Đổi vất vả lấy tương lai cho học trò

GD&TĐ - Dù gặp nhiều khó khăn, nhưng các nhà giáo tận tâm với nghề vẫn nỗ lực 'ươm mầm' tri thức, 'thắp sáng' tương lai cho học sinh vùng cao Điện Biên.

Đường đến điểm trường Chuyên Gia 3, xã Nậm Kè (Mường Nhé, Điện Biên) tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn. Ảnh: Lê Thị Hồng
Đường đến điểm trường Chuyên Gia 3, xã Nậm Kè (Mường Nhé, Điện Biên) tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn. Ảnh: Lê Thị Hồng

Gian nan cắm bản

Những đoạn đường cheo leo, hiểm trở, cuộc sống thiếu thốn, không điện, không sóng điện thoại, hạn chế nước sạch... từ lâu là đặc trưng của các điểm trường vùng sâu, xa.

Điểm trường Chuyên Gia 3 (thuộc Trường PTDTBT Tiểu học Nậm Kè số 1) cách trung tâm xã Nậm Kè (Mường Nhé) hơn 15km. Đường vào trường dốc cao, gồ ghề đá tảng, tay lái cứng mới đến đích. Giữa bốn bề núi rừng có 1 điểm trường tiểu học, hằng ngày vọng tiếng đọc bài của học sinh.

Đây là nơi cô giáo trẻ Lò Thị Thảo dạy học. Điểm trường có 2 phòng học, 2 phòng sinh hoạt cho giáo viên được xây dựng từ lâu nên xuống cấp trầm trọng, tường bong tróc, ẩm thấp, bàn ghế mục nát. Ban ngày cô lên lớp, có học trò líu lo, tối đến lại lủi thủi lẻ bóng, không liên lạc được với gia đình hay đồng nghiệp.

Cô Thảo chia sẻ: “Cuộc sống nơi đây gần như tách biệt với bên ngoài. Những lúc nhớ gia đình muốn gọi điện, tôi phải đi dò sóng khắp bản, may mắn thì bắt được. Đổi lại bà con dân bản tình cảm, quan tâm việc học của con em, nhiệt tình hỗ trợ giáo viên vệ sinh và sửa chữa điểm trường. Vì thế, tôi cũng được san sẻ. Lâu dần thành quen cuộc sống ở đây”.

Trường tiểu học đã vậy, với cấp mầm non, nhiều nơi còn khó khăn hơn thế, bởi lẽ nhiều điểm bản thiếu thốn cơ sở vật chất, trong khi học sinh mầm non không thể đưa về trung tâm.

Trường Mầm non số 2 Mường Mươn (Mường Chà) có 5 điểm bản, trong đó nhiều điểm thiếu nước sinh hoạt. Cô Nguyễn Thị Lan Hương - Hiệu trưởng nhà trường cho biết, mỗi điểm bản có khó khăn riêng, về đường sá, điều kiện dạy học và sinh hoạt, hoặc phong tục tập quán, bất đồng ngôn ngữ… Trong đó, khó khăn nhất là điểm trường Pú Vang. Tại đây, điện đã sáng nhưng không có nước sạch.

Cô Phạm Thị Thảo - giáo viên cắm điểm trường Pú Vang trao đổi: “Để có nước phục vụ sinh hoạt mỗi ngày, chiều đi làm về, tôi và đồng nghiệp phải mang can ra hứng nước cho sáng hôm sau chở lên trường. Mỗi cô giáo mang 1 can 20 lít thì cộng lại chỉ được 100 lít nước, đủ để rửa mặt, lau chân tay cho trẻ. Còn đồ ăn phải nấu tại điểm trường cách 3km rồi đưa lên”.

Tại điểm trường Kết Tinh, điểm xa nhất của Trường Mầm non số 1 Mường Mươn (Mường Chà), cách trung tâm gần 20km, con đường dẫn tới điểm trường có hơn một nửa là đường đất.

