Có được thành công này nhờ sự đóng góp công sức không nhỏ của các thầy cô huấn luyện.
Khơi dậy đam mê
Tại mùa Olympic Tin học quốc tế năm nay, học sinh Trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên tiếp tục là nòng cốt của đội tuyển Việt Nam với sự góp mặt của 7 em. Trong đó, Lê Quang Huy đã xuất sắc giành Huy chương Vàng tại cuộc thi Olympic Tin học châu Á vào tháng 5 vừa qua.
Kiến tạo nên thành công này là thầy Hồ Đắc Phương - người được học trò đặt biệt danh “người thầy bá đạo” của các khối chuyên Tin. Chàng trai vàng Lê Quang Huy tự hào kể về người thầy yêu quý: Đằng sau vẻ mặt nghiêm khắc của thầy là tấm lòng rộng mở, tâm lý. Thầy có sức ảnh hưởng rất lớn đến học sinh, đặc biệt là thành viên đội tuyển Tin học vốn có cá tính đặc biệt.
Theo thầy Phương, để đào tạo một học sinh Olympic, bước đầu phải giúp các em học được kĩ năng giải quyết vấn đề. Đây là kĩ năng quan trọng, cần thiết đối với học sinh năng khiếu. Sau đó, cho các em làm thật nhiều bài tập để quen với các dạng đề. Trong điều kiện ở Việt Nam, làm bài tập là đơn giản nhất để rèn luyện kĩ năng giải quyết vấn đề.
“Truyền cảm hứng là điều quan trọng bởi những học sinh Olympic luôn có cá tính đặc biệt. Muốn đoạt giải quốc gia, quốc tế, học trò phải kiên trì bởi tri thức không tự dưng có trong não, tri thức đến từ sự lao động chăm chỉ. Học chuyên, không chỉ có kiến thức chuyên sâu mà còn phải rèn luyện sự chuyên tâm” - thầy Phương chia sẻ.
Tài sản quý của thầy cô tâm huyết
Trang Đào Công Minh nhận thấy mình đã rất may mắn khi được theo học thầy Nguyễn Công Toản - Trưởng bộ môn Vật lý, Trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên và đây cũng là lý do để em theo học khối chuyên Lý. “Những bài giảng của thầy dễ hiểu, khoa học. Thầy luôn tạo động lực giúp học sinh có niềm say mê với môn học, biết tự học, tự khám phá”, Công Minh tâm sự.
Đào tạo nhiều thế hệ học sinh đoạt giải cao trong nhiều kỳ Olympic nhưng thầy Toản cho biết không có bí quyết gì quá đặc biệt. “Học trò giỏi thường có đam mê riêng và thầy giáo phải là người khơi dậy niềm đam mê đó. Trường chuyên Khoa học Tự nhiên có truyền thống học tốt từ nhiều năm nay, các em cũng được thừa hưởng truyền thống này để có thêm động lực học tập” - thầy Toản nói.
Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam năm nay cũng có thành tích xuất sắc trên đấu trường quốc tế với 6 học sinh được tham gia đội tuyển quốc gia các bộ môn: Toán - Vật lý - Hóa học. Thành công này không thể không nhắc đến những giáo viên đã tâm huyết dẫn dắt đội tuyển thời gian qua.
Vừa đóng vai trò giáo viên chủ nhiệm và cũng là giáo viên dẫn dắt, thầy Lê Mạnh Cường nhận được niềm vui khi 3 học sinh cùng lớp là Nguyễn Mạnh Quân, Trần Quang Vinh, Nguyễn Hoàng Nam cùng đoạt giải cao tại kỳ thi Olympic Vật lý châu Á vừa qua. Mạnh Quân, Quang Vinh cùng giành Huy chương Vàng, Hoàng Nam giành Huy chương Bạc. Mạnh Quân còn là thí sinh có số điểm cao nhất cuộc thi.
Thầy Cường cho biết: Khi nhận được tin vui từ học sinh, tôi rất hạnh phúc. Tuy không phải là lần đầu có học sinh đoạt giải nhưng giải lần này thật đặc biệt vì học sinh phải trải qua kỳ thi trong bối cảnh diễn biến phức tạp của dịch bệnh. Đây cũng là lần đầu tiên dẫn dắt đội tuyển Vật lý trên cương vị của một giáo viên chủ nhiệm nên thầy Cường có nhiều kỷ niệm với học sinh.
Kể về người thầy của mình, Nguyễn Mạnh Quân - chàng trai thủ khoa của các kỳ Olympic quốc tế cho biết: Ngoài chuyên môn giỏi, thầy Cường rất tâm huyết với học sinh. Thầy là người tự mày mò tài liệu nước ngoài để đem về các kiến thức Vật lý thiên văn cho chúng em. Những bài giảng của thầy rất hấp dẫn, sáng tạo và luôn cập nhật những kiến thức khoa học mới nhất.
Lần đầu dẫn đội tuyển Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam nhưng thầy Nguyễn Trung Tuân đã mang đến cho học sinh một luồng sinh khí mới với nhiều học sinh đoạt giải trong nước và quốc tế. Đặc biệt, em Đỗ Bách Khoa xuất sắc giành giải Nhất cuộc thi học sinh giỏi quốc gia và góp mặt trong đội tuyển Toán quốc tế.
Thầy Tuân tự nhận mình “không có phương châm dạy học nào đặc biệt” bởi dạy học GV luôn cố gắng chăm sóc, dạy dỗ từng học sinh, làm sao để mỗi khi gặp thầy, các bạn đều thấy hứng thú với môn học, có cảm hứng, yêu thích và có động lực để học tốt hơn. Theo thầy Tuân, điều quan trọng nhất là học sinh phải biết cách tự học, nghiên cứu, tìm tài liệu và tự mình rút ra phương pháp học tập tối ưu nhất.
Nhận được tin báo về thành tích của học trò, thầy Tuân bày tỏ: Các thành viên trong đội tuyển đã đặt quyết tâm cao nhất cho kỳ thi lần này, nên dù kết quả ra sao cũng đáng tự hào. Đỗ Bách Khoa là học sinh xuất sắc nhất mà tôi từng biết. Khoa rất khiêm tốn và nghiêm túc trong học tập. Vì vậy, thành tích này là phần thưởng xứng đáng cho công sức mà em đã bỏ ra.