Báo cáo về tình hình vaccine ngừa Covid-19 tại cuộc họp Thường trực Chính phủ chiều 15/2, Thứ trưởng Y tế Trương Quốc Cường cho biết, Bộ đã khẩn trương để tiếp nhận vaccine của chương trình COVAX và nguồn nhập khẩu; đã hoàn thành xong các khâu thủ tục.
Theo ông Trương Quốc Cường, cả hai nguồn này, nếu các chuyến bay sắp xếp tốt, kịp thời, thủ tục hoàn thiện tốt thì cuối tháng 2 vaccine sẽ về Việt Nam. Dự kiến số lượng vaccine từ nguồn COVAX có khoảng 4,88 triệu liều và nhập khẩu hơn trăm nghìn liều. Tổng cộng sẽ có gần 5 triệu liều vaccine.
“Như vậy, chúng ta sẽ tiêm mũi thứ nhất khoảng 5 triệu người. Sau 3 tháng chúng ta sẽ có thêm 5 triệu liều khác. Đây là một tin rất vui”, Thứ trưởng Y tế cho hay.
Về phương án tiêm vaccine, ông Cường cho biết sẽ ưu tiên cho những người làm công tác chống dịch đầu tiên và các lực lượng khác.
AstraZeneca là vaccine được Tổ chức Y tế thế giới chấp thuận sử dụng khẩn cấp. Quyết định này sẽ bật đèn xanh cho việc phân phối vaccine COVID-19 của AstraZeneca tới các quốc gia có thu nhập thấp thông qua cơ chế COVAX.
Thông tin trên VTV, PGS.TS Lê Văn Truyền – Chủ tịch Hội đồng tư vấn Cấp giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, sau khi xem xét ý kiến thẩm định của chuyên gia, cũng như sau khi 12 thành viên hội đồng thảo luận trong cuộc họp kéo dài 3 giờ đồng hồ, Hội đồng tư vấn đã nhất trí biểu quyết thống nhất trình Bộ trưởng Bộ Y tế phê duyệt cấp phép cho vaccine AZD1222 của AstraZeneca do nhu cầu cấp bách phòng chống COVID-19 ở Việt Nam.
Lý giải vì sao Việt Nam chọn AstraZeneca, ông Truyền cho hay, vaccine này có thuận lợi là yêu cầu về bảo quản ở nhiệt độ 2-8 độ C, tức là có thể bảo quản trong tủ lạnh, khác với nhiều vaccine khác là phải bảo quản ở nhiệt độ -80 độ C, điều khó có thể đảm bảo ở nhiều quốc gia khi tổ chức tiêm vaccine trên diện rộng.
AstraZeneca đã có cơ sở sản xuất ở Anh, Italy và Đức. Gần đây, AstraZeneca đã chuyển giao công nghệ, hợp tác với Ấn Độ, Thái Lan và Hàn Quốc. AstraZeneca cũng đã tham gia chương trình COVAX do WHO đề xướng.
Cũng theo ông Truyền, đơn vị nhập khẩu và phân phối vaccine ngừa COVID-19 có thể là một doanh nghiệp nhưng phải có kinh nghiệm và tiềm lực tài chính vì nhập với số lượng khá lớn.
Ngoài ra, đơn vị này cần có kho đạt tiêu chuẩn mà nhà sản xuất yêu cầu, có năng lực phân phối cho Nhà nước, Bộ Y tế, tổ chức tiêm vaccine hỗ trợ cho hệ thống của Nhà nước.
Theo ông Truyền, chi phí tiêm cho các đối tượng ưu tiên lấy từ ngân sách Nhà nước. Về đối tượng được tiêm lô vaccine đầu tiên, Ủy ban quốc gia phòng chống COVID sẽ có đề xuất ưu tiên cho đối tượng nào trước.
Trước đó, thông tin trên báo chí, theo ông Lê Văn Truyền - chủ tịch Hội đồng tư vấn cấp giấy đăng ký thuốc và sinh phẩm y tế của Bộ Y tế, nguyên thứ trưởng Bộ Y tế, hôm 28/1 hội đồng này đã họp khẩn về việc xem xét phê duyệt vaccine AZD1222 của AstraZeneca, theo quy định trong khoản 1, điều 67, nghị định 54 của Chính phủ (nhập khẩu cho nhu cầu khẩn cấp phòng chống dịch bệnh).
Ông Truyền cho biết 100% thành viên hội đồng đã thống nhất trình bộ trưởng Bộ Y tế phê duyệt nhập khẩu vaccine này.
Cũng theo ông Truyền, hiện đã có khoảng 10 nước cho lưu hành 1 năm hoặc nhập khẩu khẩn cấp/có điều kiện vaccine của AstraZeneca. Ở Việt Nam, đơn vị có trách nhiệm đã nộp hồ sơ hôm 6-1, các chuyên gia đã xem xét đánh giá trước khi Hội đồng tư vấn xem xét hôm 28/1.
Trong nước hiện có 2 loại vaccine ngừa COVID-19 là NanoCovax và Covivax. Trong tháng 3, Covivac thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1 còn NanoCovax thử nghiệm ở giải đoạn 2. Trước đó, NanoCovax đã thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1 và được đánh giá an toàn, tạo ra phản ứng miễn dịch tốt, có hiệu quả đối với virus SARS-CoV-2.