'Đối thoại' để tìm hướng mới trong hội họa

GD&TĐ - Triển lãm 'Đối thoại với dòng tranh dân gian Hàng Trống' tại tiền đường Nhà Thái học Văn Miếu – Quốc Tử Giám, mở cửa đến 31/7.

Các tác phẩm tham gia triển lãm của họa sĩ Đàm Hồng Dương. Ảnh: Thế Sơn.
Các tác phẩm tham gia triển lãm của họa sĩ Đàm Hồng Dương. Ảnh: Thế Sơn.

Đến tiền đường Nhà Thái học Văn Miếu – Quốc Tử Giám, du khách sẽ được chiêm ngưỡng những bức tranh độc đáo trong triển lãm “Đối thoại với dòng tranh dân gian Hàng Trống”, mở cửa đến 31/7. Với góc nhìn riêng cùng sự năng động, sáng tạo, các họa sĩ trẻ có hướng mới khá thú vị.

Hình ảnh độc đáo

Tham gia triển lãm với các tác phẩm “Âm dương hòa hợp”, “Vinh hoa - Phú quý”, “Thần bảo vệ”, họa sĩ Đàm Hồng Dương cho biết, những tác phẩm này đều được chị lấy cảm hứng từ những bức tranh Hàng Trống rất đẹp và ấn tượng. Đó không chỉ là những bức tranh truyền thống của Việt Nam, mà còn đem lại may mắn cho mỗi gia đình.

Trước đây, những bức tranh về Mẫu, ông Hổ hay các vị thần có thể được người dân thờ trong nhà để cầu bình an thì hiện nay mọi thứ hiện đại hơn kết nối những giá trị văn hóa xưa kết hợp với chất liệu truyền thống để đem đến những bức tranh mới lạ có thể phổ biến đến với người xem.

“Họa sĩ Nguyễn Thế Sơn (giảng viên Khoa Các khoa học liên ngành, Đại học Quốc gia Hà Nội) và nhóm của chúng tôi đã cùng lên ý tưởng để cách tân trên dòng tranh Hàng Trống thông qua chất liệu truyền thống của hội họa Việt Nam là lụa và sơn mài, đem đến những hình ảnh mới, độc đáo, ứng dụng nhiều hơn khi có thể dùng để trang trí, sưu tầm chứ không chỉ là tranh thờ như trước kia.

Các tác phẩm vẫn giữ được nét truyền thống, giữ hình ảnh của tranh dân gian Hàng Trống và đem lại ý nghĩa may mắn, bình an cho gia chủ mà lại có tính trang trí ở mọi không gian, tạo nên điểm nhấn cho mỗi gia đình. Chất liệu mà chúng tôi hướng tới là lụa vì nó có độ mềm mại, trong trẻo tạo nên chất riêng, gây hứng thú hơn cho người xem”, họa sĩ Đàm Hồng Dương cho hay.

Khi thực hiện tác phẩm “Hạ phàm”, họa sĩ Phạm Thủy Tiên lấy cảm hứng từ điển tích Quỳnh Hoa - Quế Hoa trong dòng tranh thờ Mẫu nổi tiếng của tranh Hàng Trống. Chị liên tưởng đến một khung cảnh hạ phàm, rong chơi như những nàng tiên với hoa cỏ, rừng núi, chim chóc, một khung cảnh thanh bình của sự hòa hợp giữa thiên - địa - nhân ngay giữa lòng Hà Nội.

Tác phẩm 'Hạ phàm' của họa sĩ Phạm Thủy Tiên được treo lơ lửng trên cao. Ảnh: Thế Sơn.

Tác phẩm 'Hạ phàm' của họa sĩ Phạm Thủy Tiên được treo lơ lửng trên cao. Ảnh: Thế Sơn.

“Khi quan sát tranh dân gian Hàng Trống, với những suy nghĩ, lối sống, tư tưởng, góc nhìn riêng của người trẻ về quá khứ khiến tôi đặt ra những thắc mắc: Tại sao bức tranh này lại được vẽ như vậy, bức tranh này phản ánh điều gì cũng như chúng được làm ra như thế nào? Và chính những bức tranh đã trả lời bởi sự hiện hữu của nó.

Từ việc “đối thoại” dẫn đến các nhận thức về sự tìm hiểu cũng như thúc đẩy người trẻ lần lại quá khứ và tìm hiểu về cách mà ông cha đã từng làm để có thể sáng tạo nên những tác phẩm như vậy”, họa sĩ Phạm Thủy Tiên diễn giải.

Bên cạnh đó còn có tác phẩm “Xua mây” của Đặng Phương Linh lấy cảm hứng từ bức “Bạch hổ” và “Ngũ hổ thần tướng”, có bố cục và màu sắc hoàn toàn mới mẻ theo ý tưởng riêng của người nghệ sĩ. Hay tác phẩm “Chơi vơi” của Hoàng Tiến Quyết, “Gặp” của Bùi Kim Hiền và Nguyễn Cẩm Nhung… đã có những ý tưởng vượt ra khỏi sự gò bó của khung tranh với những suy tưởng và cảm nhận riêng về đời sống.

