Đội tuyển Đức đã qua cơn bĩ cực?

GD&TĐ - Với hai trận thắng ấn tượng trước Pháp và Hà Lan, đội tuyển Đức cho thấy sự chuyển mình mạnh mẽ.

Toni Kroos (bên phải) mang đến sức sống mãnh liệt cho hàng tiền vệ đội tuyển Đức. Ảnh: ITN
Toni Kroos (bên phải) mang đến sức sống mãnh liệt cho hàng tiền vệ đội tuyển Đức. Ảnh: ITN

Đồng thời, Die Mannschaft còn mang lại niềm tin có thể giành chức vô địch giải đấu châu lục trong vai trò đội chủ nhà.

Trở lại quỹ đạo

Với việc là chủ nhà Vòng chung kết EURO 2024, đội tuyển Đức nhận được rất nhiều sự kỳ vọng và ở chiều khác còn là sức ép nặng nề luôn đeo bám đội bóng này. Sau chức vô địch World Cup 2014, Die Mannschaft không giành thêm được danh hiệu nào.

Thậm chí, ở 2 kỳ World Cup gần đây, đội bóng mang biệt danh “Cỗ xe tăng” còn bị loại ngay từ vòng bảng. Với EURO, lần cuối bóng đá Đức bước lên đỉnh vinh quang từ năm 1996. Kể từ đó, thành tích cao nhất của Die Mannschaft là ngôi Á quân năm 2008, 2 lần bị loại từ vòng bảng (2004 và 2012) và ở giải đấu gần đây năm 2021, đội bóng này chỉ vào đến vòng 1/8.

Sự bi quan và thất vọng bao trùm đội tuyển Đức trong cả năm 2023, có lẽ chính xác hơn kéo dài đến trước tháng 3 năm nay. Giai đoạn này chứng kiến tỷ lệ thất bại kỷ lục của Đức, đội bóng từng 4 lần vô địch thế giới. Đỉnh điểm của thất vọng là trận thua 1-4 trước Nhật Bản.

Huấn luyện viên Hansi Flick bị “trảm”, song thực ra ông này chỉ là “vật tế thần” cho những yếu kém của cả nền bóng đá Đức kéo dài nhiều năm trước. Cầu thủ Đức chơi bóng đẹp, kỹ thuật hơn, nhưng họ đánh mất những yếu tố làm nên thương hiệu cỗ xe tăng cũng như sự cần thiết bảo đảm thành công trong quá khứ như tính kỷ luật, bản lĩnh và sức mạnh kiểu Đức.

Julian Nagelsmann được Liên đoàn bóng Đức đặt vào “ghế nóng” trong sự hoài nghi và phản ứng từ nhiều phía. Bởi ông này nắm đội tuyển quốc gia khi mới 35 tuổi (sinh năm 1987). Nhiều tuyển thủ Đức có độ tuổi xấp xỉ Nagelsmann và sở hữu thành tích lẫy lừng.

Đó là Thomas Muller (sinh năm 1989), Toni Kroos (1990)… thậm chí, thủ môn Manuel Neuer sinh năm 1986, nhiều tuổi hơn Nagelsmann. Đội tuyển Đức dưới triều đại thầy trẻ khởi đầu bằng chiến thắng 3-1 trước Mỹ, song sau đó, họ lần lượt hòa Mexico 2-2, thua 2-3 trước Thổ Nhĩ Kỳ và thất bại xấu hổ 0-2 trước Áo tại Vienna, nâng tổng số trận thua trong năm 2023 lên con số 6.

Tuy nhiên, vào thời điểm sức ép khủng khiếp nhất và nguy cơ mất việc lơ lửng trên đầu, chiến lược gia trẻ tuổi Nagelsmann đã tự cứu mình cũng như đưa bóng đá Đức trở lại quỹ đạo bằng 2 chiến thắng liên tiếp trước Pháp và Hà Lan. Ngày 24/3, Đức đánh bại Pháp với tỷ số 2-0 nhờ các bàn thắng của Florian Wirtz và Kai Havertz.

Đến trận gặp Hà Lan rạng sáng 27/3, một ứng viên vô địch EURO 2024 khác, dù bị đối thủ dẫn trước ở phút thứ 4, song Die Mannschaft ngược dòng thắng 2-1 ấn tượng. Hai chiến thắng trước những đối thủ sừng sỏ, thuộc tốp đầu thế giới và châu lục giúp cho người Đức lấy lại thăng bằng và niềm tin cần thiết để hướng đến EURO 2024 trong vai trò chủ nhà.