Từng dạy ở điểm trường này, cô Vũ Thị Phương Thảo kể: Nắng thì bụi, mưa lại trơn. Nhiều năm đi dạy ở điểm bản, chị em rút ra nhiều kinh nghiệm cho những chuyến đi lần sau. Thế nhưng, đường quá xấu nên không tránh khỏi ngã xe. Ngã mãi cũng quen, 2 người 1 xe cứ thế vừa đi, vừa dắt.

doi-vat-va-lay-tuong-lai-cho-hoc-tro-1.jpg
Bằng tình yêu thương, nhiệt huyết đã tiếp thêm cho các thầy, cô giáo sức mạnh, kiên trì bền bỉ gắn bó với nghề. Ảnh: Minh Đức

Gắn bó nghề bởi thương trò

Là giáo viên Trường PTDTBT Tiểu học Nậm Kè số 1, cô Lò Thị Thảo cho biết, có hai thách thức lớn nhất khi dạy học ở những điểm trường vùng cao, khó khăn đó là phải đối mặt với đường đi và ngôn ngữ. Những ngày nắng, giáo viên có thể thở phào nhẹ nhõm nhưng ngày mưa thì vất vả vô cùng.

Trời mưa lớn, giáo viên phải thay phiên đẩy xe cho nhau qua những cung đường bùn lầy trong trạng thái tay chân trầy xước, tím tái. Có những hôm mưa kéo dài cả tuần, cô và đồng nghiệp phải để xe dưới đường rồi đi bộ vào trường.

doi-vat-va-lay-tuong-lai-cho-hoc-tro-2.png
Mùa mưa, thầy, cô giáo phải dắt xe hoặc đi bộ để tới điểm trường Kết Tinh xã Mường Mươn (Mường Chà, Điện Biên) dạy học. Ảnh: Nguyễn Thị Lan Hương

Nhìn con gái trải qua nhiều khó khăn như vậy để theo nghề, gia đình cô Lò Thị Thảo từng không ít lần khuyên cô xin chuyển về khu vực thuận lợi công tác. “Gia đình khuyên nên chuyển công tác về trung tâm huyện nhưng tôi không đồng ý. Tôi đã quen với cuộc sống nơi đây, những vất vả này để đổi lấy tương lai cho học sinh thì cũng xứng đáng.

Bạn bè đồng nghiệp, có người dạy vài tháng không chịu được nên đã nghỉ việc. Còn tôi và nhiều giáo viên khác vẫn nỗ lực bám bản. Nhìn học sinh mặt mũi lấm lem, ánh mắt ngây thơ càng làm tăng thêm quyết tâm bám bản của chúng tôi”, cô Thảo xúc động chia sẻ.

Còn cô Phạm Thị Thảo – giáo viên Trường Mầm non số 1 Mường Mươn vẫn luôn tin tưởng và tâm niệm rằng “người với người sống để yêu nhau”. Nhiều năm gắn bó với học sinh, tình cảm hồn nhiên, trong sáng của các em cũng như tấm lòng của phụ huynh là điều mà cô Phạm Thị Thảo trân quý nhất.

Chính tình yêu thương, bao dung, nhiệt huyết đã tiếp thêm cho các thầy, cô giáo sức mạnh, sự kiên trì bền bỉ gắn bó với nghề… Miệt mài đưa những chuyến đò tri thức qua sông, những giáo viên ở vùng cao vẫn mang nặng nỗi niềm thương cảm cho học trò nghèo. Họ chính là niềm tin, điểm tựa cho học sinh vùng khó Tây Bắc.

“Thầy cô đi điểm bản chắc chắn vất vả bởi điều kiện giao thông, ăn ở, sinh hoạt còn nhiều hạn chế. Học sinh điểm bản số lượng ít nên chỉ có thể phân công một người đảm nhiệm. Thế nhưng, các giáo viên được giao trọng trách đều cố gắng, vượt khó hoàn thành tốt công việc”. Cô Lê Thị Hồng - Hiệu trưởng Trường PTDTBT Tiểu học Nậm Kè số 1

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Cùng Bộ Tư lệnh Binh đoàn B70 lên phương án chỉ đạo chiến dịch đường 9 – Nam Lào. Từ trái qua: Hoàng Phương, Lê Trọng Tấn, Võ Nguyên Giáp, Cao Văn Khánh, Phạm Hồng Sơn. Ảnh tư liệu.

Võ thấu lòng dân, Võ hóa Văn*

GD&TĐ - Trên tất cả các mỹ từ, nhân văn đức độ của một vị tướng như ông tỏa sáng như một bậc hiền nhân: “Văn lo vận nước, Văn thành Võ/Võ thấu lòng dân, Võ hóa Văn”.