Đối thoại trực tiếp giữa Hội đồng trẻ em với thường trực HĐND tỉnh Kon Tum: Những lo lắng được giãi bày

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Học sinh vùng sâu, vùng xa tỉnh Kon Tum mong rằng được hỗ trợ thêm nhiều đầu sách trong thư viện nhằm mở rộng kiến thức, kỹ năng xã hội. Bên cạnh đó, trang thiết bị, phòng học để đáp ứng nhu cầu học môn Tin học cũng được các em đặc biệt quan tâm.

Em Y Nga mong muốn có những chính sách đặc thù để hỗ trợ những học sinh nhà xa không có phương tiện đến trường.
Em Y Nga mong muốn có những chính sách đặc thù để hỗ trợ những học sinh nhà xa không có phương tiện đến trường.

Tăng cường bảo vệ trẻ em

Ngày 25/7, tỉnh Kon Tum tổ chức chương trình đối thoại trực tiếp giữa Hội đồng trẻ em với thường trực HĐND tỉnh lần thứ hai năm 2022. Tại đây, em Phan Phúc Phú, học sinh Trường THCS - THPT Liên Việt (TP Kon Tum, tỉnh Kon Tum) nhận thấy một số bạn có dấu hiệu bị xâm hại tình dục và bạo lực gây tâm lý hoang mang, lo lắng, sợ hãi không dám chia sẻ cùng ai. Chính vì vậy, Phú mong cơ quan chức năng có biện pháp ngăn chặn và xử lý những trường hợp này.

Giải đáp băn khoăn của học sinh, ông Nguyễn Thanh Tính, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Kon Tum cho hay: Năm 2021, trên địa bàn tỉnh xảy ra 15 vụ xâm hại trẻ em. Còn 6 tháng đầu năm 2022, toàn tỉnh ghi nhận 3 vụ.

Theo ông Tính, trong những năm qua ngành LĐ-TB&XH đã phối hợp với ngành Giáo dục, Tỉnh đoàn, Hội Liên hiệp phụ nữ… có chương trình truyền thông nâng cao nhận thức, cung cấp kiến thức cho trẻ em, cha/mẹ/người chăm sóc về nhận biết và phòng ngừa hành vi bạo lực, xâm hại.

Bên cạnh đó, ngành thiết lập đầu mối thông tin để kịp thời phát hiện, thông báo, tố giác hành vi bạo lực xâm hại trẻ em. Đồng thời quảng bá tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em 111 và Phòng Công tác xã hội của Trung tâm Bảo trợ, Công tác xã hội tỉnh trong việc tư vấn, can thiệp, hỗ trợ trẻ em bị bạo lực, xâm hại. Đặc biệt, đơn vị kiên quyết xử lý nghiêm người có hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em.

Cũng theo ông Tính, hệ thống bảo vệ trẻ em được thiết lập từ cấp tỉnh đến xã; tổ chức tập huấn hằng năm nhằm nâng cao năng lực, thực hiện các hỗ trợ, can thiệp đối với trẻ em là nạn nhân của bạo lực, xâm hại. Do đó, trong những năm qua, 100% các sự việc xâm hại, bạo lực trẻ em trên địa bàn tỉnh khi phát hiện đều được can thiệp, xử lý đúng quy định của pháp luật.

“Các em có thể chủ động trao đổi với thầy cô giáo, cán bộ bảo vệ trẻ em cấp xã, qua đường dây nóng… nhằm chia sẻ, trình báo các sự việc xâm hại, bạo lực. Qua đó, được hỗ trợ, can thiệp kịp thời”, ông Tính nói.

Ông Đoàn Thành Nhân, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Kon Tum trả lời câu hỏi của các em.

Ông Đoàn Thành Nhân, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Kon Tum trả lời câu hỏi của các em.

Thêm nhiều sách cho thư viện

Dù ở một huyện nghèo của tỉnh nhưng em Nguyễn Hữu Phong, học sinh Trường THCS Đắk Glei (huyện Đắk Glei, Kon Tum) luôn mong muốn học tập, mở mang kiến thức để làm giàu cho quê hương. Tuy nhiên, nguồn sách trong thư viện rất ít nên em mong được hỗ trợ thêm sách.

