Đổi thay trong bản đồ cường quốc quân sự

GD&TĐ - Theo một báo cáo mới của Viện Nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI), ngành công nghiệp vũ khí của Nga đã vươn lên vị trí thứ hai trên thế giới, đánh bại Vương quốc Anh (xuống vị trí thứ ba).

Nga đã vượt Anh, đứng thứ 2 trong danh sách các nước dẫn đầu chi tiêu cho vũ khí của SIPRI
Nga đã vượt Anh, đứng thứ 2 trong danh sách các nước dẫn đầu chi tiêu cho vũ khí của SIPRI

Bước vượt ngoạn mục

Các công ty Nga trong Top 100 SIPRI, một chỉ số của các công ty dịch vụ quân sự và sản xuất vũ khí lớn nhất thế giới, đã thực hiện 9,5% tổng doanh số bán vũ khí trong năm 2017. Trong danh sách này, Mỹ đứng đầu, với 57% tổng doanh số bán vũ khí và Anh được đẩy lên thứ ba với 9%.

Top 100 SIPRI cũng công bố 10 công ty Nga đã tăng doanh số bán vũ khí 8,5% trong năm 2017 lên 37,7 tỷ USD. “Các công ty Nga đã có sự tăng trưởng đáng kể trong doanh số bán vũ khí của họ kể từ năm 2011”, Siemon Wezeman, một nhà nghiên cứu cao cấp tại SIPRI, cho biết trong một thông cáo báo chí. “Điều này phù hợp với việc Nga tăng chi tiêu mua sắm vũ khí để hiện đại hóa lực lượng vũ trang”.

Theo ông Wezeman, các công ty này không có sự cạnh tranh trong thị trường Nga và đã được hưởng lợi từ việc tăng chi tiêu quân sự khi Tổng thống Vladimir Putin hiện đại hóa lực lượng vũ trang của đất nước này.

Tuy nhiên, xu hướng tăng chi tiêu đã dừng lại vào năm 2017, khi Moscow chi 3,9 nghìn tỷ rúp (61 tỷ USD) cho quốc phòng, giảm 17% so với năm trước và giảm hàng năm đầu tiên kể từ năm 1998, theo dữ liệu SIPRI trước đó. Sự suy thoái đó là một sự đảo ngược mạnh mẽ từ những năm trước, khi Nga tăng cường đầu tư như một phần của nỗ lực cập nhật các hệ thống quân sự lỗi thời vào năm 2025. Mặc dù vậy, xuất khẩu vũ khí của Nga vẫn ở mức cao và một số công ty mới được mở rộng đã lọt vào top 100. Tổng doanh số bán vũ khí trong nhóm 100 nước đứng đầu tăng 2,5% so với năm 2016, đạt 398,2 tỷ USD - con số này tăng trưởng 44% kể từ khi dữ liệu so sánh được thu thập lần đầu tiên vào năm 2002.

Mỹ không giảm ngân sách quốc phòng

Ngân sách quốc phòng Mỹ nằm trong chương trình nghị sự tại Nhà Trắng vào đầu tháng 12 này, với việc Tổng thống Donald Trump tích cực rà soát các kế hoạch trước đây để cắt giảm chi tiêu quân sự. Ông Trump đã gọi ngân sách của Bộ Quốc phòng với 716 tỷ đô la là “điên rồ”, sau đó lại đồng ý với yêu cầu của Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis đề xuất ngân sách quốc phòng trị giá 750 tỷ đô la cho năm tới, đánh dấu sự đảo ngược từ kế hoạch thu hẹp chi tiêu quốc phòng.

Thỏa thuận về ngân sách trị giá 750 tỷ USD được đưa ra từ cuộc họp vào thứ Ba tuần trước, có sự tham gia của ông Trump, Bộ trưởng Mattis và Chủ tịch của các ủy ban Dịch vụ Vũ trang Hạ viện và Thượng viện, Dân biểu Mac Thornberry (bang Texas) và Thượng nghị sĩ James Inhofe (Oklahoma).

“Tổng thống hoàn toàn ủng hộ Chiến lược quốc phòng và tiếp tục xây dựng lại quân đội”, quan chức này nói. “Với sự giúp đỡ của Thượng nghị sĩ Inhofe và Chủ tịch Thornberry, Tổng thống Trump đã đồng ý khoản chi 750 tỷ đô la”.

Cuộc họp tuần trước diễn ra khi chính quyền Trump giảm ngân sách quốc phòng từ 716 tỷ đô la được phân bổ vào năm 2019 xuống còn 700 tỷ đô la vào năm 2020, như một phần trong nỗ lực của chính phủ liên bang nhằm giảm thâm hụt ngân sách. Các quan chức quốc phòng đã lên kế hoạch chi ngân sách 733 tỷ đô la cho năm 2020 trước khi cắt giảm đề xuất. “Bộ Quốc phòng cam kết đảm bảo quân đội của chúng tôi vẫn là lực lượng mạnh mẽ nhất thế giới” - Trung tá Mike Andrew, Phát ngôn viên của Bộ Quốc phòng nói với CNN. Các quan chức quốc phòng đã nói bất cứ điều gì dưới 733 tỷ đô la sẽ làm tăng rủi ro. Cuối cùng, con số này đã được Tổng thống Trump ấn định ở mức 750 tỷ USD.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