Cuốn sách được xuất bản tại NXB Lao Động, do Công ty cổ phần sách Alpha Books phát hành. Nhân vật trung tâm của tiểu thuyết chiến tranh đang được chú ý trên văn đàn có tên Sara - nghĩa là “Rượu” trong tiếng Campuchia - một con chó nhách có huyền đề kép lang thang xin ăn được Phong lượm về ở bến cá bên bờ Tonle Sap.
Từ mối duyên lành đó, số phận của nó gắn liền với số phận những người lính trinh sát thuộc một tiểu đoàn chủ lực, dọc ngang mọi nẻo chiến trường trên đất nước Chùa Tháp.
Sara không khác với các con chó trung đội Phong từng bầu bạn và… chén thịt trước đây nhưng nó đã thoát chết do sở hữu cái huyền đề kép theo kinh nghiệm dân gian là quý tướng loài cẩu hay vì sự trống vắng, tàn khốc do chiến tranh gây ra? Đội trinh sát 12 người, đã tử trận 4, anh em chí cốt lần lượt ra đi để lại quá nhiều khoảng trống lạnh lẽo, sự trống vắng thấu tim cảm nhận rõ rệt nhất trong những ca gác đêm mỗi đầu hai vọng.
Vậy là Sara không bị giết, được ăn cơm lính và trở thành đứa bạn đêm trường thính tai, biết sủa, đỡ đần các ca gác thiếu người… Những con chó trung thành vẫn luôn xuất hiện như thế, khi mà người ta khốn khó, cô độc và đau thương nhất!
Anh bạn bốn chân này được tác giả miêu tả như một nhân vật rất khôn ngoan và tình cảm. Sara thấu hiểu từng ngõ ngách tâm tư của các ông chủ, biết thân biết phận thực thi nhiệm vụ được giao nhưng cũng luôn đòi hỏi được đối xử công bằng, đúng tinh thần “chó có suất”.
Tình cảm giữa chú chó hoang và những người lính ngày càng khăng khít sau những lần “tác chiến” bắt rắn mối, băng qua “cơn mưa” đạn pháo hay đối diện với những mẩu vụn thịt người rã nát, thối khắm nồng nặc… Ấn tượng nhất là những phen cứu mạng thót tim: trong một lần đánh chiến dữ dội, Sara với linh tính của chú chó chiến, đã kịp thời báo cho chủ về quả lựu đạn M67 giấu trong áo một đứa trẻ.
Tác giả khắc họa Sara như một nhân chứng chiến tranh ấn tượng, chú vật vã đi tìm dấu vết chủ của mình, dù bị bỏ quên vẫn quay về sau mấy ngày lưu lạc như một lữ khách chân chính. Tình nghĩa keo sơn đâu phải một sớm một chiều nên bắt gặp một mùi hương quen thuộc, hay cử chỉ búng tay của anh lính lạ cũng khiến nó bồi hồi, xao xuyến.
Sara qua ngòi bút Trung Sỹ được nhân cách hóa vô cùng sinh động, biết sán đến ve vãn các nàng chó như một gã “trai lơ” bụi bặm đích thực; biết vênh váo, hãnh diện khoe chiến tích trước sự thán phục của bầy chó cái; biết giả vờ nịnh bợ các ông chủ; biết đau đớn, tức tưởi khi bạn tình bị giết; biết nhớ nhung tình nghĩa với cô chủ cũ…
Cuốn theo những trang sách, độc giả cảm nhận hai năm chinh chiến dường như dài bằng nửa đời người. Những mảnh xác người vương vãi khắp chốn, chiếc bi đông cạn khô khai nồng mùi nước tiểu, đôi mắt trõm sâu một em bé gần chết đói đăm đăm nhìn nắm cơm vắt của Phong hay xác con voi đen toác bụng ngầu máu đỏ?
Sara đôi khi là hiện thân của những người lính can trường nhưng cũng bị bủa vây bởi nỗi cô đơn. Họ có thể không màng đến tính mạng trong những trận đánh sinh tử nhưng đêm về vẫn đối diện với bao khát khao rất đời thường, dằn vặt nỗi nhớ nhà, cháy bỏng trong tim ước mơ hòa bình và ngày về bình yên trong vòng tay mẹ. “Có những thứ trên đời kim bất hoán, là tính mạng người lính, bây giờ không phải của anh mà thuộc về mẹ anh đang trông chờ…”.
Cách tiếp cận và miêu tả chiến tranh của tác giả với sự xuất hiện của Sara khiến cho cuộc chiến bớt phần nào bi thương, áng văn cuồn cuộn chất lính, thấm thía chất đời và để lại trong lòng người đọc thật nhiều suy ngẫm, day dứt khôn nguôi: “Sara ươn ướt mắt, âu yếm ngắm ân nhân cũ trong chiếc áo vá rộng thùng thình của Phong. Bóng đêm giấu bớt đi vẻ khổ hạnh, phô ra những nét thanh tú của cô chập chờn trong ánh lửa. Hương ngọt đường cô chủ ngày xưa giờ có thêm mùi mồ hôi mặn vai áo lính. Đã lâu lắm những mùi đời thường thân quen này mới trở lại…”.