Đội tuyển bóng đá Việt Nam âu lo trước thềm vòng loại World Cup 2026

GD&TĐ - Cả hệ thống bóng đá Việt Nam tiến vào mặt trận chính – vòng loại World Cup 2026 với sự kỳ vọng rất lớn.

Đội tuyển Việt Nam (áo đỏ) sẽ gặp Hàn Quốc vào ngày 17/10. Ảnh: INT.
Đội tuyển Việt Nam (áo đỏ) sẽ gặp Hàn Quốc vào ngày 17/10. Ảnh: INT.

Nhưng thầy trò huấn luyện viên Troussier dường như chưa có được trạng thái tốt nhất, đặc biệt cuộc cách mạng về lối chơi mà ông thầy người Pháp đang áp dụng còn nhiều hạn chế.

Hạn chế lộ diện

Tháng 11 tới, đội tuyển Việt Nam sẽ bước vào 2 trận mở màn vòng loại thứ 2 World Cup 2026 khu vực châu Á. Vì vậy, đợt tập trung trong tháng 10 này có ý nghĩa rất quan trọng với thầy trò Philippe Troussier.

Đây là cơ hội tốt để nhà cầm quân người Pháp tìm kiếm những miếng ghép cuối cùng cho đội hình tốt nhất, và đặc biệt nó đóng vai trò quyết định cho cho triết lý “kiểm soát bóng” mà huấn luyện viên Troussier cố gắng áp đặt lên đội tuyển Việt Nam.

Trong trận gặp Trung Quốc, tối 10/10, đội tuyển Việt Nam vẫn sử dụng sơ đồ 3 trung vệ với sự góp mặt của Duy Mạnh, Ngọc Hải và Tuấn Tài. Tiến Anh và Việt Hưng là 2 cầu thủ được sử dụng ở hành lang 2 cánh.

Trên hàng công, Văn Toàn và Tuấn Hải được sử dụng. Ở tuyến giữa, Hoàng Đức, Hùng Dũng và Tuấn Anh đá chính. Các cầu thủ dần nắm bắt, thực hiện triết lý bóng đá của chiến lược gia người Pháp, thể hiện qua việc điều tiết nhịp độ, giữ cự ly đội hình. Điều đó giúp thầy trò huấn luyện viên Troussier mở ra những cơ hội có thể dẫn đến bàn thắng. Đáng tiếc các chân sút Việt Nam không tận dụng được.

Tuy nhiên, đội tuyển Việt Nam vẫn bộc lộ nhiều hạn chế trong cả tấn công và phòng ngự. Những đường lên bóng không phải là sự luân chuyển nhịp nhàng giữa các vị trí, các tuyến để phá vỡ hệ thống phòng ngự của đối phương.

Thay vào đó, các tuyển thủ sử dụng quá nhiều đường chuyền dài, trong khi chúng ta thua kém cầu thủ đội bạn về thể hình. Ngoài ra, đội tuyển Việt Nam có dấu hiệu hụt hơi vào thời điểm cuối mỗi hiệp đấu, cho dù tốc độ trận đấu không quá cao.

Các cầu thủ Trung Quốc đang trong giai đoạn khó khăn. Trước trận gặp Việt Nam họ chỉ thắng 2 trong 6 trận đã đấu từ tháng 2/2023.

Vậy nên, chúng ta đã chơi tốt trong hiệp 1 và gần như các cơ hội ăn bàn đều đến trong 45 phút đầu, kể cả tình huống độc diễn suýt thành bàn của Tuấn Hải.

Sang hiệp 2, đội tuyển Việt Nam không còn duy trì được trạng thái cân bằng trước Trung Quốc. Các trung vệ bộc lộ sai sót từ hạn chế trong chống chóng bổng và khả năng phán đoán tình huống.

Và trong bóng đá và bất cứ môn thể thao nào, yếu tố quan trọng nhất vẫn là sự hiệu quả. Về mặt này, đội tuyển Việt Nam thua Trung Quốc. Đội bóng của huấn luyện viên Jankovic dù lép vế về thế trận nhưng lại dứt điểm nhiều hơn. Kết quả, họ đã ghi 2 bàn thắng ở hiệp 2 và giành chiến thắng với tỉ số cách biệt.

Huấn luyện viên Philippe Troussier. Ảnh: INT.