Về vấn đề này, ông Đoàn Thành Nhân, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT cho hay, những năm qua ngành Giáo dục tỉnh Kon Tum đã chỉ đạo các trường xây dựng và duy trì hoạt động thư viện trường học bảo đảm theo quy định. Đặc biệt là việc trang bị sách và các loại báo, tranh ảnh giáo dục, băng đĩa giáo khoa, sách điện tử… phục vụ nhu cầu học tập của học sinh và giảng dạy của giáo viên.

Ngoài ra, trong năm học qua, Sở GD&ĐT phối hợp với Sở Thông tin truyền thông và các địa phương tổ chức trao tặng sách cho 3 thư viện trường học. Đồng thời kêu gọi các nhà hảo tâm tài trợ Thư viện ước mơ cho 8 trường học vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.

Bên cạnh đó, Sở GD&ĐT cũng khuyến khích các đơn vị thông qua hoạt động xã hội để chia sẻ, ủng hộ sách cho học sinh vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng khó khăn. Đơn vị vùng sâu vùng xa đã hình thành các câu lạc bộ đọc sách nhằm tăng cường Tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số.

Tương tự, em Y Nga, học sinh Trường THCS Đắk Ruồng (huyện Kon Rẫy, Kon Tum) lo lắng khi nhiều bạn phải đi học xa nhưng hoàn cảnh khó khăn, không có phương tiện đi lại. Do đó, những học sinh này thường theo cha mẹ đi rẫy, ngủ nhà đầm... nên nguy cơ bỏ học rất cao. Chính vì vậy, em Y Nga mong muốn có những chính sách đặc biệt để hỗ trợ, khích lệ hoàn cảnh khó khăn vượt khó vươn lên trong học tập.

“Công nghệ thông tin đã và đang phát triển mạnh mẽ nên việc học rất quan trọng và cần thiết. Thế nhưng, ở một số trường chưa có máy tính, phòng tin học. Do đó, em mong các cấp chính quyền có giải pháp hỗ trợ máy tính, phòng học, trang thiết bị phục vụ việc dạy Tin học để chúng em có điều kiện được học tập tốt hơn”, em Y Nga nói.

Chia sẻ cùng băn khoăn của học sinh, ông Đoàn Thành Nhân cho hay: Nhà nước có nhiều chính sách hỗ trợ cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn như Nghị định số 116 quy định chính sách hỗ trợ học sinh và trường phổ thông ở xã, thôn đặc biệt khó khăn, trong đó có chính sách ở bán trú hay Nghị định số 81 hỗ trợ chi phí học tập, miễn, giảm học phí.

Tuy nhiên, hiện chưa có chính sách về hỗ trợ phương tiện đi học cho học sinh. Do đó, tỉnh Kon Tum đang triển khai Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào dân tộc thiểu số”. Qua đó bằng những kiến thức đã học được người dân áp dụng vào cuộc sống để vươn lên thoát nghèo; nâng cao nhận thức về vai trò, ý nghĩa của việc giáo dục và chăm sóc đối với tương lai con em. Đồng thời các trường, địa phương đã thực hiện công tác xã hội hóa, kêu gọi các nhà hảo tâm để có nguồn kinh phí hỗ trợ cho học sinh về trang thiết bị học tập, xe đạp đến trường và bữa ăn bán trú…

Đối với phòng học và thiết bị phục vụ môn Tin học, ông Nhân cho hay: Năm học 2021 - 2022, ngành Giáo dục đã đầu tư 42 phòng học tin học với tổng cộng 1.300 máy tính cho 42 trường trên địa bàn toàn tỉnh với kinh phí trên 28 tỷ đồng. Tuy nhiên, trong điều kiện còn khó khăn, các trường học vẫn thiếu 87 phòng học tin học. Do đó, trong năm học 2022 - 2023, ngành tiếp tục tham mưu các cấp, huy động nguồn lực bố trí cho việc đầu tư, mua sắm máy vi tính để các trường có điều kiện học tập tốt hơn, đặc biệt là học sinh lớp 3 học Chương trình GDPT 2018.

“Từ nguồn tài trợ Chương trình “Sóng và máy tính cho em”, ngành Giáo dục tổ chức mua sắm 13.861 máy tính bảng cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn được tiếp cận với máy tính với kinh phí 35 tỷ đồng”, ông Nhân nói.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