Ba năm trước, ngày 11/3, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã tuyên bố Covid-19 là đại dịch toàn cầu, và theo các chuyên gia, Covid-19 cũng sẽ không phải là đại dịch cuối cùng.
Theo một nghiên cứu năm 2021 của Viện Y tế Toàn cầu Duke, các đợt bùng phát đã trở nên nổi bật hơn trong 50 năm qua, với sự gia tăng những bệnh do muỗi truyền, ô nhiễm thực phẩm toàn cầu, bệnh từ động vật, do virus.
Kết luận quan trọng nhất của nghiên cứu này là các đại dịch như Covid-19 và cúm Tây Ban Nha “có khả năng” xảy ra trong thời gian tới.
Biến đổi khí hậu dự kiến làm trầm trọng thêm các bệnh do muỗi truyền, khi nhiệt độ và mực nước tăng. Điều này làm tăng nguy cơ bùng phát các bệnh do muỗi truyền như sốt xuất huyết, sốt rét và virus Zika.
Các chuyên gia nhận định, trong tương lai, thế giới có thể chứng kiến những đợt bùng phát dịch bệnh thường xuyên hơn. Thậm chí, dịch bệnh còn có thể bùng phát ở những nơi trước đây không có nguy cơ.
Ngoài ra, sự tan chảy của lớp băng vĩnh cửu dẫn đến việc giải phóng các mầm bệnh đã bị đóng băng trước đó. Hiện tượng này có thể dẫn đến sự phát triển của các bệnh và đợt bùng phát mới.
Hơn nữa, sự gia tăng các thảm họa thiên nhiên, như cháy rừng, lũ lụt và hạn hán, cũng như các vấn đề do con người gây ra như phá rừng… mang đến nguy cơ động vật hoang dã tiếp xúc gần hơn với nơi ở của con người.
Điều này làm tăng nguy cơ các bệnh lây truyền từ động vật sang người phát triển. Từ đó, có khả năng gây bùng phát dịch bệnh.
Theo nhóm nghiên cứu tại Tổ chức Tư vấn các vấn đề quốc tế Chatham House có trụ sở tại London (Anh), có nhiều khả năng thế giới sẽ chứng kiến đại dịch tiếp theo. Tuy nhiên, hiện, chưa thể dự đoán được mốc thời gian hoặc địa điểm xảy ra đại dịch tiếp theo.
Đại dịch là “sự kiện ngẫu nhiên” có thể bắt đầu ở bất cứ đâu trên thế giới. Mặc dù đã có nhiều nỗ lực để theo dõi sự xuất hiện và vị trí của các đợt bùng phát, nhưng rất khó để cập nhật các cơ sở dữ liệu đó.
Bất kỳ cơ sở dữ liệu nào như vậy sẽ không phải là nguồn thông tin đáng tin cậy để các nhà khoa học dự đoán đại dịch tiếp theo.
Nhiều dấu hiệu cho thấy, sự xuất hiện của đại dịch tiếp theo chỉ là về vấn đề thời gian. Song, thực tế, nhiều người vẫn chưa chuẩn bị cho đại dịch tiếp theo.
Ba năm sau đại dịch, chỉ 25% số người tham gia khảo sát trong Triển vọng Rủi ro của SOS quốc tế cho biết, các tổ chức của họ đang tích cực lập kế hoạch đối phó với đại dịch và biến thể Covid-19 trong tương lai.
Nhiều chuyên gia nhận định, trong bối cảnh này, các doanh nghiệp và tổ chức cần xây dựng kế hoạch quản lý rủi ro cho nhân viên. Đồng thời, đảm bảo rằng, an ninh sức khỏe được đưa vào như một trụ cột trong khuôn khổ môi trường, xã hội và quản trị.
Các doanh nghiệp, tổ chức cũng có thể thực hiện đánh giá rủi ro về những mối đe dọa sức khỏe hiện tại, tiềm ẩn. Đồng thời, kết hợp dự báo về khả năng mở rộng địa lý của các mối nguy do biến đổi khí hậu và những yếu tố khác.
Tiêm phòng là điều cần thiết để đánh bại đại dịch. Đối với các mầm bệnh có khả năng gây đại dịch đã biết, như cúm, các công ty nên xem xét việc chủng ngừa hằng năm cho nhân viên.
Điều quan trọng khác là nên xem xét việc tăng quy mô bộ phận y tế của công ty. Đồng thời, nâng cao trình độ chuyên môn trong việc đối phó với các bệnh truyền nhiễm.
Chúng ta không thể dự đoán khi nào đại dịch toàn cầu tiếp theo có thể xảy ra. Tuy nhiên, chúng ta luôn có thể chuẩn bị tốt hơn bằng cách tiếp cận “tất cả các mối nguy”.