Huấn luyện viên Philippe Troussier. Ảnh: INT.

Có nhiều cách để hướng tới chiến thắng, đôi khi sự tối giản lại mang tới hiệu quả cao hơn.

Hãy nhìn lại màn so tài giữa 2 đội hồi tháng 2/2022 ở vòng loại thứ 3 World Cup 2022. Khi ấy, đội tuyển Việt Nam chỉ kiểm soát bóng với tỉ lệ 43%, tung ra 6 cú dứt điểm, ít hơn Trung Quốc (9 lần dứt điểm). Tuy nhiên, đội tuyển Việt Nam đã giành chiến thắng thuyết phục với tỉ số 3-1.

Tất nhiên, ông Park và Troussier sử dụng 2 triết lí khác nhau. Chiến lược gia người Hàn sử dụng lối chơi đơn giản theo kiểu phòng ngự - phản công. Cách chơi này cần sự tối giản và nhanh để đạt hiệu quả, rất phù hợp khi gặp các đối thủ mạnh.

Sau trận thua Trung Quốc, ông Troussier thừa nhận thất vọng về kết quả nhưng rất hài lòng về cách chơi của đội tuyển Việt Nam bởi các tuyển thủ đã chơi đúng triết lí của ông. Đấy là cách chơi kiểm soát, được xây dựng trên số đường chuyền và khả năng ban bật giữa các vị trí.

Thực tế cho thấy đội tuyển Việt Nam đã lấn lướt Trung Quốc về tỉ lệ kiểm soát bóng (63%). Các học trò của huấn luyện viên Troussier cũng đã thực hiện tổng cộng 604 đường chuyền với tỉ lệ chính xác là 83%, hơn hẳn đội chủ nhà (346 đường chuyền – 76%). Với lối chơi ban bật, các cầu thủ thoát pressing khá tốt, tạo ra nhiều cơ hội, đặc biệt trong hiệp 1.

Đặc biệt, ông Troussier tuyên bố sẽ kiên định triết lý áp dụng cho đội tuyển Việt Nam. “Để chuẩn bị cho ASIAN Cup và vòng loại World Cup 2026, chúng tôi không từ bỏ việc theo đuổi lối chơi mới, triết lý mới của mình. Trong trận gặp Trung Quốc, tôi yêu cầu các cầu thủ kiểm soát bóng, kiểm soát bóng càng nhiều càng tốt. Ý đồ của ban huấn luyện đưa ra là vậy.

Tôi luôn muốn các cầu thủ giữ chắc bóng, thay vì chuyền bóng vào chân đối phương và yêu cầu họ chạy chỗ thật nhiều để tìm khoảng trống trước khi có hành động tiếp theo”, chiến lược gia người Pháp phát biểu.

Huấn luyện viên Troussier nhấn mạnh rằng, đội tuyển Việt Nam cần sớm quên đi trận thua trước Trung Quốc.

“Nếu chúng tôi tiếp tục làm việc chăm chỉ như vậy, chúng tôi có quyền hy vọng giành được kết quả tốt hơn. Điều gì sẽ xảy ra nếu chúng tôi ghi bàn được? Khi ấy, không ai có thể biết trước kết quả trận đấu như thế nào.

Thể lực các cầu thủ có phần sa sút trong hiệp 2. Điều này không có gì ngạc nhiên, bởi giải vô địch quốc gia của Việt Nam kết thúc từ tháng 8, các cầu thủ hầu như không thi đấu trong 2 tháng vừa qua, họ vẫn đang trong giai đoạn tập huấn và chuẩn bị cho mùa giải tiếp theo.

Các cầu thủ không có được trạng thái thể lực tốt nhất. Tôi hy vọng thể lực các cầu thủ có thể cải thiện ở các trận đấu tới đây”, ông cho biết.

Trận Việt Nam (áo trắng) thua Trung Quốc 0-2 ngày 10/10. Ảnh: INT.

Trận Việt Nam (áo trắng) thua Trung Quốc 0-2 ngày 10/10. Ảnh: INT.

Nguy cơ tiềm ẩn

Với huấn luyện viên Troussier, cách chơi kiểm soát sẽ giúp đội tuyển Việt Nam thích nghi với nhiều đối thủ khác nhau. Đây cũng là triết lí của thời đại, được nhiều đội bóng sử dụng. Tuy nhiên, nó đòi hỏi yêu cầu rất cao về năng lực và cá tính của cầu thủ.

