng sau đó, khi các thủy thủ còn lại lần lượt rời khỏi tàu.

Theo luật pháp quốc tế, Aisha phải ở lại với con tàu, chờ đợi những gì xảy đến tiếp theo. Anh ta không được trả lương, không có hy vọng được trợ giúp từ những người chủ phá sản. Và cơn ác mộng của anh bắt đầu.

Không còn nhiên liệu, không có điện, còn thức ăn thì Aisha nhận được từ những chuyến ghé thăm không thường xuyên của lực lượng bảo vệ bờ biển. Anh trai của Aisha - cũng là một thủy thủ - thông qua MV Aman, biết được tình trạng của em mình nhưng cũng không giúp gì được. Cả hai chỉ thỉnh thoảng nói chuyện ngắn gọn qua điện thoại.

Sự cô đơn và tuyệt vọng trong hoàn cảnh bi thảm này khiến sức khỏe tinh thần của Aisha suy sụp nhanh chóng, đặc biệt là khi màn đêm buông xuống. “Không nhìn, không nghe thấy gì cả. Giống như đang ở trong một chiếc quan tài vậy”, anh nói.

Một cú sốc lớn hơn đã đến với anh vào tháng 8/2018, khi Aisha biết tin mẹ anh qua đời. Thời điểm này, người thủy thủ mắc kẹt đã từng có ý nghĩ biến con tàu, từ chiếc quan tài theo nghĩa bóng, thành quan tài thực sự. “Tôi đã nghiêm túc cân nhắc việc kết thúc cuộc đời mình”, Aisha thừa nhận.

Kết thúc cuộc sống “Robinson”

Mohammed Aisha sống một mình trên con tàu bị bỏ rơi suốt 4 năm.
Mohammed Aisha sống một mình trên con tàu bị bỏ rơi suốt 4 năm.

Nhiều năm đơn độc trôi qua, Aisha vẫn sống nhờ thực phẩm cứu trợ của những chiếc tàu ngang qua và của lực lượng bảo vệ bờ biển. Tai họa ập đến vào tháng 3/2020, khi một cơn bão lớn đổ bộ vào vịnh Suez. Gió mạnh khiến tàu MV Aman bung neo, trôi cách chỗ cũ khoảng 9 km, mắc cạn ở một địa điểm cách bờ chừng vài trăm mét.

Bão qua, Aisha sớm nhận ra đó là điều may mắn. Giờ đây, thỉnh thoảng anh có thể bơi vào bờ để mua thức ăn và sạc điện thoại di động. Điều quan trọng hơn, anh có thể nói chuyện với những con người thực sự, thay vì phải đối diện với thành tàu ngày này qua ngày khác. Tuy nhiên, Aisha không thể bỏ con tàu. Trách nhiệm của anh vẫn còn.

Cuối cùng, cuộc sống địa ngục của anh rồi cũng chấm dứt. Vào ngày 22/4/2021, thuyền phó Mohammed Aisha được phép rời con tàu bị bỏ rơi, chấm dứt cuộc sống “Robinson” trên biển 4 năm trời.

Trên đường về nhà tại sân bay Cairo, Aisha trả lời hãng BBC, “Tôi cảm thấy thế nào hả? Giống như tôi đã ra khỏi nhà tù. Cuối cùng thì tôi cũng được đoàn tụ với gia đình của mình”.

Về phần mình, chủ sở hữu tàu - Công ty Vận chuyển và dịch vụ hàng hải Tylos - cho biết, họ đã tìm mọi cách để hỗ trợ Aisha nhưng luật pháp và tình hình thực tế đã bó tay họ. “Tôi không thể buộc thẩm phán tước bỏ quyền giám hộ hợp pháp con tàu của Aisha.

Và tôi cũng không thể tìm được một người nào trên hành tinh này – mặc dù tôi đã rất cố gắng - để thay thế anh ấy”, một đại diện của công ty cho biết.

Thật không may, trải nghiệm của Aisha không phải là độc nhất. Tổ chức Lao động Quốc tế cho biết hiện có 250 trường hợp tương tự xung quanh 7 vùng biển trên thế giới.

Khi một chủ tàu gặp khó khăn về tài chính, họ thường bỏ mặc các thủy thủ tự lo liệu. Bị chủ bỏ rơi mà không có sự trợ giúp nào, các thủy thủ trong những tình huống này dễ rơi vào trạng thái trầm cảm và các vấn đề sức khỏe khác.

Mohamed Arrachedi thuộc Liên đoàn Công nhân Vận tải Quốc tế, người đã sắp xếp chuyến trở về nhà cho Aisha, nói: “Kịch tính và nỗi đau khổ này của Mohammed Aisha có thể tránh được, nếu chủ sở hữu và các bên thể hiện trách nhiệm đối với con tàu, sắp xếp cho anh ta được trở về sớm hơn”.

Nhiều người cho rằng, sau cơn ác mộng kéo dài 4 năm này, Aisha sẽ không muốn lên một con tàu nào nữa. Nhưng anh ta là một người đi biển tận tụy và biết mình thành thạo nghề gì. Sau khi về với gia đình, Aisha dự định quay trở lại biển. Anh hy vọng chuyến đi tiếp theo của mình sẽ không kéo dài đến bốn năm.

Theo Oddee

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Truyện ngắn: Mẹ và vợ

Truyện ngắn: Mẹ và vợ

GD&TĐ - Gã thuộc mẫu người hướng ngoại: Ưa bay nhảy, thích gặp gỡ kết giao, trà dư tửu hậu với bạn bè hơn đoàn tụ chuyện trò cùng anh em, cha mẹ, vợ con.