Chính những cách thể hiện, màu sắc, phong cách và ngôn ngữ hội họa riêng vượt ra khỏi giới hạn cũ của từng nghệ sĩ đã trở thành cuộc “đối thoại” sâu sắc giữa dòng tranh dân gian truyền thống với hội họa hiện đại. Những cuộc “đối thoại” đó đã thể hiện được niềm tự hào, tình yêu và niềm đam mê được lan tỏa dòng tranh dân gian của Việt Nam.

Cần thêm thời gian để đào sâu

Để ứng tác với tranh dân gian Hàng Trống, họa sĩ Lê Thị Hải Yến đã vẽ hình tượng hổ kết hợp với chòm sao Bắc Đẩu và Mặt trời phía trên để nói lên ý nghĩa nguồn thiên văn và thuyết ngũ hành trong tranh dân gian Hàng Trống.

Sự phối hợp uyển chuyển đường nét và màu sắc lộng lẫy, uy linh trên tranh Hàng Trống được kết hợp cùng nhiều chất liệu đặc tả của sơn mài, tạo nên hình tượng “Ông Ba Mươi” mới lạ nhưng vẫn giữ được nét uy nghiêm. Hay trong tác phẩm “Ngày ngủ”, họa sĩ Đặng Phương Linh đã lấy cảm hứng từ hình tượng hổ trong tranh Hàng Trống - “Ngũ hổ”.

Bên cạnh đó, các họa tiết và hoa văn cũng được cách điệu theo hướng khác nhằm mang tới sự mới lạ cho diện mạo hổ. Sự ngăn cách ngày và đêm thể hiện hai mặt tính cách trong hình tượng cũng như trong mỗi con người, lúc dữ dội, quyết liệt, lúc trầm lắng, ôn nhu.

Họa sĩ Đặng Phương Linh bên tác phẩm của mình tại triển lãm. Ảnh: NVCC.

Họa sĩ Đặng Phương Linh bên tác phẩm của mình tại triển lãm. Ảnh: NVCC.

Theo họa sĩ Đặng Phương Linh, khi lấy bức “Ngũ hổ” làm cảm hứng, sự sắp xếp của màu sắc theo quan niệm ngũ hành đã tạo nên độ hài hòa tài tình nhưng vẫn giữ được nét tự nhiên, không gượng ép.

Ngoài ra, ý nghĩa của bức tranh không chỉ uy lực, vững chãi mà cả sự linh hoạt, uyển chuyển cũng như một lời nhắc nhở chị về việc cân bằng trong mọi mặt cuộc sống. Sẽ thật khó có trắng đen rõ ràng nhưng nếu bản thân biết cứng cỏi và mềm dẻo đúng lúc, khi ấy sẽ đạt được sự hài hòa và tận hưởng được sắc màu muôn vẻ của cuộc sống.

“Tôi nghĩ, bản thân đã được học hỏi nhiều trong quá trình tìm hiểu về dòng tranh này. Ngoài ra, việc sử dụng chất liệu khác (sơn dầu) với bảng màu cá nhân, kết hợp lối tạo hình tranh Hàng Trống là cách tôi thử nghiệm, thêm sự mới mẻ cho tranh dân gian truyền thống. Tuy nhiên xét về góc độ sâu hơn là đối thoại về mặt tư tưởng, giữa quan niệm xưa và nay, những va chạm giữa các thế hệ, tôi nghĩ mình vẫn cần thêm thời gian để đào sâu, khai thác thêm về khía cạnh này”, họa sĩ Đặng Phương Linh bộc bạch.

Theo họa sĩ Nguyễn Thế Sơn, giám tuyển của triển lãm, đây là dịp hiếm có mà những người kể cả chưa biết dòng tranh Hàng Trống, du khách quốc tế có thể được nhìn thấy mạch nguồn không bị đứt gãy từ mỹ thuật truyền thống của nghệ nhân và được tiếp tục phát triển trở thành những tác phẩm độc bản của họa sĩ trẻ.

“Triển lãm lần này cũng là nỗ lực kéo dài và thúc đẩy quá trình đưa những không gian di sản truyền thống trong đô thị tham gia sâu sắc hơn vào bức tranh của nền công nghiệp văn hóa sáng tạo, biến các không gian di sản truyền thống trở thành một mắt xích quan trọng thu hút sự sáng tạo của giới trẻ cũng như sự quan tâm của cộng đồng”, ông Sơn bày tỏ.

“Nhiều năm qua, tôi đã cố gắng nâng cấp toàn bộ số tranh mà cha ông ta để lại trong khi vẫn cố gắng giữ gìn được nét văn hóa truyền thống của Hà Nội cũng như của Việt Nam. Chúng ta không thể đứng ngoài sự vận động của xã hội, vấn đề là chúng ta thay đổi thế nào mà vẫn giữ được bản sắc. Quan sát các bức tranh tại đây, tôi thấy được góc nhìn mới mẻ ẩn chứa những khát khao sáng tạo của các họa sĩ trẻ” - Ông Lê Đình Nghiên, nghệ nhân tranh dân gian Hàng Trống.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