Điều đó thể hiện rõ ở trận giao hữu đầu tiên của đội tuyển Việt Nam áp đảo Trung Quốc về số lượng đường chuyền và tỉ lệ kiểm soát bóng. Nó tạo ra cảm giác rằng đội bóng của Troussier chơi nhỉnh hơn, thể hiện kĩ chiến thuật và khả năng phối hợp tốt hơn.

Nhưng trên thực tế, phần lớn các đường chuyền của đội tuyển Việt Nam diễn ra bên phần sân nhà, giữa các hậu vệ hoặc tuyến tiền vệ. Tới 1/3 phần sân đối phương, đội bóng của Troussier không có nhiều pha phối hợp sắc nét để tạo nên tính đột biến.

Nhiều cơ hội mà đội tuyển Việt Nam tạo ra đến từ những cú phất bóng dài hoặc nỗ lực mang tính cá nhân. Ông Troussier khẳng định, đội tuyển Việt Nam đã thành công về mục tiêu. Tuy nhiên, người hâm mộ tự hỏi “đích đến” của đội tuyển Việt Nam là gì nếu không phải bàn thắng và kết quả có lợi?

Thứ nữa, lối chơi kiểm soát lâu nay vẫn bị xem là rủi ro. Cái giá phải trả là rất lớn nếu cách chơi này không đạt tới sự nhuần nhuyễn. Chỉ với 1 đường chuyền hỏng, đội tuyển Việt Nam sẽ rơi vào tình thế khó khăn. Điều đó thể hiện rõ ở bàn thua thứ 2 ở trận gặp Trung Quốc.

Cần phải lưu ý thêm rằng ở trận giao hữu ngày 10/10 vừa qua, Trung Quốc không chơi pressing quá gắt. Đội bóng của ông Jankovic chỉ thực sự tranh chấp quyết liệt bên phần sân nhà. Nhờ đó, đội tuyển Việt Nam phát huy tốt khả năng phối hợp và chuyền bóng bên phần sân nhà hoặc khu trung tuyến. Rủi ro sẽ cao hơn nếu thầy trò huấn luyện viên Troussier chạm trán những đối thủ chơi pressing mạnh mẽ.

Tất nhiên, trong bóng đá, kịch bản có thể thay đổi chỉ với 1 tình huống. Nếu tận dụng tốt các cơ hội tạo ra trong hiệp 1, đội tuyển Việt Nam có thể đã đánh bại Trung Quốc.

Nhưng mọi thứ đã diễn ra theo chiều ngược lại. Trung Quốc không quá cầu kì về lối chơi nhưng điều quan trọng là họ thi đấu hiệu quả, biết đánh vào điểm yếu của hàng thủ Việt Nam để ghi bàn và giành chiến thắng chung cuộc.

Truyền thông Trung Quốc đã chê bai màn trình diễn của thầy trò Jankovic dù thắng 2-0. Nhưng khán giả Việt Nam cũng chẳng thể hài lòng với kịch bản “chơi hay vẫn thua”. Ở vòng loại World Cup 2026, yếu tố quan trọng nhất vẫn là điểm số và cơ hội tiến sâu.

Sau trận gặp Trung Quốc, đội tuyển Việt Nam theo lịch giao hữu tháng 10 còn gặp Uzbekistan. Đội bóng này vẫn có lối chơi nhanh, mạnh mang dáng dấp của bóng đá hiện đại. Dù kiểm soát bóng phối hợp tấn công ngắn nhỏ hay chơi bóng dài, tạt bóng không chiến mạnh mẽ thì các cầu thủ đại diện cho bóng đá Trung Á đều vận hành một cách thuần thục. Đó là một bài test cho khả năng phòng ngự cũng như tổ chức sắp xếp ổn định đội hình của đội tuyển Việt Nam trước một tập thể chơi bóng với cường độ và áp lực cao.

