Chuyển động tích cực
"Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị “Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” đã mang đến những luồng gió mới, được ví như “đòn bẩy” để chất lượng giáo dục của Trường tiểu học thị trấn Rạng Đông được “thăng hoa” và “đơm hoa, kết trái”- Cô Đoàn Thị Hà.
Trường tiểu học thị trấn Rạng Đông được biết đến là một trong những điểm sáng về giáo dục của huyện Nghĩa Hưng (Nam Định). Hiện, Chi bộ nhà trường có 33 đảng viên, chiếm tỉ lệ 82,5% so với cán bộ giáo viên, nhân viên.
Cô Đoàn Thị Hà - Phó Bí thư chi bộ, Phó Hiệu trưởng nhà trường - nhìn nhận, chi bộ mạnh là do chi bộ tốt, chi bộ tốt là do các đảng viên đều tốt.
Vì thế, việc đầu tiên là chăm lo xây dựng, bồi dưỡng đội ngũ. Bởi đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên có vai trò quyết định đến chất lượng dạy - học và các hoạt động giáo dục của nhà trường.
“Chúng tôi xác định, việc thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị “Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” (Chỉ thị số 05-CT/TW ) không đơn thuần là hưởng ứng mà là tự nguyện và là nhu cầu tự thân của mỗi cán bộ, đảng viên, giáo viên.
Theo đó, Chi bộ Trường tiểu học thị trấn Rạng Đông đã làm tốt công tác phát triển và bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo; trong đó tập trung bồi dưỡng năng lực, nghiệp vụ cho đội ngũ giáo viên. Qua đó, nhằm thực hiện có hiệu quả Chương trình giáo dục phổ thông 2018” – cô Hà khẳng định.
Giờ học tiếng Anh của cô - trò Trường tiểu học thị trấn Rạng Đông. |
Cô Hà viện dẫn, ngoài việc tổ chức cho cán bộ giáo viên tham gia các mô-đun bồi dưỡng theo Chương trình Etep của Bộ GD&ĐT, Chi ủy, Ban giám hiệu và các tổ chuyên môn đã xây dựng kế hoạch bồi dưỡng riêng cho đội ngũ giáo viên phù hợp với thực tiễn của nhà trường.
Theo đó, Chi bộ đã đưa nội dung bồi dưỡng là một trong những nội dung quan trọng của Kế hoạch thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW. Chi ủy đã xây dựng nghị quyết chuyên đề về lãnh đạo công tác phát triển và bồi dưỡng đội ngũ giáo viên nhà trường giai đoạn 2021-2025.
Trên cơ sở khảo sát nhu cầu của từng đảng viên, giáo viên, chi bộ đã xây dựng chương trình hành động, định hướng nội dung bồi dưỡng cho đội ngũ giáo viên. Các chuyên đề triển khai như: Phát triển chương trình nhà trường; Nâng cao năng lực cho cán bộ, giáo viên về xây dựng kế hoạch giáo dục, xây dựng kế hoạch môn học; Sử dụng hiệu quả các phương pháp và kĩ thuật dạy học tích cực; Hành trình gieo trồng hạnh phúc…
Đây là những chuyên đề nhận được sự hưởng ứng tích cực của đội ngũ cán bộ, đảng viên, giáo viên. Các chuyên đề được triển khai theo nhu cầu của giáo viên theo hướng linh hoạt, thiết thực và hiệu quả.
Là một trong những đảng viên trẻ, cô giáo Vũ Thị Thúy tự ý thức rằng, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh từ những việc làm giản dị, gắn với chuyên môn, nghiệp vụ. Công tác bồi dưỡng đã giúp giáo viên phát triển năng lực và chuyên môn nghiệp vụ.
Từ đó, hỗ trợ đồng nghiệp trong đổi mới phương pháp dạy – học, làm chủ công nghệ thông tin; góp phần nâng cao chất lượng giáo dục của nhà trường. Thông qua các hoạt động bồi dưỡng đã phát triển năng lực tự học, tự bồi dưỡng; đồng thời tạo chuyển biến tích cực và lan tỏa sâu rộng đến các trường các trên địa bàn huyện.
