Đối thoại chính sách chiến lược và kế hoạch tổng thể giáo dục đại học

GD&TĐ - Chiều 16/6, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ có buổi đối thoại với nguyên Bộ trưởng Giáo dục - GS Lee và nguyên Bộ trưởng Bộ Tài chính - GS Barh của Hàn Quốc về chính sách chiến lược và kế hoạch Tổng thể Giáo dục đại học.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ (bên phải) phát biểu tại buổi đối thoại
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ (bên phải) phát biểu tại buổi đối thoại

Theo Nhóm Đối thoại Giáo dục, tầm nhìn đến năm 2035, giáo dục đại học của Việt Nam sẽ đáp ứng hiệu quả và linh động với những đòi hỏi của xã hội, cả về phương diện kinh tế lẫn kỹ thuật. Thông qua đó đóng góp cho năng lực cạnh tranh quốc gia và sự thịnh vượng của người dân.

Ngoài ra, giáo dục đại học Việt Nam sẽ mở cửa với thế giới, tạo ra sản phẩm giáo dục với chất lượng và mức độ phù hợp cao, đồng thời hướng tới những giá trị nhân bản chung của nhân loại nhưng vẫn bảo tồn những giá trị truyền thống của Việt Nam. Mặt khác, sẽ đảm bảo sự công bằng và cơ hội tiếp cận giáo dục đại học cho nhóm sinh viên thiệt thòi và thiểu số.

Các cơ sở giáo dục đại học sẽ hình thành 3 tầng sau đây: Đại học định hướng nghiên cứu; đại học định hướng kỹ thuật và nghề nghiệp; các trường cao đẳng nghề, cao đẳng cộng đồng.

Phát biểu tại buổi đối thoại, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh: Việt Nam có thể học hỏi bài học kinh nghiệm đáng quý từ quá trình đổi mới và phát triển giáo dục đại học của Hàn Quốc.

Vì vậy, Bộ trưởng đề xuất phía Hàn Quốc có thể chia sẻ kinh nghiệm trong quá trình tái cơ cấu các trường, vai trò của Chính phủ trong giáo dục đại học; suy nghĩ của các giảng viên trong quá trình đổi mới, vấn đề tài chính và đào tạo giáo dục cho sinh viên để đáp ứng với nhu cầu thực tiễn?! Đây là những vấn đề mà phía Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng mong muốn nhận được những lời tư vấn về chuyên môn của GS Lee và GS Barh để Việt Nam có thể quy hoạch lại hệ thống các trường đại học.

Trao đổi với Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ, GS Lee - cho biết: Quá trình tái cấu trúc các trường đại học ở Hàn Quốc diễn ra tích cực. Điều quan trọng là thay đổi phương pháp sư phạm. 

Theo đó các giảng viên đều trở thành cố vấn, các trường sử dụng máy móc trí tuệ nhân tạo để gửi cho sinh viên và phát triển theo hướng hòa nhập hơn, đáp ứng yêu cầu của mọi người.

Mặt khác phải có cơ chế xử lý mạnh tay để tránh sự gian lận về chất lượng và tài chính. Để làm được điều này, Hàn Quốc đã nhận được sự ủng hộ của Thủ tướng và Tổng thống.

GS Barh - nguyên Bộ trưởng Bộ Tài chính Hà Quốc - chia sẻ: Vấn đề giảng viên là quan trọng nhất. Vì thế phải có cơ chế khuyến khích, tạo động lực để giảng viên phát triển và cống hiến. Đơn cử như những giảng viên chất lượng cao sẽ có phần thưởng cao hơn so với giảng viên có chất lượng thấp.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