Dẫu thế nào cũng gắng lo cho con
Dựng chiếc xe máy cà tàng táp vào lề đường, người đàn ông có gương mặt gân guốc lau những giọt mồ hôi trên trán. Ông cười bắt quen với những phụ huynh cạnh đó tại điểm thi của Trường THPT Lê Quý Đôn (Hà Đông, Hà Nội): “Cũng may mấy hôm các con thi trời dịu đôi chút các bác nhỉ? Chắc sắp tới giờ kết thúc môn thi Toán rồi, chỉ sợ đón con muộn con bé lại tủi thân. Tôi vừa chạy cố một cuốc xe lên phố rồi vòng về ngay. Mà hôm nay may mắn, gặp anh thanh niên tốt bụng biết mình tranh thủ chạy xe khi đợi con thi, nên anh ấy không lấy lại tiền 30 ngàn tiền thừa. Vậy là sáng mai thêm bát phở cho con…”
Nghe ra mới biết gia đình bác ở xã Phú Lương (Hà Đông, Hà Nội), bác làm nghề xe ôm còn vợ vừa làm nông và buôn bán nhì nhằng, tằn tiện cũng chỉ đủ nuôi con. Vậy nên ba đứa con bác đều học hành chăm chỉ, biết thương ba mẹ.
Con trai lớn đang học năm thứ 3 Học viện Cảnh sát tại Cổ Nhuế nên bố mẹ hầu như không phải trợ cấp. Cô con gái thứ hai năm nay đang có dự tính nộp hồ sơ vào Trường ĐHSP Hà Nội. Bác tâm sự: “mình vất vả bao nhiêu cũng chịu được chỉ mong sao con học hành đỗ đạt sau này có cuộc sống dễ chịu hơn…” Ánh mắt của người đàn ông luôn lấp lánh niềm vui trên gương mặt cháy nắng vì dãi dầu, khi kể về những đứa con của mình.
Không đỗ đại học, vẫn còn nhiều cơ hội
Bên lề trường thi đâu đó những câu chuyện đời thường vẫn được kể cùng ánh mắt dõi vào cổng trường… trông ngóng con và hy vọng… Chưa kịp cởi bỏ mũ bảo hiểm, một người mẹ chạy nhanh theo cậu con trai, kéo lại cổ áo cho ngay ngắn với lời động viên: “Làm bài thi cẩn thận con nhé, có mẹ ngồi ngoài này đợi rồi.”. Cậu thí sinh bẽn lẽn đáp lời mẹ rồi bước vội vào cổng trường. Được biết tên chị là Đặng Thị Duyên nhà ở xã Bình Đà (Thanh Oai, Hà Nội).
Chị Duyên cười phân trần với những phụ huynh xung quanh: “Bố cháu bận đi xây thế nên em đưa con thi. Mọi ngày nó vẫn tự đi xe đạp điện để đi học, hôm nay nói mãi nó mới đồng ý để mẹ chở đi. Mười hai năm ăn học nên kỳ thi này quan trọng lắm.
Được cái, thằng bé học sáng dạ năm nào cũng được giấy khen mang về. Hai môn thi Toán, Văn cháu nói là làm cũng tốt. Sáng nay thi Ngoại ngữ chắc lo lắng nên tối qua ăn ít lại còn bị sốt, thành ra em không yên tâm… Mà các bác ạ em cũng nghĩ rồi mong con đỗ đại học, nhưng dù không được năm nay thì năm sau lại thi tiếp hoặc học nghề gì mà con thấy hợp”.
Cũng có chung quan điểm trên, anh Trần Văn Nam nhà ở phố Xốm (Hà Đông, Hà Nội) cũng bày tỏ: “Bố mẹ có thể cố gắng về kinh tế, nhưng việc học hành và chọn nghề là của con cái. Theo tôi thời bây giờ không nhất nhất cứ phải thi đại học cho bằng được. Bọn trẻ chọn được ngành nghề vừa phù hợp với năng lực và sở thích, thì các con mới phát huy được thế mạnh của mình.
Vậy nên kỳ thi này tôi cũng không quá áp lực cho con. Tuy nhiên dù cách xa trường thi có hơn 3 km nhưng tôi vẫn gác lại công việc để đưa con đi thi. Chả gì thì vượt qua được kỳ thi này con cái mình sẽ bước sang một bước ngoặt mới. Các con dù có khôn lớn, trưởng thành nhưng cha mẹ vẫn không lúc nào hết lo lắng, dõi theo chúng”.