Không chỉ thành công về kết quả, Die Mannschaft sau 2 trận của tháng 3 đều hơn hẳn đối thủ về các chỉ số chuyên môn, như tỷ lệ kiểm soát bóng, số lần sút cầu môn và trúng đích. Qua đó dẫn đến vấn đề tích cực khác, Đức làm chủ cuộc chơi và đang ở tâm thế tự tin, vững vàng, đó là sự chuyển biến về chất so với năm 2023.

Dấu ấn của Nagelsmann

Huấn luyện viên Nagelsmann. Ảnh: INT.

Huấn luyện viên Nagelsmann. Ảnh: INT.

Chứng kiến 2 chiến thắng liên tiếp của đội nhà, huyền thoại Lothar Matthaus phát biểu mạnh mẽ rằng: “Một cỗ máy hoàn hảo. Đội tuyển này không chỉ có thể vô địch châu Âu mà còn là phải vô địch châu Âu”.

Trong khi đó, tiền vệ kỳ cựu Toni Kroos, người mới rút lại quyết định từ giã đội tuyển hồ hởi chia sẻ: “Đội tuyển Đức đang có được sự tự tin trong cách chơi. Chúng tôi cần tiếp tục như thế này, và không gì quan trọng hơn là tập thể đội bóng cùng hướng tới giải đấu lớn với niềm tin có thể giành chiến thắng cuối cùng”.

Vị thế của đội tuyển Đức được nâng cao như hiện nay có công rất lớn của Nagelsmann. Trong giai đoạn đầu, ông cần thời gian để hiểu vấn đề gì đã và đang diễn ra trong lòng Die Mannschaft. Vậy nên, sau giai đoạn “chạy đà”, chiến lược gia sinh năm 1987 đưa ra nhiều quyết định bước ngoặt cả về nhân sự và lối chơi.

Đầu tiên, ông thuyết phục Toni Kroos trở lại sau nhiều năm chia tay đội tuyển quốc gia. Cầu thủ sinh năm 1990 này nhanh chóng mang đến cho Nagelsmann nhiều giải pháp, hóa giải những vấn đề tồn tại lâu nay ở khu vực giữa sân.

Toni Kroos giúp Đức kiểm soát bóng tốt hơn, tạo ra nhiều ý tưởng từ các tình huống phân phối bóng. Sự hiện diện của Toni Kroos còn giúp Nagelsmann xác định rõ vị trí của một số cầu thủ, đơn cử ông đặt trọng trách tiền vệ phòng ngự cho Robert Andrich và để Gundogan được thoải mái hơn trong vai trò của một số 10, kiến tạo và ghi bàn.

Bên cạnh đó, Nagelsmann đặt niềm tin vào những nhân tố mới. Rất nhiều cầu thủ trẻ, ít được trọng dụng trước kia đã được trao cơ hội và thấm nhuần giá trị công bằng. Giờ đây, đội tuyển Đức dưới tay Nagelsmann là một tập thể cân đối, thống nhất.

Đó là sự kết hợp của những gương mặt trẻ như Jamal Musiala (21 tuổi), Florian Wirtz (20)... và những cựu binh Thomas Mueller, Gundogan, Kroos hay Joshua Kimmich. Và việc ông khai thác hiệu quả tân binh Niclas Füllkrug cũng là điều hiếm thấy. Chân sút 31 tuổi này liên tục ghi bàn trong những trận gần đây và gần như sẽ có suất tham dự EURO 2024.

“Tinh thần của toàn đội rất tốt. Tôi nghĩ, chúng tôi đã tìm thấy sự kết hợp tốt giữa những cầu thủ không được đá chính nhưng luôn cống hiến hết mình khi họ vào sân”, Nagelsmann phát biểu sau 2 trận thắng vừa qua.

EURO 2024 có khẩu hiệu là “United by Football. Vereint im Herzen Europas – “Đoàn kết bởi bóng đá. Hợp nhất trong trái tim châu Âu”. Khẩu hiệu đưa ra nhằm thúc đẩy sự đa dạng và hòa nhập, phản ánh sự hợp nhất và kết nối thông qua bóng đá trên khắp châu Âu. Theo bốc thăm chia bảng, chủ nhà Đức nằm ở bảng A cùng với Scotland, Hungary và Thụy Sĩ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

MIT miễn học phí cho sinh viên đến từ gia đình thu nhập thấp.

MIT miễn học phí cho sinh viên

GD&TĐ - Từ học kỳ mùa Thu năm 2025, Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), sẽ miễn học phí cho sinh viên thuộc gia đình có thu nhập dưới 200 nghìn USD.

Người bệnh nhập viện trong tình trạng đau tức ngực dữ dội, khó thở. Ảnh: BVCC

Nhồi máu cơ tim sau tập thể hình

GD&TĐ - Các bác sĩ Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E đã cứu sống một nam thanh niên (32 tuổi) nhập viện do nhồi máu cơ tim cấp.

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.