Bài test cuối cùng của đợt tập trung này sẽ là màn so tài đỉnh cao với đội tuyển Hàn Quốc trên sân Suwon (17/10), nơi từng tổ chức các trận đấu tại World Cup. Theo cựu tuyển thủ Đặng Phương Nam, đội chủ nhà dưới sự dẫn dắt của huấn luyện viên Jurgen Klinsmann và các siêu sao hàng đầu châu Á như Son Heung-min, Lee Kang-in, Hwang Hee-chan, Hwang Ui-jo hay Cho Gue-sung… rõ ràng là một thử thách cực đại với các tuyển thủ Việt Nam. Có lẽ trong trận đấu đó, yếu tố thành tích thắng thua không đặt nặng mà những chỉ số chuyên môn, những lát cắt chuyên môn mới cần ban huấn luyện đặt ra và phân tích một cách tỉ mỉ, kỹ lưỡng.

Sức tấn công cực mạnh cùng khả năng kiểm soát bóng điêu luyện của Hàn Quốc, Uzbekistan sẽ là bài kiểm tra nặng ký với đội tuyển Việt Nam.

Huấn luyện viên Troussier rất kiên định với triết lí của mình. Ông đã chịu khó tìm tòi, trao cơ hội cho rất nhiều cầu thủ trẻ để hi vọng tìm được những cá nhân tốt nhất phục vụ triết lí của mình. Đó là điều tốt, rất đáng trân trọng. Nhưng như đã nói ở trên, triết lí của ông đòi hỏi yêu cầu rất cao để đạt tới sự nhuần nhuyễn và hiệu quả. Nó phụ thuộc rất lớn vào năng lực và cá tính của cầu thủ.

Điều đáng bàn là từ nay tới khi khởi tranh vòng loại thứ 2 World Cup 2026, đội tuyển Việt Nam chỉ còn hơn khoảng 3 tuần nữa để chuẩn bị.

Chiến lược gia người Pháp đã khẳng định quan điểm chiến thuật, rằng “đấu với Lào sẽ khác đấu với Brazil, do đó cần linh hoạt tùy theo đối thủ”. Trước đối thủ mạnh, đội tuyển Việt Nam vẫn sẽ chơi kiểm soát, nhưng cụm từ “kiểm soát” ở đây cần hiểu rằng chỉ là tiêu chí hướng tới.

Tức là khi có bóng, cầu thủ sẽ cố gắng kiểm soát nhịp độ, triển khai bóng tuần tự để phá vỡ áp lực của đối thủ. Các pha tấn công cũng sẽ được thực hiện bài bản, có tính toán, thay vì chuyền dài hay tạt cánh thuần túy.

Còn khi không có bóng, đội tuyển Việt Nam phải kiểm soát được không gian, không thể chỉ lùi về chống đỡ bằng số đông, mà biết cách pressing hiệu quả, gây áp lực phù hợp ở từng khu vực, vừa hạn chế được sức mạnh, vừa giữ được quyền chủ động để tổ chức phản đòn ngay khi giành lại bóng.

Nhưng, ở cuộc chơi chất lượng và đỉnh cao như vòng loại World Cup, tất cả những toán tính của ông Troussier mới chỉ dừng ở lý thuyết. Vào trận, đội tuyển Việt Nam có lẽ đang đối mặt quá nhiều nguy cơ.

Giải vô địch bóng đá thế giới - FIFA World Cup 2026 có 48 đội tham dự vòng chung kết. FIFA phân bổ cho khu vực châu Á 8,5 suất. Theo kết quả bốc thăm, thầy trò HLV Philippe Troussier nằm ở bảng F với các đội Iraq, Philippines và Indonesia. Theo lịch thi đấu, trong năm 2023, đội tuyển Việt Nam thi đấu 2 trận. Đầu tiên là chuyến đến làm khách trên sân Philippines vào ngày 16/11, sau đó là trận tiếp đón Iraq vào ngày 21/11.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Hình ảnh minh họa về Hạng A Cháng do AI tạo ra. Ảnh minh họa: TG

Hai mặt của trí tuệ nhân tạo

GD&TĐ - Trí tuệ nhân tạo (AI) đang dần trở thành một công cụ hỗ trợ mạnh mẽ trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là giáo dục.

Binh lính Đức Quốc xã giương cờ trắng đầu hàng ngày 13/5/1945.

Cờ trắng đầu hàng có từ khi nào?

GD&TĐ - Trong chiến tranh, khi xét thấy không thể chống cự lại đối phương, đội quân yếu thế thường giương một lá cờ trắng biểu thị sự đầu hàng.