Học sinh Trường Tiểu học thị trấn Rạng Đông hào hứng học tiếng Anh. |
“Truyền lửa” cho giáo viên
Ghi nhận công tác chăm lo xây dựng, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên của Trường tiểu học thị trấn Rạng Đông, ông Trần Văn Nam - Phó trưởng Phòng GD&ĐT Nghĩa Hưng - khẳng định: Chương trình tập huấn của nhà trường đã lan tỏa tới các trường trong huyện.
Minh chứng rõ nét là, các chuyên đề bồi dưỡng của trường đều có nội dung thiết thực, tạo động lực và “truyền lửa” cho đội ngũ giáo viên về đổi mới phương pháp dạy học, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục cho nhà trường nói riêng và ngành Giáo dục của huyện nói chung.
“Tôi ấn tượng với Chương trình bồi dưỡng giáo viên trong thời gian dịch bệnh Covid -19 diễn biến phức tạp. Trong đó phải kể đến chuyên đề ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy - học. Nhờ đó mà 100% giáo viên của trường đã dạy học trực tuyến thành thạo. Các giáo viên đã thuần thục một số phần mềm dạy học như: Zoom, OLM, Avina, E-learning, Google meet, Canva,…. Giáo viên trẻ có khả năng về công nghệ thông tin chia sẻ hướng dẫn trực tiếp cho giáo viên lớn tuổi” – Ông Nam chia sẻ.
Giáo viên Trường Tiểu học thị trấn Rạng Đông tập huấn chuyên môn cùng các trường trong cụm. |
Cũng theo đồng chí Trần Văn Nam, hiện nay, đội ngũ giáo viên Trường tiểu học thị trấn Rạng Đông đã chủ động xây dựng kế hoạch môn học mình phụ trách, phù hợp với điều kiện thực tiễn của nhà trường. Kế hoạch giáo dục được xây dựng công phu, linh hoạt, sáng tạo, có tính khả thi cao, được Phòng GD&ĐT huyện Nghĩa Hưng ghi nhận, đánh giá cao.
Minh chứng sinh động là, trong những năm qua, nhà trường có 6 giáo viên đạt danh hiệu giáo viên giỏi và giáo viên chủ nhiệm giỏi cấp huyện, cấp tỉnh. Đáng chú ý, năm 2021, nhà trường có 4 nhóm tác giả đạt giải Cuộc thi thiết kế bài giảng Elearning.
Năm 2022, hưởng ứng Cuộc thi thiết kế thiết bị học liệu số, trường có 6 nhóm tác giả dự thi đều đạt thành tích cao. Trong đó có cô giáo Vũ Thị Thúy vinh dự được Bộ trưởng Bộ GD&ĐT tặng Bằng khen. Đáng chú ý, tất cả các tác giả có sản phẩm dự thi đều là đảng viên của chi bộ….
Có thể nói, tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về xây dựng, bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo đã được thấm nhuần trong mỗi cán bộ, đảng viên, giáo viên của Trường tiểu học thị trấn Rạng Đông. Trên hết là ý thức tự học, tự bồi dưỡng và tự làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh của mỗi cá nhân trong trường. Điều đó đã trở thành nhu cầu tất yếu, mang lại những giá trị thiết thực, bền vững về chất lượng giáo dục trong giai đoạn hiện nay.
Năm 2021, Chi bộ Trường Tiểu học thị trấn Rạng Đông đã được Huyện ủy Nghĩa Hưng khen thưởng. Liên tục từ năm học 2014-2015 đến nay, nhà trường được công nhận Tập thể Lao động Xuất sắc. Năm học 2017-2018 và năm học 2021-2022 nhà trường vinh dự được UBND tỉnh Nam Định tặng Cờ thi đua xuất sắc, dẫn đầu cấp tiểu học. Hiệu quả của công tác bồi dưỡng mà chi ủy chi bộ và Hội đồng sư phạm triển khai đã góp phần không nhỏ vào sự nghiệp đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục.